Nhớ thương bếp lửa kiềng
Về làng thăm chị. Tháng bảy mưa dầm, cái chái bếp chị thấp tè, nền bằng đất nên rất ẩm. Chị ngồi lui cui bên bếp lửa mới nhen, cứ thi thoảng lại cầm cái ống thổi lửa bằng tre lên thổi phì phò.
Tro trấu dính đầy mặt. Trời mưa, củi ướt nhóm được bếp lửa là rất khó. Nhưng rồi đâu cũng vào đó, củi bén được, lửa bắt đầu hừng lên, tiếng củi cháy nổ lép bép nghe rất vui tai. Trên cái bếp kiềng ba chân, chị đặt nồi khoai lang lên nấu, chiếc nồi bằng nhôm đen kịn màu lọ nghẹ có từ hồi mẹ còn sống vẫn được chị dùng để nấu nướng cho tận đến bây giờ.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Nhìn cái dáng gầy gò ngồi co ro bên bếp lửa của chị, tôi thấy thương chị làm sao. Ngày xưa, cũng ở cái chái này, bên bếp lửa có cái kiềng ba chân bằng sắt này, cả nhà, có mẹ, có chị, có các anh em quây quần nhau vui đùa chờ cơm sôi, canh chín. Nhiều đêm đói bụng, hai anh em lấy khoai lang vùi vào bếp tro nóng, khoai lang vùi tro bóc ra nghe thơm phức, ăn là ghiền. Trời mưa dầm mẹ và chị xay bột đổ bánh xèo, bên bếp lửa cháy riu riu, mấy anh em vừa thổi vừa ăn những chiếc bánh xèo nhân tép nóng hổi, giòn rụm. Ngày giỗ, tết, mấy cái bếp trong nhà luôn bận rộn, lửa lúc nào cũng đỏ, cũng reo, mùi xào nấu thơm nồng hương vị xông lên mũi, nghe mà bụng dạ cồn cào.
Bếp lửa quê đã thắp sáng tâm hồn tôi ngay từ thời thơ ấu. Sao quên được những đêm đông giá rét, bên bếp lửa cháy bập bùng mấy mẹ con ngồi co ro sưởi ấm. Những buổi chiều nhìn khói bếp rúc qua mái tranh bay vấn vương buồn rười rượi.
Bếp lửa đối với người nông dân rất quan trọng, để lửa tắt, bếp nguội là không nên, bởi lửa là hiện diện của sự sống. Các mẹ, các chị ngày xưa khi bếp núc đã xong, thường chọn những thanh củi cháy đượm ủ tro lên để giữ lửa, nhờ vậy bếp bao giờ cũng ấm. Mấy chú mèo cứ đêm đêm xúm nhau cuộn mình ngủ khò trong tro.
Ở thôn quê ngày ấy củi nhiều, nên nhà nào cũng sắm một vài bếp kiềng để nấu. Gì chứ củi trong nhà không thể thiếu. Mưa dầm mà nhà thiếu củi, củi ướt là khổ lắm. Tôi với anh tôi thường rủ nhau mang gióng gánh, búa rựa ra rẫy tìm củi mục, củi gốc về chẻ, sắp lớp lang, che đậy cẩn thận để mẹ, chị nấu nướng hàng ngày.
Lại nói về cái bếp kiềng. Bếp kiềng là bếp nấu được làm bằng sắt, dưới có ba chân chạng ra, trên được kiềng một vòng sắt, bên trong có hàn ba miếng sắt dẹp đấu vào nhau, để làm vật kê giữ nồi niêu khi nấu. Kiềng ba chân của bếp nói lên sự chắc chắn vững chãi: “Vững như kiềng ba chân”. Kiềng ba chân bằng sắt còn có ý nghĩa mang tính cách biểu tượng về truyền thuyết ông Táo được lưu truyền trong dân gian. Từ đó người Việt có tục thờ cúng ông Táo, bên cạnh mỗi bếp trong gia đình đều có bàn thờ ông Táo. 23 tháng chạp cúng tiễn ông Táo về trời.
Bây giờ mẹ không còn, anh em mỗi đứa có gia đình với cuộc sống riêng. Nhà xưa, bếp xưa, sớm hôm chị lủi thủi một mình, mặc ai bếp gas, bếp điện chị vẫn một mực trung thành với cái ông kiềng đốt bằng củi. Củi rừng, củi rẫy không còn, chị lại ngày ngày quảy gióng gánh đi nhặt cành đào, keo tràm khô... về chụm. Bếp lửa với chị thành niềm vui bầu bạn.
Mỗi lần vào thăm chị, nhìn chị phì phò cái ống thổi lửa bằng tre, nhìn những soong, nồi lọ nghẹ đen thui, tôi lại thấy thương mẹ, thương chị, thương cái bếp quê nghèo đã nuôi tôi khôn lớn.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nho-thuong-bep-lua-kieng-103128.html