Nhớ sao ngọn khói ngày đông

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi rất thích hình ảnh: Ngọn khói chứ làn khói thì quá mỏng mà màn khói lại quá dày. Ngọn khói như chồi của ngọn cây của sự sống. Khói ngút lên từ rơm rạ đồng quê, rơm rạ đã khô đã héo đã chết nhưng ngọn khói thì lại sống, mang lại sự sống hồi sinh từ cái chết. Ngọn khói tỏa ra từ bếp rơm thơm cơm mới. Hạt gạo chắt chiu từ cọng rơm, từ xay, giã, dần, sàng. Có một nhà thơ viết rất hay: “Gặt xong rồi rơm rạ bó vào nhau” thật thân phận. Bó vào nhau để thành cây rơm, để thành mái rạ, để hóa thân vào ngọn khói. Ôi, cái ngọn khói đã mang theo hồn vía căn cốt ruộng đồng. Tôi thích ngày đông hơn là mùa đông. Mùa đông thường dài, dài lê thê, dài ẩm ướt, dài rét mướt. Còn ngày đông thì quá ngắn, ngắn nồng nàn, ngắn gang tấc “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Ngày đông ngắn bởi bước chân trên ruộng hình như cũng gấp gáp hơn, bàn chân vào chợ hình như cũng đắn đo hơn. Cái se se buôn buốt của thời tiết khiến cây cối co ro, dáng người co ro nhưng ngọn khói lại mỡ màng, lại quấn quýt, lại sum vầy, lại mời mọc. Nghe tiếng củi khô reo nổ lách tách ta cứ ngỡ đó như hồi âm của nắng mùa hè còn sót lại, còn đông là hơi ấm. Ngọn khói cứ lan man ngỡ như không hay chuyện mà chỉ ngấm chuyện ríu rít bên người. Ngọn khói có vẻ lửng lơ nhưng không thờ ơ mà cứ tỏ mờ ảo ảnh, ám ảnh. Khói rút ruột mình đắm đuối.

Nhớ sao những chiều đông trên cánh đồng hun chuột. Lũ chuột đồng béo múp míp nấp dưới như hang hóc mé đồi, mé đồng, mé đường, mé ruộng, lũ trẻ con hò reo bắt chuột chặn lối ra lối vào với bùi nhùi xoắn khói. Nhưng thú vị hơn cả là tụm năm, tụm ba để nướng khoai, nướng ngô. Lạ thế, lúa gặt xong trơ gốc rạ rồi lại tiếp đến mùa khoai, mùa ngô cứ gối đầu lên nhau theo thời vụ. Củ khoai, bắp ngô nóng hôi hổi, lũ trẻ xuýt xoa thổi ra khói. Khói như là gia vị riêng cũng thơm bùi, thơm đượm và ấm nữa. Lại có món đặc sản cá rô đồng tát bên bờ ruộng cắm vào cành trẻ vót nhọn và nướng. Chao ôi vị mỡ cá từ bụng trứng căng tròn nứt ra xèo xèo cháy. Lũ trẻ cứ thế mà lớn phổng phao mang trong mình vị quê, vị ruộng huyết quản hồng hào còn ám vị khói ngày đông. Ngọn khói ngày đông có tài rủ rê lắm. Rủ rê mọi người quây lại với nhau bên bát nước chè xanh sóng sánh bốc khói. Và mọi việc làng, chuyện nước cứ thế từ đó mà lớn dần ra. Bao buồn vui cứ sẻ chia đầy vui không cạn, như bồ thóc trong nhà cũng đầy vơi không cạn, như giếng nước khơi trong ngoài vườn cũng vơi đầy không cạn. Khói như lan tỏa, khói như mê hoặc cứ ấm nồng cứ da diết. Ôi hay, sao ngọn khói lại đi vòng nhởn nhơ mà ý tứ lắm. Vòng mà thẳng đấy là khoảng cách rút ngắn nhất, xích lại bên nhau tỉ tê gan ruột. Ngọn khói phải cời lên phải thổi phù phù, phải nhấp nhánh than phải bùng lên ngọn mới tỏa ấm hết mình, mới khơi lại bao héo tàn mà đắp bồi mà vun thành chồi khói và tỏa ra ngọn khói. Bây giờ văn minh hơn đã sử dụng điện, bếp ga tỏa ra xanh lè, ngọn lửa không reo vui, không nhảy múa, không tanh tách tiếng củi nổ, tiếng khói. Con người hình như cũng khu biệt cách xa nhau ra với cái điện thoại thông minh màn hình nhoay nhoáy, có một khoảng trống mơ hồ xen vào: Sống ảo. Và tôi lại cứ nôn nao nhớ khói như nhớ về một người bạn tri ân lâu ngày chưa gặp lại. Khói vẫn còn len lỏi trong mái tóc của tôi, sợi tóc là sợi khói. Khói vẫn còn trong tiếng rít thổn thức điếu thuốt lào của ông tôi. Khói vẫn còn đậm đà trong miếng trầu của bà tôi. Và mẹ tôi vẫn có những phút giây thong thả rút từng sợi len đan vào tấm áo mùa đông như rút từng sợi khói đan vào ký ức. Nhớ sao ngọn khói ngày đông. . .

Hà Tĩnh, ngày 1/12/2020

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202012/nho-sao-ngon-khoi-ngay-dong-3034287/