Như ông bà mình…
Hồi đó, bà theo gia đình chạy giặc từ Sa Đéc xuống, quê ông đận đó cũng ráo riết người tản cư. Cùng dạt tới một sóc người Khmer, vào một đêm lễ hội, thấy ông khẳng khiu mà nện chày giã cốm dẹp khoan nhặt, nhịp nhàng, bà có chút để ý.
Con gái Nha Mân, bà đẹp người lại còn siêng năng, khéo léo. Nhà có bốn chị em gái, ai cũng vô tư, xởi lởi, mỗi bà là người ý nhị, sâu sắc. Người ta nói phụ nữ hiểu chuyện vẫn thường khổ tâm. Chẳng biết lời truyền đúng được bao nhiêu, chỉ biết ông để ý bà bởi chính sự điềm tĩnh có phần ít nói.
Chỉ đơn giản vậy rồi mối mai đưa tới. Giữa thời khói lửa loạn lạc, cái lễ ra mắt hai bên thật giản dị, sơ sài. Chờ xóm làng êm tiếng súng, bà theo ông về vùng đất giáp xứ nước mặn cỗi cằn nhận quê. Đời người con gái gả đi là vĩnh viễn thuộc về vùng đất khác.
Giống như tất cả phụ nữ thời ấy, bà về làm dâu. Nhà ông vốn gốc gác người Triều Châu, lễ giáo gia phong, cách đi đứng, nói năng, nết ăn nếp ở cũng nhiều quy tắc. Nhập gia tùy tục, bà phải học làm quen với nếp xưa. Ngày qua ngày rồi bà cũng thạo thông, thêm chịu khó mà ruộng rẫy từ lúc tổ tiên mở đất khai hoang được hai ông bà coi sóc đâu ra đó. Rồi mười một đứa con "đủ nếp, đủ tẻ" lần lượt chào đời.
Ông mắc chứng cườm nước, trong lúc giặc giã, bão đạn mưa bom điều kiện chữa trị không có, khiến hai mắt ông mù lòa khi mới ngoài bốn mươi. Từ trụ cột gia đình, đang ở độ tuổi sung mãn bỗng trở thành gánh nặng cho vợ con, ông bắt đầu thay tính đổi nết. Một mình bà chăm sóc cha mẹ già, đàn con dại và chiều ý người chồng thường hay cáu gắt, nạt nộ; buồn khổ, đắng cay nhưng bà chẳng than vãn nửa lời.
Lặng lẽ và nhẫn nại, bà quán xuyến gia đình và chăm sóc ông. Mỗi sáng, bà dậy sớm nấu nước châm trà, đặt cái bình tích vào vỏ trái dừa khô bưng lên bàn rồi cuốn xếp mùng màn, lo phần con cái. Mỗi chiều ông đi tắm, bà lại cẩn thận lộn áo quần về bề mặt. Bà dìu ông đến tận cửa buồng tắm, chỉ từng vị trí cái bàn chải, cái cọ lưng rồi mới ra ngoài. Bữa cơm mỗi ngày cũng vậy, bà chỉ toàn nấu món ông thích. Bà dường như ít nghĩ về mình.
Mỗi lần vợ chồng cự nự, bà lại bỏ ra hè khi làm cỏ, lúc hái rau. Bà làm cho mình thật bận rộn để mà quên, để mà buổi chiều xuống lại ân cần dìu ông vào buồng tắm với xô nước ấm đã pha sẵn. Chờ ông tắm xong cả nhà mới ăn cơm. Trên mâm có miếng ngon bà đều gắp nhường ông.
Những lúc giận mình bất lực thì có lời qua tiếng lại nhưng ông luôn tìm cách đỡ đần bà dù chỉ việc nhỏ. Ông quơ củi đuốc vào bao khi trời sắp mưa, lóng nga lóng ngóng khi có tiếng sấm sét mà bà còn ngoài ruộng cấy. Mỗi đêm, tay ông quờ vào chỗ bà nằm, biết chắc có bà ông mới thả mình xuống; bằng không, sẽ lồm cồm ngồi dậy dỏng tai nghe tiếng dép để biết bà đang ở phía nào.
Một đời chưa bao giờ nghe ông hay bà nói thương nhau. Một lời dễ nghe có lẽ cũng khiến hai người ngượng nghịu. Vậy mà bằng cách nào đó ông bà vẫn bên nhau cho đến ngày con đàn cháu đống bằng sự bền chặt phi thường.
Ngày ông đi xa, mắt bà chỉ hoe đỏ chứ không khóc thành tiếng nhưng tất thảy các con đều hiểu một nửa hồn bà đã theo ông. Một nửa còn lại bà sống vì con. Phụ nữ Việt Nam vẫn thường như vậy...
Để rồi suốt quãng thời gian còn lại của đời mình, bà vẫn lặp lại những thói quen cũ, kể như dậy sớm nấu nước pha trà như ngày còn ông. Nhưng bà pha cho ai uống đây, chỉ có cha tôi trở mình nghe bà chép miệng: “Chứ hồi ba mày còn sống…”
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/155186/nhu-ong-ba-minh