Nhớ một người, thương một nghề
Không cần những bài giảng đạo đức nghề nghiệp lê thê, tôi vẫn hiểu mình đang được mong đợi như một người viết báo trung thực, tử tế, trước khi là một cây viết giỏi. Với chị, 'tử tế' (khi ấy chưa là từ thời thượng) mới là cái quý nhất ở một nhà báo chứ không phải là khả năng sử dụng chữ nghĩa.
Gương mặt được nhớ tới đầu tiên trong ngày 21/6 năm nay phải là chân dung sáng trong, hồn hậu mà can trường của nhà báo Minh Hiền, vừa qua đời cuối tháng Tư qua. Những kỷ niệm chị để lại đều là những bài học quý giá, cả làm báo và làm người...
Đã là phụ nữ thì dù có là phi công, võ sư hay nhà báo như chị, cũng thường hay khóc. Vậy mà bao nhiêu năm làm việc với chị, tôi chỉ thấy chị khóc hai lần. Lần đầu là sáng 13/5/2008, lần sau và cũng là lần cuối cùng vào sáng 23/4/2016, khi chị đang bị trói chặt trên chiếc giường lạnh lẽo của khoa hồi sức cấp cứu bằng mớ dây nhợ chằng chịt.
Sáng ấy, khi nghe thấy tên tôi, chị cố gắng hé mi và từ khóe mắt đã lạc thần, một giọt lệ chực trào ra. Nhưng giọt nước mắt không chịu rơi xuống ngay mà cứ nấn ná thắc thỏm theo từng nhịp âm thanh của chiếc máy đo chỉ số sinh hiệu. Và rồi trong khoảnh khắc ngắn ngủi tưởng chỉ một sát na khi giọt lệ đang rơi, nó vẫn kịp phản chiếu cho tôi thấy lại trọn vẹn tất cả những hình ảnh đã biết về chị trong hơn hai mươi năm.
Tòa soạn BáoPhụ Nữ ngày ấy là hình ảnh thu nhỏ của miền Nam thời hậu chiến: kẻ từ Bắc vào, người trong rừng ra, có thành phần “30 tháng 4”, có con em phía thua cuộc, thậm chí có cả cựu phi công quân đội Sài Gòn. Tôi là con cháu kẻ bại trận, trước đó từng nếm mùi lý lịch nên khi được nhận vào đây luôn tự nhắc lòng phải biết thân biết phận. Vậy mà những người lãnh đạo tờ báo, một Tổng biên tập “từ Bắc vào” và một Phó tổng “trong rừng ra” là chị, chưa bao giờ vô tình hay cố ý khơi lại trong tôi nỗi mặc cảm của một công dân hạng hai, cũng chưa bao giờ cần đến những từ “hòa hợp”, “hòa giải” mà chỉ đơn giản là đưa ra một bàn tay cho tôi tin cậy nắm lấy. Bởi các chị không quan tâm chúng tôi đến từ đâu, mà chỉ quan tâm chúng tôi trở thành ai.
Nhờ vậy mà không cần những bài giảng đạo đức nghề nghiệp lê thê, tôi vẫn hiểu mình đang được mong đợi như một người viết báo trung thực, tử tế, trước khi là một cây viết giỏi. Với chị, “tử tế” (khi ấy chưa là từ thời thượng) mới là cái quý nhất ở một nhà báo chứ không phải là khả năng sử dụng chữ nghĩa. Một bài báo hay không nhất thiết phải là một bài báo tốt, nhưng không được phép có mùi tiền hay phủ bóng quan hệ khuất tất. Có lần chị nói với tôi hoặc ai đó, rằng không gì bảo vệ một nhà báo hữu hiệu hơn là sự tử tế, trong sáng của chính ngòi bút nhà báo ấy.
Sáng 13/5/2008, báo Doanh nhân Sài Gòn mà chị đang là Tổng biên tập, tổ chức hội nghị cán bộ viên chức. Đến phần phát biểu của lãnh đạo, thay vì đi vào nội dung chính chị lại thông báo rằng chiều trước đó, 12/5/2008, có hai đồng nghiệp của hai tờ báo lớn vì tham gia đưa tin vụ án PMU 18 mà vướng vòng lao lý. Chúng tôi đều đã biết cái tin chấn động ấy, nhưng vẫn bất ngờ khi thấy chị không kìm giữ được cảm xúc để đến nỗi “lạc đề” trong một sự kiện mang tính hành chính sự vụ, hơn nữa hai nhà báo vừa bị bắt cũng không phải là chỗ bạn bè thân thiết với chị. Bản thân tôi càng ngạc nhiên, vì dù long đong song hành cùng chị qua nhiều trắc trở nghề nghiệp, tôi chưa hề thấy chị khóc, hay là chị giỏi giấu nước mắt?
Phải sau đó vài tháng, chúng tôi mới dần hiểu ra cớ sự, khi vụ án PMU 18 trở thành vụ án có số lượng nhà báo liên quan lớn nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam: ngoài các bị cáo, có 25 nhà báo, từ phóng viên đến lãnh đạo các cơ quan báo chí bị triệu tập ra tòa với tư cách nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vậy là chị khóc vì tiên cảm được nghề báo từ chiều 12/5/2008 đã bước vào một ngã rẽ khác, bắt đầu một lộ trình cheo leo khúc khuỷu không dành cho những ai còn ảo tưởng với sức mạnh thênh thang của quyền lực thứ tư, mà chỉ chấp nhận những cái đầu biết lạnh lùng suy tính trước mọi nguồn tin.
Vậy là chị khóc không chỉ cho hai đồng nghiệp, mà cho tất cả các đồng nghiệp của mình. Đó còn là những giọt lệ tiễn đưa một thời đáng nhớ của nghề báo.
Lần thứ hai, cũng là lần cuối cùng, chị khóc vì đó là cách duy nhất mà chị còn có thể làm được để giã biệt người ở lại, khi không còn nói được, không còn cử động được dù chỉ một ngón tay. Bên ngoài chỗ chị nằm, chỉ cách một hành lang hẹp, là nơi những sinh linh bé bỏng được nâng niu đưa ra khỏi lòng mẹ để khởi đầu cuộc hành trình trên cõi nhân gian. Ngoài kia, một hài nhi vừa chào đời được cô hộ sinh tất tả bồng ngang qua thì trong này, chị thở hết làn hơi cuối cùng và từ đó chiếc máy vô tri thở giúp chị. Hai cõi tử sinh cách nhau vài bước chân. Sự sống ngoài kia tiếp nối cái chết trong này.
Tối hôm ấy chị ra đi.
Không gì chính xác, trần trụi, đau đớn hơn là câu nói của đứa cháu gái mà chị nuôi từ nhỏ, sau khi chị thõng tay nhắm mắt, đã mở cửa chạy ra ngoài, miệng lẩm bẩm không ngừng: “Chết rồi... chết rồi... chết rồi...”. Ban đầu tôi cứ nghĩ đó là một thán từ chứ không phải động từ diễn đạt điều cô ấy vừa chứng kiến: cái chết với đầy đủ ý nghĩa phi lý của nó. Như chị, vẫn dùng những từ ngữ đơn giản đến mộc mạc, để vỏ bọc chữ nghĩa không làm hại sự thuần khiết của khái niệm.
Ngày này đã được báo trước 17 năm, và được định mệnh nhắc lại ba lần. Nên chị đã chuẩn bị chu toàn cho chuyến đi cuối cùng, dù vẫn có những việc đang làm dở. Tôi nhớ ngày sắp về hưu, chị có nói đến dự định làm tờ báo Chiều cho đối tượng độc giả là những người vừa vào tuổi hưu trí để họ đỡ chông chênh cuối con dốc cuộc đời. Giờ đây, đó vẫn là ý tưởng hay cho người ở lại.
Tất nhiên chị phải nhiều lần khóc trong đời, khi đối diện với những vô thường của kiếp nhân sinh. Nhưng chúng đều đã tan biến vào hư không. Riêng những giọt nước mắt của hai lần khóc vẫn còn đó. Như bàn tay bao dung chị chân thành đưa cho tôi nắm lấy ngày nào, vẫn còn đó.
Để mỗi lần nhớ một người, lại càng thương cho một nghề.
Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), Nhà xuất bản Trẻ phối hợp với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè của cố nhà báo Minh Hiền - Nguyên Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn), ra mắt sách "Quyết liệt sống" viết về cuộc đời và sự nghiệp của bà. Trong sách, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã chia sẻ những ký ức về nữ nhà báo dành cả đời cống hiến cho nghề báo. Đây là một trong những bài viết trong sách "Quyết liệt sống".
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nho-mot-nguoi-thuong-mot-nghe-311702.html