Nhớ tiếng kèn Saranai

Tết Katê của cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn đến gần, nhưng có lẽ đây là mùa Katê đồng bào Chăm đón tết trong âm thầm, sẽ chẳng có những điệu múa Chăm dưới chân tháp cổ, tiếng trống Ghinăng, Paranưng vang vọng, thúc giục hay điệu kèn Saranai dìu dặt khiến người ta day dứt, nhớ về Katê năm nào trên ngọn tháp PoshaInư.

Nhớ tiếng kèn Saranai

Phần nghi lễ mở cửa tháp (ảnh tư liệu).

Phần nghi lễ mở cửa tháp (ảnh tư liệu).

Katê lặng lẽ

Lễ hội Katê còn được gọi là Mbang Katé là một lễ hội của đồng bào dân tộc Chăm. Đây là một lễ hội dân gian thiêng liêng đặc sắc và rất quan trọng. Tưởng nhớ đến những người đã khuất, đến các vị anh hùng dân tộc (được người Chăm tôn vinh làm thần). Người Chăm thường dâng lễ tại các đền tháp cổ kính, thưởng thức các điệu múa nhạc dân gian trong kho tàng âm nhạc của người Chăm. Mọi người nghỉ ngơi và tràn ngập niềm vui, đi thăm viếng chúc tụng lẫn nhau. Lễ hội được chia làm 2 phần: phần lễ và phần hội, gắn liền với những nghi thức cổ xưa. Nghi thức hành lễ đón rước phục y, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc phục y cho tượng thần, đại lễ. Khi điệu múa thiêng kết thúc thì ngoài tháp Chăm bắt đầu mở hội. Các điệu múa, làn điệu dân ca cộng hưởng với trống Ghinăng, Paranưng và kèn Saranai làm vui nhộn cả một vùng.

Năm nay, trong tình hình dịch bệnh kéo dài, ông Nguyễn Văn Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo phối hợp tổ chức Tết Katê của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bàlamôn năm 2021 theo truyền thống, từ ngày 5/10 (nhằm ngày 29 tháng 8 năm Tân Sửu). Năm nay, người Chăm cũng đón Tết Katê nhưng lặng lẽ hơn. Các địa phương có đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân, học sinh, sinh viên là người dân tộc Chăm theo đạo Bàlamôn đang sinh sống, làm việc và học tập... được đón tết trong 3 ngày với ý nghĩa sum họp, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, động viên, hướng dẫn đồng bào vui tết trong điều kiện thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Qua đó, nhằm ổn định đời sống, phát triển sản xuất, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần cùng với các dân tộc anh em trong tỉnh thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Ông Trần Đức Dũng – Trưởng Ban quản lý nhóm đền tháp PoshaInư cho biết: Năm nay, do tình hình dịch bệnh, sẽ không tổ chức phần hội, nhưng phần nghi lễ các vị chức sắc cao của cộng đồng người Chăm sẽ có mặt để tiến hành những nghi thức quan trọng. Đối với cộng đồng Chăm, người dân cũng hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch nên việc đón Tết Katê sẽ đơn giản hơn những năm trước, tuân thủ quy định về 5K trong việc sum họp, đón tết.

Nhớ tiếng kèn Saranai

Sư cả Thường Xuân Hữu – Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn tỉnh chia sẻ: “Cộng đồng người Chăm của tỉnh cũng được vận động tuyên truyền rất rõ. Việc thực hiện nghi lễ tại đền tháp năm nay do cộng đồng người Chăm ở huyện Hàm Thuận Bắc tiến hành, để tưởng nhớ công ơn các vị thần linh, những anh hùng trong lòng người Chăm. Tất cả gia đình Chăm cũng hiểu được việc đón tết trong thời điểm dịch bệnh sẽ khó khăn hơn, nên chỉ quây quần bên gia đình một cách đơn giản nhất”.

Là người con Chăm gắn bó với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật Chăm, ca sĩ Thanh Pháp cho biết: Năm nay là một năm rất đặc biệt và không thể nào quên đối với người Chăm theo đạo Bàlamôn. Katê là một dịp thờ kính ông bà tổ tiên như mọi năm, với phần hội, các chức sắc tín đồ dâng lễ rước kiệu đến các đền tháp hoành tráng quy mô, mang đậm nét bản sắc văn hóa mà người xưa để lại. Năm nay không được hoành tráng tưng bừng như những năm trước, cũng là nỗi buồn khi nhớ lại Katê những năm trước kia.

“Dịch bệnh, nhưng chính quyền địa phương rất quan tâm đến chính sách tín ngưỡng tôn giáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Vì tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng diễn biến khó lường trên phạm vi rộng, vì sức khỏe cộng đồng nên người Chăm nói chung hưởng ứng sự chỉ đạo của UBND tỉnh và địa phương. Tuy lễ hội Katê không diễn ra nhưng tiếng trống, tiếng kèn vẫn khắc sâu in đậm vào tâm trí của từng người con Chăm như thôi thúc và tạo động lực để chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống hiện tại” – Thanh Pháp bộc bạch.

Do dịch bệnh, sẽ còn lâu những lễ hội truyền thống mới có dịp trở lại đầy đủ hơn. Tết Katê cũng vậy. Dù tạm thời sẽ chẳng có những rộn ràng tiếng trống Ghinăng, hay những chiếc quạt màu sắc trong trang phục truyền thống, những điệu múa nữ thần trên đỉnh tháp. Món bánh gừng thơm lừng qua bàn tay của những người mẹ Chăm tỉ mỉ. Một mùa Katê lặng lẽ. Tiếng kèn Saranai một dạo làm người say đắm, giờ cũng lặng lẽ, khiến người ta nhớ.

Quang Nhân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/nho-tieng-ken-saranai-142032.html