Nhớ Xuân Trình, người tiên phong đổi mới sân khấu
Từ sau cách mạng tháng Tám, có 4 nhà văn, nhà viết kịch nổi bật của nền sân khấu cách mạng, góp phần có tiếng nói rực rỡ cho nghệ thuật sân khấu: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ và Xuân Trình.
Nhà viết kịch Xuân Trình có gần 30 kịch bản được dàn dựng trên sàn diễn của các đoàn nghệ thuật sân khấu cả nước, sớm tập trung vào các vấn đề dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội, đề cao tính chân thật và tính nhân văn của những người du kích: “Quê hương Việt Nam”, “Lập xuân”, “Hận thù từ đâu tới”, “Bạch đàn liễu”, “Mùa hè ở biển”, “Đợi đến mùa xuân”, “Nửa ngày về chiều”...
Cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Trình là một tấm gương sáng, có sức cổ vũ lớn, để lại nhiều bài học quý giá của một nghệ sĩ - chiến sĩ tài năng, một nhà lãnh đạo văn nghệ nhiệt huyết, luôn gắn bó máu thịt với hiện thực cuộc sống, với sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc, của Đảng, của nhân dân. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn hóa - nghệ thuật và tên ông đã được đặt tên đường ở thành phố Nam Định, quê hương của ông.
Kinh phí hạn hẹp nhưng giá trị to lớn
Tại rạp Đại Nam, 89 phố Huế, Hà Nội, vở “Bạch đàn liễu” của cố tác giả Xuân Trình do đoàn kịch xã hội hóa Lục Tiên trình diễn (đạo diễn NSƯT Trần Lực) kết hợp với Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc do NSND Thúy Mùi làm giám đốc đã ra mắt khán giả Thủ đô. Cái rét của mùa đông không ngăn được những bước chân khán giả háo hức kéo đến nhà hát xem kịch “Bạch đàn liễu”.
Đây là một câu chuyện kịch đậm chất trữ tình và là vở kịch duy nhất của ông mang tính tự sự dân tộc, tuy câu chuyện nhỏ nhưng lại nói về một vấn đề rất nóng, rất lớn, đó là chống tệ nạn tham nhũng. Cặp bạch đàn liễu cao sừng sững là kỉ niệm của đôi trai gái yêu nhau, kẻ ở hậu phương, người ra chiến trường. Cặp bạch đàn này do chính tay của người chiến sĩ trẻ ấy trồng.
Bố mẹ của anh và người yêu anh mỗi lần nhìn cặp bạch đàn liễu đều nhớ đến anh nhưng cuối cùng cặp bạch đàn ôm ấp khắc ghi bao kỉ niệm, thương nhớ ấy cũng bị tên tham quan phó chủ tịch xã vòi vĩnh gia đình, ép phải chặt đi để biếu hắn xây nhà... Cuối cùng, hạnh phúc của đôi trẻ tan vỡ, niềm tin của người dân vào cán bộ cũng mất theo. Kết thúc vở diễn, tên tham quan đã phải trả giá cho những gì hắn gây ra.
Nói như nhà báo Nguyễn Thế Khoa - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam: Khi tác giả Xuân Trình còn sống, vở kịch đã được dàn dựng và không dưới 8 lần các nhà lãnh đạo đến tổng duyệt nhưng vẫn chưa được ra mắt khán giả bởi vì có nhiều ý kiến nghi ngại xung quanh nó.
Hết họp tới họp lui, bàn đi bàn lại xung quanh vấn đề diễn hay không diễn. Nhưng, cuối cùng người ta đã quyết định không nên tránh né những vấn đề nhức nhối của xã hội và ngay khi ra mắt khán giả, vở kịch đã gây lên tiếng vang lớn. Nhiều tác phẩm của ông cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong buổi ra mắt vở kịch của cố tác giả Xuân Trình còn có thêm một điều đáng nói nữa. Đó là, nếu dựng nguyên văn như trong tác phẩm của ông thì vở kịch sẽ có thời lượng 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng. Nhưng, do nguồn kinh phí eo hẹp, tổng số tiền làm vở vỏn vẹn có 400 triệu (thường một vở kịch được nhà nước đầu tư 1 tỉ trong vòng 2 tiếng diễn) nên vở kịch rút ngắn xuống còn 1 tiếng rưỡi.
Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng đến chất lượng vở diễn, dàn diễn viên của đoàn kịch Lục Tiên (đạo diễn NSƯT Trần Lực) đã làm nên một sân khấu hấp dẫn và quyến rũ khiến khán giả dõi mắt không thể rời.
Những sự cố đầy nước mắt trong kịch Xuân Trình
NSƯT Đào Quang (Giám đốc Nhà hát Kịch Nam Định) nhớ lại: Xuân Trình là một nhà viết kịch tiên phong vào những vấn đề mới, nóng của xã hội. Kịch của ông còn đậm tính dự báo. Ngay sau khi thống nhất đất nước được 2 năm, năm 1977 ông viết tác phẩm “Cố nhân” dự báo về chiến tranh biên giới Việt - Trung.
Năm 1978, đoàn kịch Hà Nam Ninh đã tiếp nhận kịch bản và dàn dựng, sau đó năm 1979 thì Chiến tranh Biên giới nổ ra.
Từ năm 1979 đến năm 1990, đoàn kịch Nam Định dựng 5 vở của nhà viết kịch Xuân Trình, vở kịch nào cũng đáng nhớ cả, bởi số phận long đong, trắc trở của vở diễn. Để chuẩn bị cho năm 1980, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP Hải Phòng, đoàn Nam Định dựng vở: “Thời tiết ngày mai” của tác giả Xuân Trình.
Vở kịch nói về đưa kỹ thuật về nông thôn, đó là những con người mới, đổi mới nông thôn... Khi xuống TP Hải Phòng, dựng pano lên thì đoàn được lệnh dừng, không được diễn nữa. Mọi người trong đoàn kịch rơi nước mắt.
Năm 1984, Bộ Văn hóa tổ chức họp các đoàn kịch của cả nước để chuẩn bị cho Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 1985. Lúc đó NSƯT Đào Quang đang làm phó đoàn kịch Nam Định, ông nhớ lại: Xuân Trình bảo vừa viết một vở mới rất tâm đắc: “Mùa hè ở biển”.
Khi ông mang kịch đến đoàn và đọc, mọi người nghe xong thì thấy rất hay, các đồng chí lãnh đạo Sở đọc xong cũng thấy thích. Kịch đặt ra một vấn đề lớn, phải dứt khoát xóa bỏ chế độ quan liêu bao cấp để khoán sản phẩm đến người nông dân.
Sợ xảy ra sự cố nên đạo diễn của đoàn đến gặp đồng chí Nguyễn Văn An (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam Ninh) để xin ý kiến. Với tư tưởng đổi mới, ông đã đồng ý để đoàn dựng vở kịch này.
Thường thì các vở kịch chỉ dàn dựng trong 2 tháng. Riêng vở kịch này dàn dựng trong 8 tháng ròng rã. Để “Mùa hè ở biển” thành một tác phẩm hoàn chỉnh trên sân khấu, có đến 11 lần sơ, tổng duyệt nhưng vẫn chưa đến được với bà con khán giả yêu mến sân khấu.
Và, trong những lúc như thế, người ta bất chợt nhìn ra có đôi khi nhà viết kịch Xuân Trình đã rơi nước mắt. NSƯT Đào Quang bảo: “Tôi cũng lạ một con người như thế nhưng rất hay xúc cảm. Anh ấy đau đớn và bảo: “Tôi rút không tham dự vở diễn này nữa”. Chúng tôi phải nói: Đây không còn chỉ là tác phẩm của tác giả mà đây là vở diễn 8 tháng trời đổ mồ hôi sôi nước mắt của cả một tập thể anh em văn nghệ sĩ đoàn kịch Nam Định... Cả ê-kíp đã rơi biết bao mồ hôi và nước mắt trên sàn tập.
Lần thứ 10 tổng duyệt vở diễn, NSND Đình Quang lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa quyết định động viên đây là vở diễn hay. Nhưng, sự nhùng nhằng với những luồng tư tưởng trái chiều, một bên là tư tưởng cấp tiến, đổi mới và một bên là bảo thủ khiến vở vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng. Đến lần thứ 11, đồng chí Trần Văn Phát - Trưởng Ban chỉ đạo sau khi xem xong, quyết định “Mùa hè ở biển” sẽ tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh.
Vậy là, trong quá trình “hành quân” vào Nam, miền Bắc có 5 vở “Nhân danh công lý”, Nhà hát Kịch Việt Nam (Võ Khắc Nghiêm và NSND Doãn Hoàng Giang); vở “Nếu anh không đốt lửa” của tác giả Lưu Quang Vũ, Nhà hát Kịch Hà Nội; vở “Đỉnh cao mơ ước”, Nhà hát Tuổi trẻ; vở “Nữ kí giả”, Đoàn kịch Bộ Nội vụ và cuối cùng là “Mùa hè ở biển” Nhà hát Kịch Nam Định. Đây cũng là đơn vị địa phương duy nhất có vở đi tham gia hội diễn sân khấu.
Năm 1986, vở “Đợi đến mùa xuân” tác giả Xuân Trình, đoàn kịch Nam Định dàn dựng. Vở nói về đề tài giáo dục. Sau khi đoàn dựng xong, cấp trên quyết định triệu tập đoàn kịch Hà Nam lên để diễn vở này chào mừng Đại hội Đảng.
Những người nghiên cứu, am hiểu, tiếp cận với kịch bản sân khấu Xuân Trình, đều thừa nhận kịch của ông luôn mang tính dự báo cao và có cái nhìn đầy sắc sảo, động đến những vấn đề gai góc của xã hội nhưng cũng thấm đẫm tính nhân văn, nhân ái với cuộc đời. Năm 1990, Xuân Trình ra mắt vở “Nửa ngày về chiều” tại Hà Nội. Vở diễn đặt vấn đề trách nhiệm của xã hội với những người có công với đất nước. Năm 1994, Đảng và Nhà nước ta lần đầu tiên có chính sách phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Và sau này, năm 2001, trong đợt xét Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1, “Nửa ngày về chiều”, “Mùa hè ở biển”, “Đợi đến ngày mai” là các tác phẩm sân khấu đưa ông lên danh vị cao quý. Tác giả Xuân Trình còn có rất nhiều tác phẩm khác sâu sắc gây ấn tượng mạnh với người yêu sân khấu kịch.
Tại cuộc hội thảo, nhiều người đưa ra ý kiến viết hay về giai đoạn chống Mỹ ở miền Bắc thì chưa ai có thể vượt được “Quê hương Việt Nam” được ông viết vào năm 1967. Câu chuyện kể về quê hương Vĩnh Linh, mảnh đất trong chiến tranh vô cùng khốc liệt, nơi có những bí thư chi bộ, thanh niên xã, nhân dân hiện lên vô cùng tươi tắn, rung động. Trong chiến tranh, chủ nghĩa anh hùng hiện lên.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhớ lại trước khi đi B, ông được xem vở “Quê hương Việt Nam” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhưng, một thời gian sau nghe nói vở diễn lại không được diễn nữa vì người ta bảo, nói về chiến tranh mà lại khốc liệt dữ dội quá, thanh niên sau khi xem xong ai còn dám ra chiến trường(?!).
Nhưng cũng có luồng tư tưởng thứ hai, cần phải cho thanh niên biết rõ chiến tranh là như thế nào. Người ta nghĩ chiến tranh như một cuộc du ngoạn thì rất gay go. Xuân Trình viết chiến tranh đúng bộ mặt thật của chiến tranh. Vở diễn sau khi xong cũng không được diễn ngay mà phải duyệt đến 10 lần.
“Trong khối lượng tác phẩm sân khấu của ông, rất nhiều vở dựng xong, duyệt xong không được diễn nữa nhưng sau này tất cả những vở diễn ấy đều được công nhận, đóng góp giá trị rất lớn, phản ánh hiện thực xã hội, tính nhân văn, tính dự báo...”. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - NSND Lê Tiến Thọ đưa ra nhận định.
Xuân Trình - con người của tình thương
Có người còn nói, nếu không có nhà viết kịch Xuân Trình sẽ không có nữ kí giả phê bình sân khấu - nhà nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái và nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ.
Chuyện là sau khi Lưu Quang Vũ giải ngũ về làm cho ông Tạ Đình Đề được ít lâu thì đi quét vôi cùng với Tạ Vũ. Nhà viết kịch Lưu Quang Thuận xót con, đến gặp ông Hoàng Chương ngỏ ý muốn xin cho con một công việc phù hợp. Lưu Quang Vũ được nhận vào làm phóng viên của Tạp chí Sân khấu, lúc đấy nhà viết kịch Xuân Trình đang làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Tại đây, bằng tình yêu dạt dào với sân khấu, Xuân Trình đã thổi lửa vào các cộng sự cấp dưới của mình. Ông thường xuyên tổ chức những cuộc tọa đàm về nghề, tranh luận và đưa ra đầy ý tưởng với sân khấu. Chính lúc này Lưu Quang Vũ mới được gần gụi và tiếp cận chặt chẽ với sân khấu kịch. Xuân Trình nhìn ra hạt giống đỏ trong căn phòng làm việc, đó chính nhân tố đầy kích thích để tạo ra một Lưu Quang Vũ sau này...
Người ta kể, thời Xuân Trình làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, ông là người tiên phong công việc xã hội hóa sân khấu. Ông chủ trương hạn chế lấy kinh phí nhà nước để dựng vở mà “kinh doanh đa phương tiện”. Ông làm kinh tế bằng cách bán đá, maggi - xì dầu, nước mắm... để lấy nguồn kinh phí về cải thiện đời sống anh chị em trong cơ quan.
Giờ đây, những kỉ niệm về ông, nhà viết kịch tài ba, uyên bác ấy vẫn hiện lên rõ nét trong mỗi người yêu sân khấu. Bức ảnh nhà viết kịch Xuân Trình được treo trang trọng trong căn phòng Tạp chí Sân khấu 51 Trần Hưng Đạo, đi qua bao năm tháng vẫn quen thuộc với cái nhìn đầy ấm áp, nhân văn với cuộc đời.