Triển vọng bán tín chỉ cacbon ở Việt Nam, người dân trồng cây thu tiền

Người nông dân chỉ cần trồng cây và ngồi... thu tiền khi thị trường tín chỉ carbon được thiết lập. Càng trồng nhiều cây xanh, số tiền thu về càng nhiều là động lực để phát triển thị trường nhiều tiềm năng này.

Xây dựng cơ chế trao đổi tín chỉ carbon

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động trao đổi tín chỉ carbon ra nước ngoài sẽ giúp Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong hệ thống toàn cầu giảm phát thải khí nhà kính.

Với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Việt Nam đang đặc biệt chú trọng vào phát triển xanh và các hoạt động giảm thiểu biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc xây dựng cơ chế trao đổi tín chỉ carbon không chỉ là một bước đi quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội để Việt Nam hợp tác sâu rộng với các quốc gia tiên tiến, đặc biệt là Nhật Bản.

Việt Nam có nhiều tiềm năng rộng mở phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Việt Nam có nhiều tiềm năng rộng mở phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Tín chỉ carbon là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ.

Theo thống kê dữ liệu từ hai tổ chức Gold Standard và Verra, Việt Nam hiện có 116 dự án đăng ký, chờ xác thực hoặc đạt chứng nhận tín chỉ carbon. Trong đó, 40 dự án đã được chứng nhận, với 10,7 triệu tín chỉ phát hành hàng năm. Nếu tính theo ngành, lâm nghiệp với duy nhất một dự án đang mang về tín chỉ carbon hàng năm nhiều nhất. Đây cũng là dự án quy mô lớn nhất Việt Nam - bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với 5 USD một tấn, dự án này thu về 51,5 triệu USD, khoảng 1.200 tỷ đồng. Điều này lý giải vì sao, các nhà đầu tư Nhật Bản đang nhanh chóng thực thi việc đầu tư thử nghiệm thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Đặc biệt, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh hơn, hơn một năm trước, Nhật Bản liên tục đưa các sàn giao dịch tín chỉ carbon vào hoạt động. Trong đó, Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đã khai trương sàn giao dịch tín chỉ carbon có xác thực của Chính phủ. Nhật Bản đã phác thảo lộ trình đầu tư 150.000 tỷ yen (hơn 1.100 tỷ USD) qua đối tác tài chính công - tư trong 10 năm tới nhằm giúp các ngành công nghiệp đạt mức trung hòa carbon và góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á.

Theo thống kê, diện tích rừng hiện nay của nước ta là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%. Về tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon, Cục Lâm nghiệp tính toán, trên diện tích rừng hiện nay, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ, ngành Lâm nghiệp ước thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.

Trồng cây, thu tiền

Việt Nam đã triển khai các hoạt động thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon. Tỉnh Bình Phước đã trồng điều để tạo tín chỉ carbon. Hiện nay có diện tích rừng hơn 1,5 triệu ha, tỷ lệ che phủ 22,57%. Đây là nguồn dự trữ carbon tiềm năng cho việc phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Hay như tỉnh Bến Tre, Bình Định trồng dừa bán tín chỉ carbon. Đây là 2 địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất nhì Việt Nam - Bến Tre hơn 79.000 ha, còn Bình Định hơn 9.300 ha. Ngoài giá trị kinh tế mang lại từ các sản phẩm, cây dừa còn có tiềm năng khai thác tín chỉ carbon, thu tiền tỉ về cho người trồng.

Theo nghiên cứu, với mỗi cây dừa trồng hơn 10 năm, số tín chỉ carbon có thể tính như giá trồng cây rừng là khoảng 1 USD/cây, 1ha dừa mỗi năm có hấp thụ được 70 - 75 tấn CO2.

Theo tính toán, với diện tích dừa đang có và khả năng hấp thụ carbon của cây trồng này, khi bán tín chỉ carbon theo mức giá tương tự như tín chỉ carbon rừng (5 USD/tấn CO2) thì ngành này có thể thu thêm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu cho rằng, vấn đề cần thiết là phải huy động được nỗ lực của toàn dân đóng góp với công cuộc chống biến đổi khí hậu. Bản thân các Chính phủ sẽ không thể giảm được phát thải nếu không làm được điều này. Làm sao để doanh nghiệp, người dân cùng tham gia, trong đó tiên quyết cần tạo cơ chế động lực, cơ chế thị trường cho doanh nghiệp có thể cùng tham gia.

Để đạt được các mục tiêu khí hậu theo cam kết của Việt Nam với quốc tế, cần có nguồn vốn lớn. Thị trường tín chỉ carbon là một nguồn vốn quan trọng giúp doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước chuyển đổi từ Nâu sang Xanh, vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa tạo động lực và lợi nhuận cho doanh nghiệp và quốc gia.

Tuy khái niệm này khá mới với nhiều người, nhưng thực tế ở Việt Nam, tín chỉ các bon đã được giao dịch từ năm 2008 theo cơ chế phát triển sạch CDM. Tuy nhiên trên bình diện tổng thể quốc gia thì chưa có cơ chế cụ thể. Các Bộ, ngành tham gia chưa thực sự chủ động và cũng chưa có góc nhìn chiến lược để xoay chuyển nền kinh tế từ Nâu (dựa vào tài nguyên) sang Xanh.

Việt Nam có tiềm năng lớn để xây dựng thị trường carbon. Chúng ta có một số lợi thế trong những ngành giảm và loại bỏ CO2. Nhưng nếu không kịp tranh thủ thời gian thì thời hạn đang đến rất nhanh.

Nhiều chuyên gia cho biết, về thị trường tín chỉ carbon, mặc dù Việt Nam đang chậm chân hơn một số thị trường khác trong khu vực ASEAN. Các nước như Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia đã thành lập thị trường chính thức. Tuy nhiên, có những tín hiệu cho thấy, Việt Nam nỗ lực bắt kịp thế giới trong việc phát triển thị trường carbon. Dự kiến, sàn giao dịch carbon sẽ được thí điểm vào năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trien-vong-ban-tin-chi-cacbon-o-viet-nam-nguoi-dan-trong-cay-thu-tien-16925012417423177.htm