Nhớ về danh họa Dương Bích Liên

Bộ tứ kiệt Sáng – Nghiêm – Liên - Phái là gạch nối cuối cùng của mỹ thuật Đông Dương sang mỹ thuật đương đại.

Tác phẩm 'Hào' của Dương Bích Liên. Ảnh tư liệu

Tác phẩm 'Hào' của Dương Bích Liên. Ảnh tư liệu

Dù để lại không nhiều tác phẩm, từ chối triển lãm cá nhân, sống lặng lẽ ở những năm tháng cuối đời nhưng danh họa Dương Bích Liên luôn khiến hậu thế nghiêng mình khi nhớ về ông…

Tiếng mách bảo quý giá

“Họa sĩ Dương Bích Liên cứ thầm lặng cống hiến, không bao giờ khoe khoang, cao giọng. Đấy chính là nhân cách lớn của một nghệ sĩ lớn, là tiếng mách bảo những thế hệ sau rằng: Hãy sống, hãy nhìn, hãy nghĩ và hãy cất giọng bằng ngôn ngữ của nghệ thuật, tạo hình, hội họa, điêu khắc để làm thế nào bức tranh toàn cảnh của người Việt trong thế kỷ mới sẽ hiện diện sắc nét, cảm xúc. Thế hệ hôm nay hãy làm tiếp, đi theo tiếp con đường hội họa của thế hệ trước…”.

Đó là chia sẻ của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Art Talk “Họa sĩ Dương Bích Liên: Một ánh chớp thầm lặng”. Sự kiện này do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm sinh của danh họa (1924 - 2024).

Theo ông Đoàn, thế hệ sau không quên ơn ai và mỗi sự vinh danh này có thể còn muộn nhưng là dịp để khẳng định vị trí quan trọng của bậc tiền bối ở thời kỳ mỹ thuật vàng Đông Dương, trong đó có các tứ kiệt mở đầu: Nguyễn Gia Trí - Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân - Trần Văn Cẩn và kết thúc: Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái.

Đặc biệt nhấn mạnh đến môi trường sáng tạo mỹ thuật Đổi mới (từ thập niên 80 của thế kỷ trước), ông Đoàn nhắc rằng, xu thế càng đa dạng, cởi mở bao nhiêu thì các thế hệ nghệ sĩ càng biết ơn người đi trước để lại tài sản vô giá không chỉ về nghệ thuật mà còn về phẩm cách nghệ sĩ.

Nếu thế hệ trẻ hôm nay thuận lợi trên hành trang nghệ thuật, được hưởng không gian tự do trong sáng tạo, một không gian không có rào cản, có chăng mình tự chắn mình thì ngày xưa các bậc tiền bối cần phải chịu trận như thế nào trước những cái nhìn không đúng, về cách đánh giá những đóng góp quan trọng của họ.

“May mắn thay, chính các ông để lại những bài học quý giá cho thế hệ đi sau, rằng phải tự mình bảo trọng phẩm cách nghệ sĩ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, rồi mới nói đến câu chuyện sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật đến sau phẩm cách và chính phẩm cách nghệ sĩ quyết định giá trị nghệ thuật.

Bộ tứ kiệt Sáng – Nghiêm – Liên - Phái là gạch nối cuối cùng của mỹ thuật Đông Dương sang mỹ thuật đương đại. Các ông không có và không cần học trò nhưng nhiều thế hệ sau luôn coi các ông là bậc thầy để tiếp bước nhưng không núp bóng. Mỗi thế hệ xuất hiện lại cất giọng những tiếng nói của thế hệ mình, đấy mới là xu thế phát triển đẹp đẽ nhất của mỹ thuật nước nhà”, ông Đoàn đặc biệt nhấn mạnh.

Nhìn lại, lúc sinh thời, Dương Bích Liên đã sống thầm lặng và nghệ thuật cũng thầm lặng theo cách ông bảo trọng tâm hồn lành sạch để thực hiện những tác phẩm hết sức quan trọng như “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” (Bảo vật Quốc gia), “Chiều vàng”, “Chiều biên giới”, “Mùa lúa chín”, “Lều hoang”, “Đi cấy sau mùa lũ”, “Hào”…

Trong đó, bức tranh “Mùa lúa chín” được sáng tác năm 1954, danh họa đã hình dung thời kỳ hòa bình sau khi đất nước kết thúc chiến tranh bằng hình ảnh cô thôn nữ chít khăn mỏ quạ gánh gánh lúa giữa cánh đồng vàng. Có thể thấy, ông chọn tiếng nói nghệ thuật không cần nhiều sắc màu mà chỉ cần sắc vàng ngợp trời, và cô thôn nữ gánh lúa.

Với “Hào” – bức tranh nổi tiếng được Dương Bích Liên vẽ trong những ngày Mỹ ném bom xuống Hà Nội có cách nhìn về chiến tranh rất khác biệt so với lúc bấy giờ mang số phận long đong, bị từ chối ở triển lãm toàn quốc khi ấy.

Theo nhà nghiên cứu Triết học Nguyễn Hào Hải, tác phẩm này được chuyển nhượng qua nhiều người, từ niềm ái mộ của các văn sĩ: Phạm Văn Bổng, Tô Hoài, Nguyên Hồng rồi đến các ông: Nguyễn Trường, Ngô Luân, Hà Thúc Cần (Singapore), sau đó trở lại Việt Nam vào năm 2002 và giờ vẫn thuộc về nhà sưu tập cá nhân.

“Tác phẩm “Hào” không thể nói độc đáo một cách thông thường khi cấu trúc của bức tranh vào thời điểm đó nằm ngoài hội họa Việt Nam - thường nghiêng về cảm xúc nhiều hơn phần trí tuệ còn “Hào nghiêng về trí tuệ”.

Nó rất sắc sảo và rất đúng với những gì thuộc về bản chất của Dương Bích Liên”, PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ góc nhìn.

Họa sĩ Lê Thiết Cương thì nhấn mạnh thêm về yếu tố độc đáo, hay nhất về thẩm mỹ hội họa mà Dương Bích Liên để lại chính là những khoảng trống. “Tất cả các tác phẩm mà tôi được xem thì nhận thấy khoảng trống trong đó vẫn nghiêng về hiện thực nhưng chỉ đến bức “Hào” không chỉ lớn về kích thước khi có khổ 147 x 200 cm, mà còn lớn về thẩm mỹ thì khoảng trống mới nghiêng về ước lệ.

Toàn bộ tạo hình nghiêng về đường thẳng, toàn bộ thẩm mỹ bức tranh là thiên về đồ họa mặt phẳng, có sáng tối nhưng chỉ gợi đậm nhạt chứ không bị tả thực. Hình ảnh tấm lưng của người chiến sĩ toát lên sự im lặng làm tôi nhớ đến câu nói của nhạc sĩ Văn Cao, có ý là, bây giờ không còn tiếng bom nổ nhưng vẫn còn tiếng rạn vỡ…”, ông Cương bày tỏ.

 Ông Dương Hồng Quân đại diện gia đình nhận tranh lụa chân dung danh họa Dương Bích Liên do bạn Nguyễn Văn Quảng (Vụn Art) thực hiện. Ảnh: Bình Thanh

Ông Dương Hồng Quân đại diện gia đình nhận tranh lụa chân dung danh họa Dương Bích Liên do bạn Nguyễn Văn Quảng (Vụn Art) thực hiện. Ảnh: Bình Thanh

“Bác Liên rất độc lập và trải đời”

Là người thường xuyên đi lại và chăm sóc Dương Bích Liên trong những tháng ngày cuối đời, người cháu ruột của họa sĩ, ông Dương Hồng Quân, bảo: “Bác Liên là người rất độc lập và trải đời”.

Cũng bởi, trong ký ức của ông, dù lúc nhỏ gia đình phải sơ tán vì chiến tranh, ít được gần gũi với bác Liên nhưng ông vẫn nhớ về một người bác giỏi giang, tính tình có phần ngang tàng song không chỉ cởi mở với người trong nhà mà với cả người ngoài.

Do lịch sử và các biến cố liên quan đến cuộc đời nên dần về sau các mối quan hệ của ông với giới nghệ sĩ và người ngoài không được gắn kết. Riêng đối với gia đình ông Quân và anh em họ hàng, bạn bè thân quý, ông vẫn giữ quan hệ rất tốt và rất là trải đời chứ không phải như một số người nghĩ rằng ông cô độc.

Tất nhiên, ông có tính cách rất đặc biệt, ngay trong cả đối xử với người trong nhà cũng vậy. “Nhớ lần mời bác Liên đến nhà uống rượu, sau khi tan cuộc, tôi đề nghị được đưa bác về vì trời đã tối rồi làm sao bác có thể đi bộ từ Nguyễn Thái Học đến Bà Triệu. Vậy nhưng ông một mực từ chối, hai bác cháu cứ lững thững đến tận Cửa Nam.

Ông đi guốc mộc, tôi dắt xe đi sau, rồi bác bảo: “Thôi, Quân cứ đi về đi”. Tôi giả vờ vòng vòng lên phố, nhìn ngó xem bác đi đâu, thì ra ông vẫn lững thững đi bộ về đến 55 Bà Triệu. Đấy là một tính cách rất độc lập của bác Liên”, ông Quân kể.

 Họa sĩ Dương Bích Liên (hàng đầu, bên phải) cùng gia đình năm 1938. Ảnh: Tư tiệu gia đình

Họa sĩ Dương Bích Liên (hàng đầu, bên phải) cùng gia đình năm 1938. Ảnh: Tư tiệu gia đình

Bố ông Quân là em trai của họa sĩ Dương Bích Liên, tham gia kháng chiến chống Pháp và hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Ông Quân nhớ lần khoảng 5 - 6 tuổi, trước khi đi B, ông được bố chở vào Đại sứ quán Pháp để làm việc rồi rẽ qua nhà bác Liên.

Được một tùy viên ở Đại sứ quán Pháp tặng hộp màu và socola, ông Quân liền mang ra khoe và biếu bác Liên. Bác Liên bảo: “Cháu mang socola về chia cho anh em và cả bút màu nữa vì bác vẽ bằng màu khác”.

Theo ông Quân, trong cuộc sống đời thường, bác Liên gần gũi với các thành viên trong gia đình nhưng mọi người lại khá xa lạ và ít biết đến những tác phẩm của họa sĩ. Vì hoàn cảnh chiến tranh phải đi sơ tán, hiện gia đình ông Quân không lưu giữ bức tranh nào của danh họa. Tuy nhiên, có thể người chị họ là cháu ruột bác Liên ở bên Pháp may ra giữ được một số tranh nhỏ, đĩa sơn mài mà khi sống ông có gửi cho để làm kỷ niệm.

Thực ra, trong quãng những năm tháng cuối đời qua chăm nom họa sĩ, đã có lần ông Quân đề nghị: “Bác ơi, bác vẽ cháu đi?”. Họa sĩ nói là không vì: “Quân có phải người mẫu của tôi đâu mà tôi vẽ?”.

“Tôi có thắc mắc lại: “Hình như bác chưa bao giờ vẽ lại người thân trong nhà?”, nhưng sau lần trao đổi với anh ruột hiện đang sống ở miền Nam, anh kể: “Có lần anh đến nhà bác biếu bác hộp trứng cá và chai rượu tây, bác Liên bảo: “Anh ngồi xuống tôi vẽ”.

Bác lấy giấy ra và ghim lên bảng nhưng cứ được một tí là lại xé và vứt rồi cuối cùng bác bảo: “Thôi không vẽ nữa!””. Chúng tôi nghĩ mà tiếc quá, giá như hồi ấy cứ nhặt những giấy vẽ đó thì có phải còn giữ được kỷ niệm quý về bác Liên.

Nhưng, cũng từ câu chuyện này của anh trai mà tôi nhớ lần bố tôi chở đến nhà bác Liên và hình như bác ấy nói với ông là: “Hôm nào đến nhà tớ vẽ cho cậu một bức tranh”.

Khớp lại với câu chuyện giữa bố và anh trai có nét gì đó đem đến cảm hứng sáng tạo cho bác Liên. Hoặc anh trai có nét giống bố tôi nên bác Liên muốn vẽ về em trai liệt sĩ của mình”, ông Quân nói.

Cũng nhớ về họa sĩ Dương Bích Liên, từ Hoa Kỳ, chị Hải Yến – mẫu một số bức tranh của ông Liên chia sẻ: “Tôi gặp ông đi cùng người bạn rồi có cảm giác ông cứ nhìn và có cái gì đó tôi không hiểu, sau đó ông vẽ tôi rất nhanh nhưng lại xé vò nát, phải 20 lần như thế.

Tự dưng tôi rất bối rối, cảm thấy có gì đó rất tủi hổ, không chịu đựng được nữa nên nói: “Bác ơi, nếu bác thấy cháu xấu quá thì thôi bác đừng vẽ nữa, chứ bác vẽ xong bác lại xé ngay rồi vò, vứt đi thế này cháu rất tủi thân”. Nghe vậy, ông không vẽ nữa. Bẵng đi khoảng 2 tháng, một hôm tôi đang ở chỗ làm thì có người đến bảo về để ông vẽ cho bức chân dung.

Tôi rất bối rối và e ngại có bảo hay để hôm khác có được không vì tôi không hề được báo trước và chưa chuẩn bị gì. Nhưng rồi tôi vẫn về và được ông bảo ngồi vào ghế và vẽ luôn. Trong lúc vẽ, ông luôn lẩm bẩm nói chuyện một mình, tôi cũng có nhiều điều muốn hỏi nhưng sợ ngắt quãng suy nghĩ của ông.

Chỉ chừng 2 tiếng sau là bức tranh được hoàn thành. Giờ mỗi lần nhìn bức tranh treo trên tường, tôi thấy mình là người rất may mắn đã có cơ duyên gặp ông Dương Bích Liên, người đã gói gọn cảm xúc, tính cách của tôi vào tranh. Tôi vô cùng biết ơn và trân quý tình cảm của ông dành cho mình”.

“Các danh họa mỹ thuật Đông Dương, trong đó có Dương Bích Liên, là những người đi trước và để lại những bài học luôn mới, luôn thức tỉnh những thế hệ sau rằng người nghệ sĩ trí thức cần bảo vệ phẩm cách rồi mới nói đến sáng tao nghệ thuật. Dù từng phải chịu không ít cái nhìn, tiếng nói tạo ra sự hiểu lầm cũng như thiên kiến làm tổn hại, tổn thương đến tâm hồn song các ông đã bảo trọng tài năng, vượt qua mọi thách thức của cái nhìn một chiều từ xã hội và kỳ lạ thay tâm hồn của các ông vẫn được bảo trọng đẹp đẽ cho đến những giây phút cuối cùng. Các ông im lặng thâu nạp kiến thức, bảo dưỡng, bảo trọng tâm hồn mình, bảo trọng cách nhìn của mình trong nghệ thuật. Bài học này sẽ tạo ra cho thế hệ trẻ có cách lật trang mới trong thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 - tôi coi đây là thời kỳ Đổi mới lần 2 của mỹ thuật đương đại Việt Nam sau thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Cho đến giờ, sợi chỉ đỏ Đổi mới ấy vẫn xuyên suốt, nguyên vẹn trục đi, lộ trình mà những thế hệ sau vẫn ý thức được việc phải tiếp tục nối dài”. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nho-ve-danh-hoa-duong-bich-lien-post694861.html