Nhờ mẹ chồng trông cháu dịp nghỉ hè, tôi nghẹn đắng với câu trả lời của bà

Nghe những lời của mẹ chồng, lòng tôi quặn thắt, chồng ngồi bên cạnh im lặng không nói gì.

Tôi về làm dâu nhà chồng đến nay cũng ngót nghét 8 năm. Quãng thời gian không quá dài nhưng cũng không ngắn, đủ để hiểu bố mẹ chồng là người như thế nào. Thế nhưng, chuyện vừa xảy ra khiến tôi nhận ra, có lẽ, tôi chưa thực sự hiểu rõ về gia đình nhà chồng.

Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi lên thành phố sống nên tôi cũng ít va chạm với mẹ chồng. Tuy nhiên, từ khi tôi sinh con gái đầu lòng và về quê ở cữ, tôi liên tục phải nghe những câu nói "trọng nam khinh nữ" đến từ gia đình nhà chồng. Nhiều lúc tôi cảm giác, bố mẹ chồng không coi con gái tôi là cháu nội. Bởi trong mắt ông bà, chỉ có cháu trai mới là "đích tôn" để được cưng chiều, chăm sóc.

Thậm chí, ngay trong buổi sinh nhật con gái tôi tròn 1 tuổi, mẹ chồng gọi điện lên không phải để chúc mừng cháu gái mà để "nhắc khéo" tôi, con gái đã cứng cáp, đến lúc tính đến chuyện đẻ thằng cu đi là vừa.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tôi cười trừ nói cháu vẫn còn bé nhưng trong lòng chùng xuống. Tưởng chỉ là câu nói bâng quơ của mẹ chồng, nào ngờ, lần nào về quê, bà cũng lôi chuyện đẻ thằng cu ra nói. Từ ở nhà đến ở đám giỗ nhà họ hàng tập trung đông người, mẹ chồng nói như thể tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ của dâu con trong nhà.

Thậm chí có lần, tôi mua yến bồi bổ cho con gái, bà chép miệng ngay trước mặt cháu: "Con gái thì cần gì ăn những thứ đắt tiền này. Để dành sau này mà mua cho con trai ăn". Con gái nhìn tôi, ngơ ngác, tôi cố lảng sang chuyện khác và thực sự cảm thấy bức xúc vô cùng.

Cứ như vậy, dần dần, tôi đã không còn muốn về quê chồng nữa. Không phải vì tôi mà tôi không muốn con gái đã dần hiểu chuyện nghe được những lời không hay từ bà nội.

Năm con gái tôi 5 tuổi, tôi có bầu bé thứ 2 nhưng đến tuần thứ 8, em bé không giữ được. Mẹ chồng biết tin chỉ nói qua loa giữ gìn sức khỏe, khi nào ổn định thì đẻ tiếp.

Từ đó đến nay cũng gần 2 năm, không thấy tôi động tĩnh gì nên mẹ chồng tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Bà chuyển từ việc nhắc sinh cháu trai sang nói nếu tôi không làm được thì để ông bà biết đường tính. Dĩ nhiên, tôi biết, câu nói của mẹ chồng mang hàm ý gì.

Năm nay, con gái tôi sắp kết thúc lớp 1 mà trường công không tổ chức học thêm. Đúng đợt này, tôi có dự án mới nên khá bận, chồng tôi cũng vậy. Vì chuyện này, vợ chồng tôi cũng đau đầu suy nghĩ. Cuối cùng, chồng tôi đưa ra phương án gửi con về quê với ông bà nội trước 1 tháng, sau đó lại tính tiếp.

Đương nhiên tôi không muốn thế vì biết mẹ chồng không thích cháu gái nhưng cũng đành thử hỏi ý kiến ông bà xem sao.

Nào ngờ, vừa nghe chuyện vợ chồng tôi muốn nhờ trông cháu gái, mẹ chồng đã gắt lên trong điện thoại: "Anh chị có con thì tự đi mà trông. Bao nhiêu năm qua, chị để hai thân già này mòn mỏi chờ đợi một đứa cháu trai mà mãi không thấy. Chị đã làm tròn bổn phận của mình chưa mà đòi hỏi chúng tôi phải trông con gái cho chị".

Nghe những lời mắng xối xả của mẹ chồng, lòng tôi quặn thắt, chồng ngồi bên cạnh im lặng không nói gì. Tôi buồn mẹ chồng một thì trách chồng mười. Bởi đáng lẽ anh phải là người phải bảo vệ con gái trước mặt bố mẹ, thế nhưng anh lại im lặng cho qua.

Buổi tối, tôi ôm con gái thật chặt. Tôi quyết định dù có vất vả thế nào, tôi cũng không để con phải chịu tổn thương, nhất là lại từ những người máu mủ ruột thịt.

Tôi chỉ buồn một điều, xã hội ngày càng phát triển vậy mà có những con người vẫn mãi mang theo tư tưởng cổ hủ, lạc hậu "trọng nam khinh nữ" ngày xưa. Không biết đến bao giờ mới có thể đẩy lùi quan niệm đó được?

D.V

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nho-me-chong-trong-chau-dip-nghi-he-toi-nghen-dang-voi-cau-tra-loi-cua-ba-17225051816381961.htm