Nhờ ngân hàng số, giao dịch trực tiếp về tiền mặt dịp cận Tết giảm mạnh
Tình trạng xếp hàng dài chờ rút tiền mặt dịp cận Tết giảm mạnh, người dân chuyển sang thanh toán điện tử. So với cùng kỳ năm 2024, số lượng giao dịch tăng khoảng 13%-15%.
Số lượng ATM giảm nhưng tình trạng xếp hàng dài, tắc nghẽn dịp cận Tết Nguyên đán không còn diễn ra như một số năm trước.
ATM "ế" khách
Ghi nhận của Báo điện tử VietnamPlus, tình trạng người dân xếp hàng dài chờ rút tiền và các máy rút tiền tự động (ATM) ngừng hoạt động không tái diễn như các năm trước đây.
Tại Hà Nội, các cây ATM của ACB, VietinBank, Vietcombank… trên đường Điện Biên Phủ, Đại Cồ Việt, Giải Phóng… vắng hoe, thay vì hình ảnh nhiều người đứng đợi tới lượt rút như cùng kỳ năm ngoái.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực có đông đúc dân cư, văn phòng trong quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai, lượng người đến rút tiền mặt những ngày qua rất thưa thớt, dù là cuối tuần và cũng là thời điểm cận Tết, nhu cầu mua sắm, thanh toán tăng cao. Điều này trái ngược hẳn với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Được biết các cây ATM gần khu công nghiệp ở ngoại thành hay trước các khu vực tập trung nhiều văn phòng trong nội thành những ngày qua cũng không xảy ra tình trạng khách phải xếp hàng chờ rút tiền như mọi năm. Các nơi thường có nhu cầu sử dụng tiền mặt lớn như chợ hay siêu thị, tình trạng nghẽn ATM cũng giảm đáng kể.
Chị Thu Minh (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, rút tiền mặt không còn là vấn đề lớn hiện nay, khi ở mọi nơi đều có thể quét mã QR hoặc dùng thẻ thanh toán. Trước kia, cứ mỗi khi Tết đến, chị thường phải rút trước một khoản tiền để đảm bảo chi tiêu dịp Tết thì hiện nay, với việc thanh toán online, mua sắm không cần tiền mặt trở nên ngày càng phổ biến thì ngay cả khi về quê hay đi du lịch xa, chị Minh không còn gặp vướng mắc trong thanh toán dù không cầm theo tiền mặt.
Chị Minh cũng thông tin thêm, hiện anh chỉ rút tiền mặt để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu bố mẹ, vốn là những người cao tuổi không am hiểu nhiều về công nghệ thanh toán trực tuyến.
Tất bật chuẩn bị mua sắm Tết, chị Mai Loan (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Từ lâu tôi đã bỏ thói quen rút tiền mặt ra để chi tiêu. Mọi hàng hóa hầu như tôi đều đặt online và trả tiền qua ngân hàng. Nếu có đi mua hàng trực tiếp thì tôi cũng thường chọn các điểm mua sắm có thể chuyển khoản hoặc thanh toán qua thẻ.”
Các chuyên gia đánh giá xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử cũng sẽ giúp cho phân tải từ hệ thống ATM sang chuyển tiền 24/7…
Một lãnh đạo Vietcombank cho biết so với cùng kỳ các năm trước, hiện nay, tỷ lệ khách hàng giao dịch tiền mặt trực tiếp tại các quầy đã giảm 50%. Việc tiếp quỹ ATM cũng giảm mạnh so với trước. Nếu cùng kỳ các năm trước, mỗi ngày nhân viên ngân hàng phải tiếp quỹ ATM 1 lần/ngày thì nay tần suất tiếp quỹ đã giảm mạnh chỉ còn 1 lần/tuần.
Kết quả nói trên phản ánh rõ nét nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển nhanh NAPAS 247, chuyển tiền/thanh toán bằng mã VietQR.
Thực tế trên cũng phù hợp với những số liệu mới nhất của NAPAS, trong năm 2024, dịch vụ rút tiền trên ATM qua hệ thống tiếp tục có xu hướng giảm mạnh tới 19,5% so với cùng kỳ và chỉ chiếm 2,4% tổng số giao dịch của toàn hệ thống.
Giao dịch trực tuyến tăng mạnh
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết trong 2 tuần đầu năm 2025, số lượng giao dịch qua NAPAS trung bình tăng khoảng 3% so với trung bình ngày của tháng 12, cho dù trước Tết dương lịch tương đối cao điểm. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng giao dịch tăng khoảng 13%-15%. Hiện nay, giao dịch chạy qua hệ thống NAPAS trong ngày cao điểm khoảng 35 triệu giao dịch/ngày. Lượng giao dịch chuyển tiền, giao dịch chuyển tiền qua quét mã QR tăng trưởng mạnh thể hiện nhu cầu chuyển tiền, thanh toán của người dân.
Điều này cho thấy sự phổ cập của các phương thức thanh toán trực tuyến đang thay thế cho tiền mặt trong đời sống hàng ngày của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Thời gian gần đây, các hình thức thanh toán trực tuyến thực sự đã lan tỏa vào mọi ngõ ngách cuộc sống, từ trả tiền cốc cà phê tới mua mớ rau ngoài chợ cũng có thể chuyển khoản…
Cũng theo ông Long, trong giai đoạn cao điểm, NAPAS theo dõi cũng thấy có một số thời điểm xảy ra quá tải cục bộ ở một số ngân hàng, ví dụ như app chậm hay không vào được. Tuy nhiên chưa có sự cố nào xảy ra trên toán bộ hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng của NAPAS.
Với vai trò đơn vị cung cấp hạ tầng, nền tảng cho hệ thống thanh toán bán lẻ quốc gia, những dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, NAPAS luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng. Lúc cao điểm hệ thống NAPAS xử lý lên tới 36 triệu giao dịch/ngày, tuy nhiên hệ thống của NAPAS được thiết kế luôn dự phòng, từ 100%-150% cao hơn so với mức cao điểm nhất, công suất phục vụ lên đến 3.500 giao dịch/giây. Qua đó đảm bảo giao dịch qua hệ thống luôn thông suốt và an toán,” ông Long chia sẻ.
Ngoài ra, NAPAS luôn duy trì đội ngũ trực giám sát hệ thống và đội ngũ kỹ thuật trực 24/7 để đảm bảo mỗi khi thấy đầu phía ngân hàng có vấn đề gì có thể cảnh báo ngay để phối hợp xử lý nhanh nhất.
Ông Long khuyến cáo, mỗi khi khách hàng thực hiện giao dịch chậm hoặc không được, khách hàng có thể chờ một chút, không nên thực hiện giao dịch liên tục nhiều lần, tránh gây ảnh hưởng đến khả năng xử lý cho các ngân hàng./.