Nhức nhối bạo lực học đường: Bài 2- Đừng để pháp luật đến sau tổn thương
Khi tiếng trống trường trở thành nỗi ám ảnh, khi những đứa trẻ phải nhìn nhau bằng ánh mắt cảnh giác thay vì tin cậy, đã đến lúc xã hội phải coi bạo lực học đường là một vấn đề nghiêm trọng cần hành động khẩn cấp.
Nhà trường - chốt chặn đầu tiên để phòng, chống bạo lực học đường

Cơ quan Công an làm việc với đại diện nhà trường và các học sinh. (Ảnh: Bình Minh)
"Bạo lực học đường là hành vi xấu, cần ngăn chặn để chúng em có được môi trường học tập lành mạnh, an toàn", em N.G. Linh, một học sinh THCS bày tỏ mong muốn.
Công tác tuyên truyền và giáo dục kỹ năng cho học sinh để phòng tránh bạo lực học đường là việc làm thường xuyên của tất cả các đơn vị trường học. Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn xảy ra. Phải chăng khâu nắm bắt thông tin của gia đình, nhà trường luôn bị chậm một bước, dẫn đến khi bạo lực xảy ra thì người lớn và cơ quan chức năng mới vào cuộc.
“Tôi thường khuyên con nên mạnh dạn chia sẻ với bố mẹ, thầy cô giáo về các vấn đề con gặp phải khi ở trong và ngoài trường học. Đặc biệt là không được im lặng khi bị xúc phạm về danh dự, bị quấy rối hay bị đe dọa”, chị Đỗ Thị Mơ (phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn) chia sẻ.
Sự phối hợp sát sao giữa nhà trường và gia đình là một giải pháp "phòng từ sớm" hết sức quan trọng để ngăn chặn nạn bạo lực học đường. Lâu nay trách nhiệm trong việc phát hiện và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực chủ yếu vẫn giao cho giáo viên chủ nhiệm. Song, thực tế ở nhiều vụ việc thì không ít giáo viên còn lúng túng về phương diện kỹ năng xử lý...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm 2018, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng GD&ĐT, trung tâm GDNN-GDTX các huyện, Trường Cao đẳng Nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn (nay là Trường Cao đẳng Bắc Kạn) thành lập tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục phổ thông đã có tổ tư vấn tâm lý học đường. Hằng năm công tác bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường đều được thực hiện.
Về giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo tăng cường triển khai công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; thực hiện tốt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý giáo dục, ngăn chặn bạo lực học đường tại đơn vị. Tổ chức ký cam kết giữa giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh về việc “Nói không với hành vi bạo lực học đường”. Đồng thời thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội...
Cần sự chung tay của ngành chức năng và toàn xã hội
Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã tích cực phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cho học sinh. Tập trung thực hiện các kế hoạch phối hợp về những nội dung như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục... Ngoài ra, lực lượng Công an còn tổ chức các buổi tuyên truyền về an ninh mạng cho học sinh; góp phần giáo dục, định hướng, điều chỉnh hành vi của thanh thiếu niên trước những ảnh hưởng xấu của mạng xã hội.

Tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng cho học sinh tại thành phố Bắc Kạn (Ảnh: Bình Minh)
Để tạo được "lá chắn" ngăn ngừa bạo lực học đường, cần phát huy hơn nữa sự vào cuộc của lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền pháp luật, đi sâu vào các nội dung phòng, chống bạo lực học đường, xử lý vi phạm liên quan đến bạo lực học đường, đảm bảo an ninh, an toàn khu vực trường học. Để từ đó, các em nhận thức rõ bạo lực học đường là hành vi vi phạm pháp luật; rèn kỹ năng tự bảo vệ và lối sống "thượng tôn pháp luật".
Trên thực tế, để bảo vệ môi trường học tập an toàn và lành mạnh, các biện pháp phòng ngừa và quản lý bạo lực vật lý trong học đường cần được thiết lập. Nhà trường phải hỗ trợ khi có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường như: Gặp gỡ, tìm hiểu, cảnh báo đối với học sinh; tư vấn các biện pháp cần thiết để các em phòng tránh. Ban Giám hiệu nhà trường cần xác định rõ trách nhiệm, thường xuyên, kịp thời nắm bắt tình hình học sinh thông qua các kênh thông tin từ phía gia đình, giáo viên chủ nhiệm lớp, học sinh…
Một điều quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng chức năng trong việc quản lý, giáo dục học sinh trong và ngoài thời gian học tập tại trường. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống; kỹ năng sử dụng mạng an toàn; kịp thời nắm bắt, tránh để xảy ra những mâu thuẫn trong học sinh. Thiết lập các kênh tiếp nhận phản ánh ẩn danh để học sinh, phụ huynh có thể báo cáo các vụ bạo lực học đường một cách an toàn. Các hội, đoàn thể quan tâm công tác tuyên truyền với nội dung chuyên đề về quyền trẻ em, kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em..., góp phần nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh.
Ngoài việc tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi gặp nguy cơ phát sinh bạo lực, tập huấn cho giáo viên về kỹ năng phát hiện và can thiệp sớm, thì cần đưa hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường đi vào thực chất. Nên chăng thiết lập quy trình tiếp nhận - xử lý - báo cáo khi học sinh bị bạo lực, nhất là không “giải quyết nội bộ” hay vì “bệnh thành tích” mà che giấu thông tin, nương nhẹ.../. (Còn tiếp)