Nhu cầu nhân lực ngành Công nghiệp chip và bán dẫn ngày càng cao

Việt Nam là địa điểm hấp dẫn các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đầu tư và chuyển giao công nghệ; tuy nhiên, nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Cùng với nhiều trường đại học, các trường cao đẳng đang đào tạo Công nghiệp chip và bán dẫn để cung cấp nhân lực cho thị trường lao động.

Nhiều trường tham gia đào tạo

Ngành Công nghiệp chip và bán dẫn đang là trụ cột của kỷ nguyên công nghệ số, mang lại nhiều cơ hội kinh tế và việc làm cho Việt Nam. Sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này không chỉ mở ra những cơ hội kinh tế to lớn mà còn tạo ra làn sóng việc làm hấp dẫn đặc biệt từ giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng tăng trưởng thì ngành Công nghiệp chip và bán dẫn đang phải đối mặt với những thách thức to lớn về nhân lực. Điều này thể hiện ở nhu cầu nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần từ 5.000 - 10.000 kỹ sư mỗi năm nhưng khả năng bổ sung chỉ đạt khoảng 20%.

Tại tọa đàm Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Công nghiệp chip và bán dẫn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Vũ Chí Thành chia sẻ: Đảng và Chính phủ luôn quan tâm tạo mọi điều kiện về hành lang pháp lý, ưu đãi đầu tư; các tỉnh, TP cũng tạo điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Có rất nhiều DN nổi tiếng thế giới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ đã tới Việt Nam để chọn địa điểm sẽ tổ chức sản xuất cũng như chuyển giao công nghệ về bán dẫn. Bên cạnh những đại học lớn, các trường cao đẳng đã vào cuộc đào tạo nhân lực ngành Công nghiệp chip và bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học FPT, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic...

Sinh viên học ngành Công nghệ chip và bán dẫn có nhiều cơ hội việc làm với mức lương khá. Ảnh: Trần Oanh

Sinh viên học ngành Công nghệ chip và bán dẫn có nhiều cơ hội việc làm với mức lương khá. Ảnh: Trần Oanh

Bán dẫn là một trong 5 hướng chiến lược của Tập đoàn FPT và thể hiện cam kết mạnh mẽ bằng việc thành lập một công ty chuyên về bán dẫn và hợp tác với nhiều đối tác đến từ các quốc gia hàng đầu để làm những dự án, sản xuất về chip. Tập đoàn FPT đầu tư nhà máy về chip bán dẫn tại Nhật Bản; kết hợp với nhiều đối tác Nhật, Hàn Quốc, Mỹ... mở ra những công ty mới trong lĩnh vực này. Điều rất quan trọng là FPT tổ chức đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Theo đó, năm 2024, chương trình Đại học FPT tuyển 1.000 sinh viên học về bán dẫn; 350 sinh viên chương trình cao đẳng quốc tế; 150 sinh viên các chương trình liên kết với nước ngoài. Năm 2025, FPT sẽ bổ sung đào tạo bán dẫn ở bậc cao đẳng với những nội dung liên quan đến đóng gói, kiểm thử.

Do công nghệ thay đổi liên tục nên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic kết hợp với các trường tiên tiến tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ để xây dựng khung chương trình đào tạo ngành Công nghiệp chip và bán dẫn cập nhật. Giáo trình đào tạo ngành này thuộc bản quyền nước ngoài và chuyển ngữ sang tiếng Việt để sinh viên có thể cập nhật những nội dung tiên tiến nhất hiện nay. Công tác đào tạo luôn gắn chặt với DN, nên nhà trường mời nhiều chuyên gia đến từ các DN tham gia giảng dạy và kết hợp với các công ty trong lĩnh vực bán dẫn để sinh viên có cơ hội thực tập trực tiếp và hướng dẫn bởi các chuyên gia trong ngành.

Cơ hội việc làm lớn, thu nhập cao

Để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH TLB Vina. Theo thỏa thuận hợp tác, Công ty TNHH TLB Vina cam kết sẽ tuyển dụng sinh viên của trường sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn, mức lương dự kiến từ 15 - 30 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào năng lực và kinh nghiệm của ứng viên. Đặc biệt, 40 sinh viên xuất sắc nhất sẽ có cơ hội được đào tạo trực tiếp tại công ty mẹ của TLB Vina ở Hàn Quốc, để được nâng cao kiến thức chuyên môn và tiếp cận với công nghệ tiên tiến cũng như môi trường làm việc quốc tế.

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã tích hợp các mô đun chuyên ngành Công nghệ bán dẫn vào chương trình đào tạo của 2 ngành là Cơ điện tử và Kỹ thuật điện - điện tử. Các sinh viên sẽ được học về thiết kế mạch in 2 lớp và những quy trình sản xuất bán dẫn PCB giúp sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp. Nhằm tăng cường hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn và Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Long Hoa về hợp tác đào tạo tài năng đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Nhà trường và Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân và Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Côn Sơn tăng cường hợp tác đào tạo nghề về sản xuất thông minh, công nghệ bán dẫn...

Để phục vụ cho việc đào tạo ngành Công nghiệp chip và bán dẫn, Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân - cơ sở đào tạo bán dẫn hàng đầu của Đài Loan. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho hay, nhà trường chuẩn bị nhân lực nhà giáo bằng việc đưa giáo viên sang Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Tân để được đào tạo bài bản về Công nghiệp chip và bán dẫn ở 3 lĩnh vực là sản xuất, kiểm thử và đóng gói. Kèm theo đó, nhà trường phối hợp với các DN và tìm nguồn để đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo, sản xuất, kiểm thử, đóng gói để sang năm triển khai đào tạo. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 4 lĩnh vực liên quan đến Công nghệ chip và bán dẫn, đó là ngành Điện tử công nghiệp; Cơ khí công nghệ cao CNC, Cơ điện tử, Tự động hóa.

Chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên học những ngành liên quan đến Công nghệ chip và bán dẫn, ông Đồng Văn Ngọc cho biết, nhà trường cam kết đào tạo 100% số sinh viên tốt nghiệp có công việc. Sinh viên học ngành liên quan đến sản xuất chip có thị phần việc làm rất rộng. Ví dụ sinh viên học ngành Tự động hóa làm được ở nhiều lĩnh vực như tại những DN chuyên vận hành các tòa nhà; trong nhà máy có dây chuyền tự động sản xuất... Ngay trong kỳ sinh viên học tập tại DN đã có thu nhập trung bình 10 triệu đồng/tháng. Sau khi tốt nghiệp, các em có mức lương tháng trung bình từ 12 triệu đồng trở lên. Sinh viên tốt nghiệp ngành nghề Cơ khí công nghệ cao CNC làm cho DN trong nước có tiền lương tối thiểu khoảng 15 triệu đồng/tháng; khi các em biết ngoại ngữ và làm cho công ty nước ngoài có thu nhập hàng nghìn USD/tháng.

Như vậy, sinh viên học Công nghệ chíp và bán dẫn và những ngành liên quan có nhiều cơ hội việc làm và mức thu nhập rất tốt. Mặc dù học Công nghệ chip và bán dẫn được coi là khá khó nhưng với sự cố gắng, đam mê và định hướng đúng đắn cộng với nền tảng khoa học tự nhiên thì sinh viên học hoàn toàn có cơ hội thành công.

Với những ngành nghề kỹ thuật liên quan đến điện tử, cơ điện tử... thì các em phải có khả năng học môn toán. Khi đã chọn được những ngành nghề yêu thích, các em cần tìm hiểu những trường cao đẳng nào đang đào tạo có chất lượng tốt nhất thì sớm đăng ký xét tuyển khi họ còn chỉ tiêu. Các em cũng cần biết thông tin học phí và các khoản đóng khác của trường mình quan tâm, để biết khả năng tài chính của gia đình, từ đó có sự lựa chọn nơi học phù hợp nhất.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhu-cau-nhan-luc-nganh-cong-nghiep-chip-va-ban-dan-ngay-cang-cao.757923.html