Nhớ về cầu gỗ ngày xưa

Lần đầu tôi biết có cây cầu gỗ đó là trong một lần đi lạc cách đây hơn 30 năm. Cây cầu bắc qua sông Đồng Bò vào khoảng năm 90 của thế kỷ trước.

Cây cầu làm bằng cây rừng. Chân cầu bằng gỗ cây, mặt cầu lát bằng gỗ cành nhỏ hơn, hàng lan can hai bên sơ sài. Cầu nhỏ chỉ vừa một người gánh củi qua. Có người không gánh mà chất các bó củi lên sau xe đạp, chằng buộc thật chắc rồi dắt bộ qua, nhờ một người thồ xe than đi sau giúp đẩy xe cho nhau khi qua cầu. Tôi nhớ mỗi bước chân trên cầu đều nghe tiếng rập rập của gỗ lát cầu. Thỉnh thoảng lại có người dừng lại giữa cầu để định thần, họ nhắc nhau đừng “liếc trộm” xuống nước sông đang cuộn chảy bên dưới sợ sẽ run tay chân. Nghe nói có người run tay run chân đã làm đổ xe củi và rơi xuống...

Cầu Bà Thắng bắc qua sông Đồng Bò (đoạn qua xã Phước Đồng) hiện nay.

Hồi đó, rừng còn rậm rạp, mỗi lần sang Đồng Bò, người bên phố thị Nha Trang chỉ có hai nẻo đi. Một là đi đò, bến đò ở dưới làng Bình Tân, một con đường đất nhỏ xuyên qua làng dẫn xuống bến. Hoặc theo hướng đường Lữ Gia cũ (tức đường Lê Hồng Phong bây giờ) rẽ xuống Phong Châu, rẽ trái, qua một cây cầu gỗ. Đường Phong Châu lúc đó chưa có tên, còn là đường đất nhỏ và dốc như đường bờ ruộng mới đắp.

Người ta kể, khi chưa có cây cầu gỗ đó, những người chuyên đi chặt củi thường phải đợi kỳ con nước xuống thấp nhất, lòng sông hẹp nhất để bơi qua. Lượt về, người ta ràng chắc hai bó củi vào nhau ở hai đầu cây đòn xiên, một người bơi trước, thường là đàn ông, vừa bơi vừa nắm đòn xiên kéo theo. Người bơi sau thường là phụ nữ hoặc thiếu niên, giúp sức đẩy gánh củi qua sông. Dưới lòng sông thường có hố sâu như lòng chảo do dòng chảy ngầm xoáy cát tạo thành. Hố không cố định một chỗ mà thường di chuyển xê dịch vị trí, nghe kể đã có nhiều người bị nạn ở đây. Bến sông đó có tên là Bến Điệp.

Sau một thời gian, rừng bắt đầu có người ở, chỗ Bến Điệp xuất hiện một cây cầu gỗ. Từ đây, không ai phải mạo hiểm bơi qua sông nữa. Người ta cũng không cần đợi con nước ròng mà có thể đi bất cứ ngày nào, chỉ cần trả mấy đồng lẻ cho “trạm thu phí” của người đứng ra bỏ công bỏ vốn làm cầu, tuy không phải lúc nào họ cũng thường có mặt trong chòi để thu nên gặp thì đưa, không gặp thì đi luôn.

Sông Đồng Bò đây rồi. Nước pha mặn trong xanh. Đang kỳ nước xuống, nhìn mặt sông phẳng lặng hiền từ khác hẳn mùa ngập ngày xưa sông đục ngầu tràn lên hai bên rừng. Cứ lần theo những vệt đường mòn in dấu chân trâu bò, tôi đã gặp được cây cầu gỗ bắc qua sông. Đúng cây cầu gỗ thật... Nhưng rõ ràng cầu này lớn hơn. Mặt cầu lát bằng những thanh gỗ xẻ lớn. Hai hàng lan can bằng kẽm bắt vít trên những súc gỗ vuông cạnh như cột nhà. Chân cầu là những trụ bê tông. Tuy nhiên, nó giống như bỏ hoang đã lâu. Hàng lan can gãy đổ một đoạn dài, đoạn mất lan can nhìn trống huơ. Những khúc gỗ hai bên thành cầu để bắt vít lan can khúc còn khúc mất. Ván lát mặt cầu nhiều chỗ mủn mục lõm xuống thành những hố đựng những vụn gỗ nát.

Không phải cầu Bến Điệp, tôi nghĩ và mang cây cầu gỗ bắc bằng cây rừng trong ký ức ra so dù biết trí nhớ có thể không chính xác. Nhưng rõ ràng cầu này lớn, có trụ bê tông chắc chắn, có cả sắt thép tham gia. Chờ mãi cuối cùng cũng có một người đi qua. Tôi hỏi chị cầu này tên cầu gì?

- Cầu Bà Thắng.

- Khúc sông này còn cầu gỗ nào khác nữa không?

- Có một cầu này à.

- Còn Bến Điệp ở đâu?

- Nó là đây chứ đâu.

- Chứ không phải Bến Điệp có cây cầu gỗ nhỏ bắc bằng cây rừng…

- Đó là cầu cũ. Cầu đó mới đúng cầu Bà Thắng, hồi nhỏ tui đi qua té hoài. Còn cầu này Nhà nước làm sau này.

Vậy ra Bến Điệp là tên bến sông thời chưa có cầu. Cây cầu tôi tình cờ đi lạc qua hồi đó là cầu Bà Thắng. Còn cầu này Nhà nước làm sau này, giờ mang cả hai tên.

Làm sao đòi một cây cầu gỗ đơn sơ có thể tồn tại qua mấy chục năm mưa nắng. Biết vậy nhưng tôi vẫn thấy hơi hẫng, như gặp lại người xưa khi họ đã già.

Buổi tối về tôi gửi bức ảnh chụp cây cầu gỗ cho một người quen đang ở nước ngoài, hào hứng khoe “thành tích” hôm nay tự nhiên tìm lại được cây cầu này. Không ngờ bạn tôi nói: “Ở vùng núi bên này cũng có nhiều chiếc cầu gỗ như này lắm, người ta đã xây cầu kiên cố bên cạnh nhưng có nơi họ vẫn giữ lại những chiếc cầu này làm kỷ niệm”. Rồi đột nhiên bạn hỏi tôi tìm lại chiếc cầu này để làm gì?

Để làm gì? Tôi sững lại lúng túng. Không biết, chẳng để làm gì. Chỉ là muốn tìm lại một cái gì tưởng đã lâu không còn nữa.

VÂN HẠ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202405/nho-ve-cau-go-ngay-xua-13d6b6c/