Nhọc nhằn vượt núi tìm chữ

Từ chân núi lên đến đỉnh Cao Sơn theo đường chim bay chừng 2km nhưng để lên đến đỉnh, ở độ cao 1.500m, phải mất khoảng 30 phút với những chiếc xe máy độ. Và đó là con đường quen thuộc của những người thầy cắm bản ở Cao Sơn, huyện Bá Thước.

LTS: Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD-ĐT. Đây là cơ hội để giáo dục nói chung, giáo dục miền núi nói riêng đổi mới, phát triển. Tuy nhiên, nếu không nhìn nhận thấu đáo 3 vấn đề lớn của giáo dục miền núi hiện nay là: cơ sở vật chất, người dạy, người học, rất dễ dẫn đến đổi mới một cách hình thức, áp đặt, làm cho xong. Nội dung này sẽ được thể hiện trong loạt bài: "Chương trình giáo dục phổ thông mới - lời giải nào cho giáo dục vùng cao?"

Bài 1: Nhọc nhằn vượt núi tìm chữ

Đói nghèo đã bó buộc sự học miền biên viễn năm này qua năm khác. Câu nói “nhiều hôm đến được trường rồi, vì mệt, vì đói, các em lăn ra ngủ” khiến khiến ai nghe cũng day dứt, trăn trở. Ngay cả những người đang ngày đêm bám bản, bám trường nơi miền biên viễn cũng không hình dung nổi, sự học nơi đây- ngày mai sẽ thế nào?

Không nước, không sóng điện thoại… chỉ có gió lạnh, sương mù, và những lớp học chơi vơi trên đỉnh núi.

Không nước, không sóng điện thoại… chỉ có gió lạnh, sương mù, và những lớp học chơi vơi trên đỉnh núi.

Chấp nhận thiệt thòi để các em được vui…

Từ chân núi lên đến đỉnh Cao Sơn theo đường chim bay chừng 2km, nhưng phải mất khoảng 30 phút với những chiếc xe máy độ, để lên đến đỉnh, ở độ cao 1500m. Và đó là con đường quen thuộc của những người thầy cắm bản ở Cao Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.

Không nước, không sóng điện thoại… Cao Sơn chỉ có gió lạnh, sương mù, và những lớp học chơi vơi trên đỉnh núi. “Ở Cao Sơn này lạnh quanh năm. Có trường, có lớp, có thầy cô rồi thì các em đến trường học chữ… Nhiều hôm sương mù, trời tối không học được”, em Lò Thị Phiêng, Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Cao Sơn, thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.

Cao Sơn – cái tên gợi sự cheo leo, gian khó; nhọc nhằn cho những bước chân vượt núi tìm chữ. Thương học trò, thầy cô bám bản, bám trường. Thế hệ thầy Trần Ngọc Hải và thầy Hà Văn Thảo, đã quen với cuộc sống thiếu thốn, gieo chữ giữa đại ngàn. “Có hôm, đường khó đi, xe bị thủng xăm phải dắt 5 km mới có chỗ xuống vá xăm, trong khi đó sau xe là gạo, mắm, nuối, đưa theo. Khi lên đến trường tầm 22h đêm mà điện không có. Các em thấy thầy lên thì rất mừng, nhiều hôm thấy vậy chúng tôi cũng đành thiệt thòi để các em được vui”, thầy Hải chia sẻ.

Nhớ lại ngày mới lên nhận công tác, khi đặt chân đến trường, ngồi trên những chiếc ghế làm bằng phên tre, thầy Thảo không dám nghĩ đó là lớp học. Có mặt ở Cao Sơn từ khi thành lập trường, nhớ lại chặng đường gần 20 năm gắn bó với sự học miền biên viễn này, thầy Thảo rưng rưng: “Mình chỉ thấy thương học sinh thôi, lúc đó mình chỉ cần quần áo ấm là đủ rồi, học sinh ăn mặc rách rưới, em nào có đôi dép để đi là tốt rồi, trời lạnh, cứ em một cái chăn, lạnh mưa đến lớp không học được, ngồi trong lớp phải nhóm bếp học. Thương học sinh thật, gắn bó lâu rồi, cũng không muốn có sự xáo trộn, ở đây giống như ở nhà”.

Với các em học sinh ở miền sơn cước này, giá bút ở Cao Sơn có thể vượt qua vì đã có các thầy sưởi ấm. Em Lò Thị Phiên là người hiểu hơn ai hết về những nhọc nhằn của các thầy gieo chữ ở Cao Sơn. “Ở Cao Sơn này lạnh quanh năm, nhưng các thầy vẫn ngày đêm ở lại trường dạy chữ cho các em. Nhiều hôm sương mù, trời tối không học được”.

Nói đến nỗi nhọc nhằn gieo chữ ở vùng cao Thanh Hóa, không thể không nói đến 3 địa danh, gắn với tên bản, tên trường. Ngoài Cao Sơn, còn có Đun Pù (Quan Hóa), Pa Luông (Mường Lát).

Bản Đun Pù với phần lớn đồng bào dân tộc Thái sinh sống, là 1 trong số 36 bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cung đường từ chân núi lên đến điểm trường là những khúc cua tay áo, xe máy chỉ có thể đi số 1.

Câu chuyện Trưởng bản Đun Pù - Cao Văn Sơn và cô hiệu trưởng Trần Thị Chinh, vận động người dân đi rừng lấy tranh tre về dựng phòng học cho các cháu, khiến ai nghe cũng không khỏi ngậm ngùi. “Đây là vùng đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hóa, đường sá xa xôi điều kiện kinh tế khó khăn, thì bàn bạc, thống nhất kêu gọi bà con nhân dân đóng góp luồng nứa, tranh cọ, tập trung nhân lực để làm cho các cháu có chỗ học, chỗ ở”, Trưởng bản Cao Văn Sơn cho biết.

Chân trần vượt núi

Nếu như lớp học ở Cao Sơn quanh năm sương mù bao phủ; Đun Pù dốc đứng cheo leo, thì ở bản Ón (Mường Lát) học sinh là những nhóm trẻ mới lên 3 lên 5, hàng ngày tự thân cuốc bộ khoảng 10 cây số đến trường và từ trường về nhà.

Học sinh là những nhóm trẻ mới lên 3 lên 5, hàng ngày tự thân cuốc bộ khoảng 10 cây số đến trường và từ trường về nhà.

Học sinh là những nhóm trẻ mới lên 3 lên 5, hàng ngày tự thân cuốc bộ khoảng 10 cây số đến trường và từ trường về nhà.

“Sáng ngủ dậy các cháu mang cơm đi theo, đem theo túi cơm, nước, thức ăn, chừng này các cháu đến nơi rồi (7h30 phút-PV), thì phải đi từ sáng sớm, 5 giờ sáng. Các cháu lớp 3 tuổi, nếu tính tháng ra chưa đủ 3 tuổi cũng đi bộ 5-6km để đến trường. Lúc đi về nếu các cô gặp sẽ đưa các cháu đi cùng, nhưng đường trơn như hôm nay cô cũng phải đi bộ, nắng ráo cô mới cho các cháu đi được”- Dù đã công tác ở miền núi ngót nghét 10 năm, mắt thấy, tai nghe, nhiều chuyện khó khăn trong sự học ở vùng cao, nhưng cô Bùi Thị Thúy vẫn không dám nghĩ đó là sự thật. Nhưng với ông Giàng A Chừ, nhà ngay dưới con dốc vào trường, ngày nào cũng chứng kiến cảnh từng nhóm trẻ nheo nhóc, lếch thếch đến trường: “Một số vừa đi vừa khóc, đi bộ xa nhưng vẫn phải đi, các chị dắt đi. Từ đây vào Ón 1 xa, vất vả lắm. Không đi học không được, đi học thì…”.

Sát cột mốc 270 (biên giới Việt – Lào), địa phận huyện biên giới Mường Lát tỉnh Thanh Hóa, một buổi sáng đầu tuần. Giàng A Dơ, học sinh lớp 5, nhưng bé tẹo, dắt theo 2 em nhỏ đến trường. Thầy Vi Văn Chuân, điểm trường bản Ón, xã Tam Chung, người thường xuyên đón các em chia sẻ: “Đúng vì quãng thời gian từ nhà đến trường 8km, mình đi bộ thấy mệt rồi, huống gì các em tuổi này, tuổi ăn, tuổi ngủ, rồi ảnh hưởng đến học hành. Đi đường là mệt rồi, còn gì mà nghe giảng được nữa. Mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng, dẫn đến ảnh hưởng học tập các cháu. Từ lớp 3 tuổi, anh cõng em, chị cõng em, chỉ có nhà có điều kiện mới được bố mẹ đưa đi, còn không thì đùm cơm, chị em đi với nhau, tự đi bộ, mệt tý thì nghỉ, 4-5 tuổi thì sàn sàn, vừa đi vừa chơi rồi cũng đến lớp".

Đói nghèo đã bó buộc sự học miền biên viễn năm này qua năm khác. Câu nói “nhiều hôm đến được trường rồi, vì mệt, vì đói, các em lăn ra ngủ” khiến thầy cô day dứt, phải trở lại nơi này. Nhưng càng gắn bó, thương yêu thì sự trăn trở càng lớn. Ngay cả những người đang ngày đêm bám bản, bám trường nơi này, như cô Bùi Thị Thúy, Vi Thị Bột… cũng không hình dung nổi, sự học nơi đây- ngày mai sẽ thế nào? “Do điều kiện các cháu gia đình ở xa mà không được bố mẹ đưa đi nên các cháu tự đi, xa quá các cháu không đi được, cứ trời mưa là các cháu phải nghỉ học. Ở đây buổi trưa cơ sở vật chất chưa được hoàn thiện, đồ dùng chưa có, điều kiện chưa tổ chức nấu ăn được, các cháu chỉ đến học hết giờ học chính rồi các cháu về nhà, đến buổi chiều lại đến học…

Chân trần vượt núi tìm chữ. Những đứa trẻ miền núi như Lý Thị Dậu, Giàng A Mùa... giờ đây không còn bỏ học theo cha mẹ chúng lên nương. Nhưng con đường đến trường của các em cũng nhọc nhằn, gian khó, như chuyện người dân miền biên viễn này làm ra hạt lúa, hạt ngô.

Những điểm trường lẻ như vậy được xem là đặc trưng của giáo dục miền núi, mảnh ghép quan trọng trong bức tranh phổ cập giáo dục. Thế nhưng, thực tế đang đặt ra một nghịch lý: muốn nâng cao chất lượng, giáo dục miền núi nhưng đầu tư về cơ sở hạ tầng, vật chất, con người lại không đồng bộ. Xóa điểm trường lẻ, đưa học sinh về điểm trường chính, thực hiện mô hình nội trú, bán trú dân nuôi, được xem là giải pháp phát triển bền vững.

Nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập ở bài 2 của loạt phóng sự này./.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nhoc-nhan-vuot-nui-tim-chu-post949265.vov