Nhọc nhằn nghề gác chắn tàu

Đằng sau những chuyến tàu bình yên là sự nỗ lực của người gác chắn tàu. Khi tàu đi qua, họ vẫn lặng lẽ đứng giữa giao lộ để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện qua lại.

Đến với nghề bằng chữ duyên

Đó là chia sẻ của anh Hoàng Quốc Nam (SN 1975), Tổ trưởng tổ gác chắn tàu trên phố Lê Duẩn, Hà Nội. Anh Nam có bố làm trong ngành đường sắt nên đã bén duyên với nghề ngay khi học hết lớp 12, anh quyết định xin vào làm công nhân theo nghề bố và hiện đã được 27 năm.

Cũng tại điểm gác này, chị Bùi Thị Huyền Trang (SN 1989, nhân viên trạm chắn ở Lê Duẩn), đến nay, chị Trang đã theo nghề 17 năm nhờ sự dẫn dắt của ông ngoại. Không chỉ với nghề, họ còn có chung một chữ duyên, đó là "duyên đồng nghiệp". Chị Trang cho biết anh Nam là một tổ trưởng có tính cách dễ chịu, tốt bụng lại rất tâm huyết với nghề.

Anh Hoàng Quốc Nam làm nhiệm vụ tại nút giao trên đường Lê Duẩn.

Anh Hoàng Quốc Nam làm nhiệm vụ tại nút giao trên đường Lê Duẩn.

Trên trục đường Lê Duẩn từ chập tối đến đêm là lúc các phương tiện lưu thông đông đúc, tầm nhìn hạn chế nên lực lượng gác chắn phải luôn giám sát lịch trình tàu chạy chính xác từng giây. Thời gian ca đêm kéo dài 12 tiếng, bắt đầu từ 18h đến 6h ngày hôm sau, mỗi ca phải đảm bảo có 2 người gác.

"Việc quan trọng nhất của những người gác trong đêm là phải đóng chắn, bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông, bảo đảm an toàn cho tất cả trên đường ngang khi tàu đến", người gác chắn tàu chia sẻ.

Khoảng hơn 22h, khi tiếng chuông tại trạm Lê Duẩn báo hiệu tàu đến, anh Nam và chị Trang nhanh chóng bật tín hiệu đèn báo, đội mũ kêpi, xách đèn đồng thời quan sát các phương tiện và kéo chắn.

Nói về ca đêm, chị Trang chỉ dùng một từ "vất vả". Chị bảo, đi ra đường phải vừa ngóng tàu vừa phải nhìn đường ngang xem xe cộ như nào. Trạm chắn Lê Duẩn là một trong những vị trí trung tâm, mỗi đêm có đến mười mấy chuyến tàu đi qua. Đôi khi, họ phải thay phiên nhau nghỉ ngơi tạm để lấy lại sự tỉnh táo, tập trung cho công việc.

"Đợt mới vào làm, mình buồn ngủ lắm, cứ gật gà gật gù, ban ngày ngủ thì không lại được bằng ban đêm. Hầu như ai ở đây đi khám bệnh cũng bị thoái hóa cột sống, đốt sống lưng tại vì ngồi quá nhiều", chị Trang chia sẻ.

Mùa hè hay tiết trời mát mẻ thì không sao, nhưng khi đông đến với không khí lạnh giá, những người làm nghề canh gác chắn tàu hỏa lại càng thêm vất vả. Dù vậy, chị Trang và anh Nam cùng những đồng nghiệp đều phải trực đủ 12 tiếng, đảm bảo an toàn thông suốt cho những chuyến tàu đi qua.

"Nhiều hôm mưa gió bị mất đà, tàu có lúc rất nhanh có lúc lại rất chậm, không kịp nhận thông báo là mình phải lao ra đường chắn. Người ta bảo mưa gió phải chạy vào, còn mình lại chạy ra", anh Nam bộc bạch.

Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười"

Công việc vất vả là thế, nhưng điều khiến những người gác chắn tàu cảm thấy áp lực nhất là thái độ và ý thức của một số người đi đường. "Mở chắn ra...", "Chưa gì đã đóng sớm thế, tàu còn chưa đến"... là những câu nói mà anh Nam thường phải nghe khi làm nhiệm vụ.

Dù vậy, anh Nam luôn sẵn "chiến thuật" là phải hòa nhã với mọi người. "Đúng việc mình làm thôi để đảm bảo an toàn trước, còn việc bị chửi thì thôi mình bỏ ngoài tai", anh vui vẻ nói.

Chị Trang ghi chép lịch trình tàu để lên kế hoạch canh gác chắn.

Chị Trang ghi chép lịch trình tàu để lên kế hoạch canh gác chắn.

Điều đáng sợ hơn là có lần, họ gặp phải những tay lái bợm nhậu hay giáp mặt người có biểu hiện tâm lý "bất thường". Có lần đang trực ca đêm, chị Trang thấy đằng xa lờ mờ bóng người chầm chậm tiến lại, càng đến gần chị phát hiện ra trên tay người đó đang cầm kim tiêm.

"Là con gái mà gặp phải tình huống như vậy ai cũng sợ, mình phải đóng cửa để bảo đảm an toàn cho bản thân", chị Trang kể lại với giọng nói run rẩy. Hay những lần mà người canh gác chắn đường sắt chứng kiến các vụ tai nạn giao thông chết người, khoảnh khắc đó khiến họ bị ám ảnh.

Không chỉ riêng hai đồng nghiệp tại Hà Nội, chị Đỗ Thị Huyên (SN 1972, nhân viên tại trạm chắn ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cũng cống hiến cho ngành đường sắt đã 25 năm.

Trong nghề canh gác chắn, chị Huyên được coi là "lão làng". Bám trụ lại với nghề dù mức lương chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, chị bảo rằng, khoảng thời gian khó khăn nhất là khi phải chăm sóc con nhỏ.

Chị Huyên luôn tâm niệm, dẫu nghề còn nhiều gian truân, nhưng từ trong sâu thẳm những người canh gác chắn vẫn luôn yêu đời, yêu nghề. Còn ngày nào làm nghề là họ còn tâm huyết, phấn đấu vì bản thân, vì gia đình và trên tất cả là vì sự an toàn của mọi người.

Nữ Đỗ Thị Huyên đã có 25 năm trong nghề.

Nữ Đỗ Thị Huyên đã có 25 năm trong nghề.

Vượt khó khăn, bám trụ với nghề

Thi thoảng, cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tàu qua lại nhiều. Mãi đến tận khuya, khi các chuyến tàu dần thưa, chúng tôi mới có cơ hội tâm sự và biết thêm về hoàn cảnh của những người canh gác chắn đường sắt.

"Đi làm bây giờ cũng áp lực, toàn vào giờ cao điểm, lúc nào cũng tắc đường, vất vả mệt mỏi", anh Nam buông lời. Song, điều khiến anh cảm thấy e ngại nhất là khoảng cách di chuyển từ nhà đến điểm gác.

Mái ấm của anh ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), cách trạm chắn hơn 15km, quãng đường không xa lắm nhưng anh thường phải đi vào giờ cao điểm khiến cho công việc càng thêm vất vả.

"Khó khăn cả chiều đi lẫn chiều về, chỉ sợ nhất là khoản tắc đường", chị Trang tiếp lời nam đồng nghiệp. Chị bảo, mình may mắn hơn một số nữ đồng nghiệp khác, bởi chồng chị làm nghề dạy học nên tạo điều kiện hỗ trợ rất nhiều cho vợ.

Trái lại, với anh Nam là người đàn ông duy nhất trong nhà, gánh trên vai trọng trách trụ cột gia đình, nên hoàn cảnh của anh khó khăn hơn. Anh Nam cho hay, mỗi tháng khi có thời gian, anh thường cố gắng tăng ca làm thêm để kiếm thêm thu nhập.

"Tăng ca của ngành đường sắt vất vả hơn nhiều vì một ca kéo dài 12 tiếng, dù mệt nhưng vẫn phải cố gắng để lo toan cuộc sống", anh Nam tâm sự.

Đỗ Phương Linh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhoc-nhan-nghe-gac-chan-tau-192240526000439733.htm