Nhóm 7 thanh niên da màu lĩnh án tử được ân xá sau… 70 năm
Một nhóm 7 người đàn ông da màu bị xử tử hình trong vụ hiếp dâm tập thể vào năm 1951. Để rồi 70 năm sau, hôm 31-8-2021, họ được Thống đốc Virginia, Mỹ ân xá vì bị xét xử không công bằng.
Bản án quá nghiêm khắc
Vào tối 8-1-1949, một phụ nữ da trắng 32 tuổi, tên là Ruby Stroud Floyd đã tố cáo bị 13 người đàn ông da màu cưỡng bức khi cô đến một khu phố đa số là người da màu ở Martinsville, Virginia. Sau những lời buộc tội, 7 thanh niên da màu, lần lượt là Frank Hairston Jr.; Booker T. Millner; James Luther Hairston, Howard Lee Hairston, John Clabon Taylor, Francis DeSales Grayson và James Henry Hampton bị bắt giữ.
Hầu hết họ đều ở độ tuổi 20, Grayson lớn tuổi nhất - 37 tuổi và là cựu chiến binh Thế chiến II. Nhóm mang biệt danh Martinsville 7 này chưa có tiền án, làm công nhân trong các nhà máy sản xuất đồ nội thất quy mô nhỏ và nhà kho. Trong số này Floyd xác định Grayson và Hampton là những kẻ đã hãm hiếp cô nhưng cảm thấy khó xác định những người khác vì vụ tấn công xảy ra vào ban đêm. Khi bị thẩm vấn, nhóm Martinsville 7 thú nhận đã thực hiện hoặc chứng kiến tội ác. Tất cả họ đều bị buộc tội hiếp dâm vào mùa xuân năm 1949.
Các bồi thẩm đoàn toàn nam và da trắng trong 11 ngày đã nghe lời kể của nhiều nhân chứng. Cũng có bằng chứng y tế về vết thương của Floyd nhưng các luật sư bào chữa cho rằng Floyd đã đồng ý quan hệ. Phía luật sư cũng cho rằng cảnh sát địa phương ép cung. Cuối cùng, bồi thẩm đoàn đã kết tội cả 7 người về tội hiếp dâm và đề nghị mức án tử hình.
Sau khi tòa tuyên án, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Virginia, nhưng Tòa án Tối cao đã bác bỏ vụ kiện 2 lần mà không cần xem xét. Sau khi sử dụng hết các chiến lược pháp lý để cứu 7 thanh niên, Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu và các tổ chức khác bắt đầu gây áp lực buộc các quan chức phải vào cuộc. Các cuộc tuần hành diễn ra ở Washington và Harlem để thuyết phục Tổng thống Harry S. Truman can thiệp. Nhưng Tổng thống đã không can dự và Thống đốc Virginia vào thời điểm đó đã từ chối lời cầu xin vào phút chót. 7 người này đã bị hành quyết trên ghế điện trong các ngày 2 và 5-2-1951.
Quyết định ân xá sau 70 năm
Hôm 31-8-2021, tròn 70 năm sau khi bị hành quyết, nhóm Martinsville 7 đã được thống đốc Virginia ân xá, vì họ đã bị từ chối giải quyết theo thủ tục pháp lý do lý do chủng tộc. Vào thời điểm họ bị hành quyết, hiếp dâm là một hành vi phạm tội. Nhưng Thống đốc Northam cho biết, án tử hình cho tội hiếp dâm hầu như chỉ được áp dụng cho người da màu. Ông cho biết, từ năm 1908 khi Virginia bắt đầu sử dụng ghế điện đến năm 1951, hồ sơ cho thấy tất cả 45 người bị hành quyết vì tội hiếp dâm đều là người da màu.
James Walter Grayson, con trai của Francis DeSales Grayson, một trong 7 người đàn ông, đã suy sụp và khóc nức nở khi Thống đốc Northam công bố lệnh ân xá. “Cảm ơn Chúa. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi nhớ chính cái ngày cảnh sát tới cửa. Ông ấy hôn chúng tôi và họ đưa ông ấy đi”, James Walter Grayson nhớ lại thời khắc cuối cùng gặp cha mình.
Những người ủng hộ và gia đình của 7 người đàn ông hồi tháng 12-2020 đã đề nghị Thống đốc Northam ban hành lệnh ân xá sau khi chết. Họ không tranh luận về việc những người này có tội hay vô tội, chỉ lưu ý rằng hình phạt dành cho họ là không công bằng và bất công. “Martinsville 7 không được cung cấp đầy đủ thủ tục pháp lý chỉ vì đơn giản họ là người da màu”, thư kiến nghị gửi Thống đốc Northam nhấn mạnh.
Trước khi bãi bỏ án tử hình vào tháng 3-2021, Virginia đã hành quyết nhiều người hơn bất kỳ bang nào khác và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một bị cáo có nguy cơ bị kết án tử hình cao hơn gấp 3 lần nếu nạn nhân là người da trắng so với nạn nhân là người da đen. Năm 1977, Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng, việc áp dụng hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm là hình phạt tàn nhẫn và bất thường. “Mặc dù, chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng tôi hy vọng hành động ngày hôm nay sẽ mang lại cho họ một chút an lòng”, ông Northam nói. Các lệnh ân xá mới nhất này đánh dấu lần ân xá thứ 604 của Thống đốc Virginia kể từ khi ông đương chức.