Nhớ về mùa an cư đặc biệt trên các chùa ở quần đảo Trường Sa
Sở dĩ gọi mùa an cư ở đây đặc biệt là vì năm nay số lượng chư Tăng có mặt trên các chùa Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn đã tăng lên so với mùa an cư năm trước, đồng thời tình hình cũng rất đặc biệt: Biển Đông dậy sóng khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Đó là vào năm 2014.
Sau Đại lễ Phật đản, chư Tăng trên các chùa thuộc quần đảo Trường Sa vẫn bắt đầu vào mùa an cư theo nếp tu tập truyền thống của người xuất gia. Và điều đặc biệt hơn nữa, mùa an cư năm nay, các thời khóa tụng kinh được chư Tăng hành trì dày hơn, nhiều hơn, trong một tâm niệm tinh tấn tu học và hồi hướng cầu nguyện cho hòa bình thế giới, chủ quyền dân tộc được vẹn toàn…
Niềm vui ở đảo
Đối với người trường chay, rau chính là thực phẩm thiết yếu, thế nhưng trên các đảo rất khó trồng rau. Do vậy, khi ươm được những giàn mướp, giàn bầu, khóm cải xà-lách, chư Tăng trên các chùa thuộc quần đảo Trường Sa rất vui mừng vì đã tự túc được nguồn thực phẩm hàng ngày. Liên lạc qua điện thoại với Đại đức Thích Đức Nhẫn, bấy giờ là trụ trì chùa Song Tử Tây vào đầu mùa hạ thăm hỏi về tình hình sinh hoạt của chư Tăng, thầy cho biết: “Nhìn thấy rau lên đọt, hạt giống nảy mầm mừng lắm”.
Thầy nói thêm: “Mùa an cư năm nay, trên đảo có rất nhiều rau do quý thầy trồng được. Rau muống, mồng tơi, cải, mướp, khổ qua... tất cả đều có đủ. Nhờ có rau mà cơ thể quý thầy không... xanh xao như lúc vừa mới ra đảo; theo đó, sức khỏe quý thầy cũng ổn định, nên các thời khóa hành trì, tu tập trong ba tháng an cư được thực hiện như quy định thiền môn”.
Với bối cảnh đặc biệt, thời khóa một ngày của chư Tăng trên đảo Song Tử Tây được bắt đầu bằng việc thỉnh đại hồng chung vào lúc 5g sáng; 11g trưa tụng kinh, cúng ngọ; 18g30 thỉnh chuông chiều, lễ Phật.
Quý thầy trên chùa Song Tử Tây chia sẻ: “Hàng ngày, lính đảo, Phật tử đến chùa dâng hương, công quả đều đặn; nhất là buổi tối, các hộ dân về chùa tụng kinh cũng khá đông đủ. Biển Đông những ngày này dậy sóng khi Trung Quốc liên tục có những hành động xâm phạm chủ quyền và coi thường dư luận quốc tế, nhưng nếp sống trên đảo giữa biển khơi này vẫn ổn định. Việc mà chư Tăng trên đảo có thể làm trong ba tháng an cư đó là tu tập nhiều hơn, nuôi dưỡng lòng từ bi và hồi hướng công đức, nguyện cầu hòa bình cho dân tộc Việt Nam”.
Tương tự như Song Tử Tây, chư Tăng chùa Trường Sa Lớn cũng vào mùa an cư. Liên lạc Đại đức Thích Pháp Đạt, trụ trì chùa Trường Sa Lớn, thầy hoan hỷ chia sẻ: “Như cây trồng, mỗi năm đều có mùa thay lá để lớn lên, thì Tăng Ni cũng có ba tháng an cư để nuôi dưỡng tự thân, củng cố nội lực. Nếu như ở đất liền một năm có ba tháng an cư thì trên đảo, dường như chư Tăng an cư suốt 12 tháng trong năm. Vì đảo có diện tích nhỏ nên chư Tăng thường chỉ ở trong khuôn viên chùa, dành thời gian cho nghiên cứu, tu học, hành trì.
Số lượng chư Tăng có mặt tại đảo trong mùa an cư nhiều hơn năm trước nên các thời kinh, cúng ngọ được thực hiện rất chỉn chu. Ngày ba thời kinh, bái sám, chư Tăng thực hiện một cách tinh tấn”.
“Đồng lòng hướng về Biển Đông”
Đó là lời khẳng định của Thượng tọa Thích Giác Nghĩa, nguyên trụ trì chùa Trường Sa Lớn khi được hỏi về tâm nguyện của chư Tăng được cử ra hành đạo tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trước tình hình Biển Đông.
Thượng tọa nói thêm: “Dân tộc, đất nước Việt Nam đang yên ổn, nhân dân Việt Nam đều mong cầu hòa bình nhưng Trung Quốc lại gây hấn, xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm đến sự sống của dân tộc Việt, đó là điều phi nghĩa. Nếu người tu hành chỉ biết tu mà không nghĩ đến an nguy Tổ quốc, thờ ơ nghĩ rằng việc bảo vệ Tổ quốc đã có nhà nước lo thì thật vô cảm, thiếu trách nhiệm. Tổ tiên, ông cha ta đã hy sinh rất nhiều xương máu để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ; giờ đây nếu để một tấc đất nào mất đi, chúng ta sẽ mang tội bất hiếu với tổ tiên”.
Trên tinh thần đó, từ đầu mùa an cư đến nay, nơi tôn tượng Quan Thế Âm nâng cánh chim bồ câu, hàng ngày công dân, lính đảo Trường Sa Lớn đều khấn nguyện, mong cầu hòa bình. Nơi chánh điện, ngày ngày chư Tăng đều lễ bái, trì chú, tụng kinh, tinh tấn hành trì để gửi năng lượng về cho dân tộc, cho đất nước - Thượng tọa cho biết.
“Nguyện đem công đức tu tập này hồi hướng về non sông, đất nước Việt Nam yên bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc và lúc nào chư Tăng trên quần đảo Trường Sa cũng gửi trọn tấm lòng hướng về biển đảo quê hương”. Đó là lời gửi gắm của chư Tăng trên quần đảo Trường Sa đến độc giả Báo Giác Ngộ và toàn thể nhân dân nhân mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2558.