Nhớ một thời bao cấp
Thời kỳ bao cấp, chế độ bao cấp, tem phiếu, xếp hàng… là những khái niệm có thể xa lạ với không ít bạn trẻ ngày nay, tuy nhiên đối với những người đã từng sống ở thời kỳ ấy thì đây là giai đoạn gian khó nhưng đầy lạc quan.
“Xếp hàng”… về quá khứ
Thời bao cấp, cách gọi nôm na của người dân là “thời tem phiếu”, “thời đặt gạch xếp hàng”, diễn ra từ những năm 1957 tại miền Bắc cho đến khoảng tháng 4/1989. Bao cấp, với người dân Việt Nam, được hiểu đơn giản là tất cả đều do Nhà nước đứng ra “bao” hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hằng ngày…
Để nhớ về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, từ ngày 25/3 -15/7/2023, Bảo tàng tỉnh Hải Dương triển khai kế hoạch sưu tầm chuyên đề “Ký ức thời bao cấp” từ 1976-1986. Nội dung sưu tầm gồm 3 phần. Về hiện vật có trang phục, đồ sinh hoạt và nông cụ sản xuất, phương tiện đi lại; tem phiếu, sổ hộ khẩu, sổ gạo, sổ thịt. Tư liệu về hình ảnh sinh hoạt hằng ngày của người dân có cảnh xếp hàng mua hàng, cưới hỏi, tang ma, chia tay, gặp mặt, một số nghề thủ công truyền thống, lao động sản xuất như nghề nhuộm, chở xích lô, viết thư thuê. Ghi chép những câu chuyện qua lời kể của người cao tuổi đã sống trong thời kỳ bao cấp...
Việc sưu tầm rà soát, tập hợp, hệ thống hóa các tài liệu hiện vật, hình ảnh về thời kỳ bao cấp giúp khách tham quan có cái nhìn toàn diện, bao quát về thời kỳ bao cấp - một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Bổ sung tài liệu, hiện vật, hình ảnh làm phong phú cho kho cơ sở của bảo tàng; phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập, nghiên cứu, khai thác tư liệu... của khách tham quan, đặc biệt là học sinh.
Trước đó, tại Hà Nội, những triển lãm nhớ về thời bao cấp đã thu hút đông đảo người tới tham quan, trải nghiệm. Có thể kể đến như triển lãm “Thương nhớ thời bao cấp” tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) khắc họa hình ảnh xã hội Việt Nam những năm 1976-1986. Triển lãm tranh “Thương nhớ thời bao cấp” của 2 họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa với 30 bức tranh minh họa và những câu ca dao, thành ngữ hóm hỉnh. Hai họa sĩ trẻ đã thành công trong việc tái hiện hình ảnh cuộc sống của người dân Việt Nam trong những năm tháng của thời kì bao cấp.
Triển lãm “Bao cấp - xếp hàng về quá khứ” với 100 hiện vật thời bao cấp ngược về quá khứ đầy ắp những kỷ niệm. “Chúng tôi từng nghe bố mẹ kể về thời ăn cơm độn khoai, sắn, tranh nhau mua thịt mỡ, chúng tôi từng không tin. Cho đến ngày chúng tôi lớn lên, đọc nhiều, hiểu nhiều, chúng tôi quyết tâm sẽ phải làm được triển lãm này để nối gần hơn khoảng cách giữa các thế hệ. Đơn giản chỉ là, những bạn trẻ như chúng tôi đến đây sẽ hiểu và yêu thương bố mẹ hơn, cũng như yêu thương một giai đoạn khó khăn nhưng đầy kỷ niệm của Hà Nội”, Nguyễn Phương Linh, Trưởng ban nội dung triển lãm “Bao cấp - xếp hàng về quá khứ” chia sẻ.
Triển lãm “Cuộc sống thời bao cấp” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từng thu hút người xem không kém. Các bạn trẻ được trải nghiệm xếp hàng trước “cửa hàng mậu dịch”, để mọi người hiểu thêm về “văn hóa xếp hàng” của một thời chưa xa lắm...
Tràn đầy yêu thương và niềm tin
Phần lớn chúng ta hiểu về thời bao cấp qua những mẩu chuyện vụn vặt của ông bà, bố mẹ. Những ngày đói ăn chỉ có tóp mỡ và khoai độn với cơm. Trong khi Tết của ngày nay là, nhiều nhà “mâm cao cỗ đầy”, món ăn gì cũng có sẵn để mua và mua bất cứ lúc nào đến mức quen thuộc. Còn Tết của thời bao cấp, có được miếng thịt, miếng giò trong mâm cơm là cả một niềm hạnh phúc, sung sướng.
Khách tham quan đến với những triển lãm này là những bạn trẻ, những người mong muốn được tìm hiểu, trải nghiệm về cuộc sống trước đây. Nhưng cũng không ít khách tham quan ở độ tuổi trung niên, những người từng sống qua thời bao cấp. Sau một năm mở cửa, Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) đã đón 285.000 người, hơn một nửa là người Việt Nam tới tham quan triển lãm Hà Nội thời bao cấp. Gần 2.000 trang giấy đã được người xem ghi lại cảm tưởng.
“Từ việc cảm nhận sâu sắc về thời kỳ khó khăn của dân tộc, các bạn sẽ có niềm cảm thông và trân quý hơn với lớp cha anh. Qua đó, các bạn cũng ý thức được giá trị lớn lao của thành tựu mà dân tộc đạt được cho tới ngày hôm nay. Để rồi các bạn sẽ thấy rằng mình cần làm gì để giữ gìn và phát triển hơn nữa những thành quả đó”, nghệ sĩ, nhà sưu tập đồ cổ Mạnh Đức nói.
Tại cuộc tọa đàm ra mắt cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp”, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng đây là một thời kỳ thật đặc biệt của đất nước. Thời đó, con người sống tràn đầy niềm tin, tình nghĩa và rất gắn bó. Ông nhớ rõ kỷ niệm những lần phải “đặt cục gạch” từ 1, 2 giờ sáng, thậm chí từ tối hôm trước để giữ chỗ. Mỗi người có khi phải cùng lúc xếp hàng ở hai, ba nơi, mỗi nơi lại đặt một cục gạch đánh dấu vị trí của mình. Và hiếm người chen lấn. Họ sẵn sàng nhường nhịn nhau nếu ai đó gặp khó khăn. Đây là bài học về sự giúp đỡ, nhường nhịn và yêu thương nhau đối với các bạn trẻ”.
Người ta thường nhớ thời bao cấp với sự thiếu đói triền miên, nhưng cái đói khiến cho mọi người bao bọc, xích lại nhau. Có thể thấy, con người thời bao cấp đã biết vượt lên những khó khăn vật chất để tìm thấy niềm vui, để tự động viên mình tiếp tục sống và làm việc.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nho-mot-thoi-bao-cap-post471442.html