Nhọc nhằn nghề gác rừng - Bài 2: Những 'bóng hồng khắc tinh' của lâm tặc

Dù công việc vất vả, cơm đùm, cơm nắm, ăn ngủ trong rừng, đối mặt với nguy hiểm nhưng những 'bóng hồng' gác rừng vẫn kiên định mục tiêu, giữ cho những cánh rừng đại ngàn mãi xanh.

"Bóng hồng" gác rừng

Trong hành trình ghé thăm các chốt gác rừng của huyện biên giới tỉnh Gia Lai, chúng tôi có dịp được gặp gỡ, trò chuyện với những nhân vật khá đặc biệt.

Trong tưởng tượng của nhiều người, công việc nhọc nhằn, băng rừng lội suối, cơm đùm, cơm nắm, ăn ngủ trong rừng, truy quét lâm tặc là công việc của đàn ông. Thế nhưng, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có những "bóng hồng" đã dành cả thanh xuân để giữ cho những cánh rừng đại ngàn mãi xanh tươi.

Vừa đến trụ sở Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, chúng tôi gặp 2 nhân viên nữ chở nhau trên xe máy dính đầy bùn về đến cơ quan. Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hồ Ia Puch giới thiệu đó là 2 "bóng hồng" của đơn vị vừa đi tuần tra địa bàn về.

"Dù là nhân viên nữ nhưng 2 chị em đi rừng chẳng hề thua kém gì đàn ông cả. Có người đã gắn bó với đơn vị hơn 15 năm. Nhiều khi thấy chị em vất vả, nhưng vì đặc thù công việc nên anh em cơ quan luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Bữa cơm trưa đạm bạc của lực lượng bảo vệ rừng.

Bữa cơm trưa đạm bạc của lực lượng bảo vệ rừng.

Đưa tay bới lại mái tóc rối, gương mặt đẫm mồ hôi, trò chuyện với chúng tôi, chị Phan Thị Kiều Hạnh (37 tuổi), Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch cho biết: "Mình vừa đi kiểm tra địa bàn về, mùa mưa đường vào các tiểu khu bùn lầy đi lại rất vất vả. Nhiều chỗ bùn ngập lên đến tận bánh xe, không tài nào nhúc nhích được. Hai chị em loay hoay người chèo người chống mãi mới về tới cơ quan".

Chia sẻ thêm với chúng tôi chị Hạnh kể, chị tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm Tp.Hồ Chí Minh vào năm 2009. Năm 2011 chị vào cơ quan công tác cho đến nay được hơn 15 năm.

Nhà cách đơn vị hơn 50km, bản thân là nữ những ngày đầu công tác, nếm trái cảm giác băng rừng lội suối, ăn ngủ trong rừng, khiến chị rớt nước mắt.

Thế nhưng, cái duyên nghề chọn người, dù vất vả nhưng anh em trong đơn vị luôn giúp đỡ, đùm bọc nhau. Đó là động lực để chị gắn bó với những cánh rừng, gắn bó với đơn vị.

Chị Hạnh bộc bạch: "Nhiều lúc, trong hành trình tuần tra bảo vệ rừng, mưa bão, vắt rừng, mò mẫn trong đêm tối, đôi chân mỏi nhừ không nhấc lên được.

Các nhân viên nam lại phải hỗ trợ mang vác giúp đồ đạc, mình cảm thấy tủi thân vì làm ảnh hưởng đến mọi người, nước mắt lại trào ra. Công việc bảo vệ rừng đối với một phụ nữ như mình là thách thức không hề nhỏ".

"Năm tháng trôi qua, mình quen dần với những hành trình tuần tra, truy quét "lâm tặc" nên cảm thấy nhẹ nhàng. Chồng mình là nhân viên bảo vệ rừng nhưng làm ở đơn vị khác cũng cách nhà rất xa.

Do đặc thù công việc suốt 15 năm qua, hai vợ chồng một tháng gặp nhau đôi ba lần. Nhiều lúc cũng thấy tủi thân bởi vợ chồng xa cách, nhưng cả hai luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ", chị Hạnh chia sẻ thêm.

 Chị Phan Thị Kiều Hạnh, Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch.

Chị Phan Thị Kiều Hạnh, Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch.

Ngồi kế bên chị Hạnh là chị Nguyễn Thị Hoa (36 tuổi, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch). Chị Hoa chia sẻ, chị vào nghề từ năm 2009, từng công tác ở nhiều đơn vị bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cũng bởi đặc thù công việc chị thường xuyên ở rừng, cuối tuần mới về thăm nhà. Hai con nhỏ một tay chồng chăm sóc.

Chị Hoa chia sẻ: "Tôi ở rừng, 7-10 ngày mới được về nhà một lần. Con khóc, con ốm đều một tay chồng ở nhà lo lắng. Nhiều lúc con ốm đau, chồng cũng đưa đi viện, không dám nói vì sợ tôi lo. Mỗi lúc về nhà thấy con gái đòi theo mẹ đi làm, muốn mẹ chở đi học là tôi lại thấy cay nơi khóe mắt. Thấy tuổi thơ của con chịu nhiều thiệt thòi, thiếu sự chăm bẵm, yêu thương trọn vẹn của mẹ, mình cảm thấy xót xa".

Dù đặc thù công việc nhiều khó khăn vất vả nhưng chị Hiền gắn bó với công việc bảo vệ rừng đến nay hơn 16 năm.

Dù đặc thù công việc nhiều khó khăn vất vả nhưng chị Hiền gắn bó với công việc bảo vệ rừng đến nay hơn 16 năm.

Tạo điều kiện tốt cho nữ nhân viên gác rừng

Chị Phạm Thị Thu Hiền (40 tuổi), nhân viên bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) kể, chị công tác ở đơn vị đến nay là năm thứ 17. Nhà chị ở huyện Kbang cách đơn vị gần 100km.

Với đặc thù công việc mỗi tháng chị về nhà khoảng 1-2 lần. Con cái học hành, đau ốm tất cả chị đều gửi gắm cho ông bà ngoại chăm sóc. Nhiều lần nghe ông bà báo tin con ốm phải nhập viện chị chỉ biết gọi điện động viên, cưng nịnh con qua màn hình điện thoại. Sau mỗi lẫn trò chuyện, vừa cúp điện thoại chị lặng lẽ khóc một mình vì nỗi nhớ con da diết.

Chi Hiền tâm sự: "Công việc bảo vệ rừng cực kỳ gian nan, vất vả. Vườn Quốc gia có diện tích rất rộng trải dài trên địa bàn nhiều huyện, địa hình đồi núi hiểm trở. Với đàn ông sức vóc trai tráng còn than vãn, huống hồ những phụ nữ như mình, khó khăn gấp bội. Với những khu vực đồi núi cao dốc dựng đứng, trơn trượt mình khó mà lên được. Nhờ có các nhân viên nam hỗ trợ mang vác đồ đạc, quân tư trang giúp nên phần nào đỡ vất vả".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch cho biết: "Những năm gần đây, tình hình ngành lâm nghiệp "nóng sốt" khi giá trị lâm sản tăng lên. Lâm tặc ngày càng liều lĩnh, manh động, bất chấp để vào rừng khai thác gỗ trái phép.

Những người phụ nữ trong ngành lâm nghiệp như chị Hoa, chị Hạnh gặp muôn phần khó khăn. 2 chị vừa cố gắng chu toàn thiên chức của người phụ nữ, vừa đối mặt với không ít hiểm nguy, sự manh động của lâm tặc trong công việc bảo vệ rừng. Tôi mong cơ quan chức năng có những chính sách đặc thù để nhân viên giữ rừng như chúng tôi yên tâm thực hiện nhiệm vụ và lo cho gia đình".

Địa hình rừng núi gian nan vất vả nhưng các "bóng hồng" luôn được các nhân viên nam hỗ trợ trong hành trình tuần tra, bảo vệ rừng.

Địa hình rừng núi gian nan vất vả nhưng các "bóng hồng" luôn được các nhân viên nam hỗ trợ trong hành trình tuần tra, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Việc thiếu hụt nhân lực đang khiến nhiệm vụ giữ rừng gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ chân lực lượng bảo vệ rừng nhưng các chế độ chủ yếu vẫn mang tính động viên và tình thế".

"Trong ngành lâm nghiệp đang còn nhiều cán bộ nữ yêu nghề, bám trụ với công tác quản lý bảo vệ rừng là điều rất đáng trân trọng. Chúng tôi thấu hiểu khó khăn này nên cũng hết sức tạo điều kiện trong việc luân chuyển, để cán bộ công tác ở vùng xa về gần hơn với gia đình, giúp họ yên tâm công tác, chăm lo con cái học hành", ông Hoan cho biết thêm.

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhoc-nhan-nghe-gac-rung-bai-2-nhung-bong-hong-khac-tinh-cua-lam-tac-204240806111838491.htm