Tuyển sinh 2025: Chỉ còn 19 phương thức xét tuyển, bỏ nhiều hình thức rườm rà

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức công bố danh mục 19 phương thức xét tuyển đại học chính quy áp dụng cho kỳ tuyển sinh năm 2025.

Việc rút gọn và mã hóa hệ thống phương thức được kỳ vọng sẽ giúp chuẩn hóa toàn diện quy trình xét tuyển, giảm tình trạng “vẽ thêm” phương thức gây nhiễu loạn thông tin, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh trong quá trình đăng ký và xét tuyển.

Bộ GD&ĐT vừa chốt 19 phương thức xét tuyển đại học 2025. Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT vừa chốt 19 phương thức xét tuyển đại học 2025. Ảnh minh họa

Theo quy định mới, mỗi phương thức được gắn với một mã gồm ba ký tự để các trường đại học sử dụng thống nhất trong đề án tuyển sinh.

Trong số 19 phương thức, nhiều hình thức truyền thống tiếp tục được duy trì như xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT (mã 100), xét học bạ cấp THPT (mã 200), xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT (mã 301), xét tuyển dựa vào kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy do các trường tổ chức (mã 401), hoặc sử dụng chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, A-Level… để xét tuyển.

Một điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung kỳ thi V-SAT – một hình thức kiểm tra chuẩn hóa – vào danh mục các căn cứ tuyển sinh hợp lệ, nhằm đa dạng hóa lựa chọn cho thí sinh và khuyến khích các trường xây dựng phương án tuyển sinh hiện đại, khách quan hơn.

So với năm ngoái, Bộ đã loại bỏ 4 phương thức không còn phù hợp. Ảnh minh họa

So với năm ngoái, Bộ đã loại bỏ 4 phương thức không còn phù hợp. Ảnh minh họa

So với năm 2024, có 4 phương thức không còn phù hợp, bị gỡ khỏi danh mục chính thức, bao gồm: tuyển thẳng theo đề án riêng của cơ sở đào tạo; kết hợp giữa tuyển thẳng và các tiêu chí khác; kết hợp phỏng vấn với tiêu chí học lực; và kết hợp chứng chỉ quốc tế với tiêu chí phụ khác.

Việc cắt giảm này được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh một số trường sử dụng nhiều phương thức không rõ ràng, gây hiểu nhầm và lo lắng cho thí sinh, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, nơi điều kiện tiếp cận thông tin còn hạn chế.

Điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay còn nằm ở việc toàn bộ quá trình xử lý dữ liệu, xét tuyển sẽ được thực hiện trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Mỗi nguyện vọng, dù được đăng ký theo phương thức nào, đều được xét trên nguyên tắc bình đẳng. Thí sinh trúng tuyển bằng phương thức nào sẽ được hệ thống ghi nhận kết quả theo đúng phương thức đó. Điều này giúp đảm bảo công bằng tuyệt đối trong tuyển sinh, đồng thời giảm áp lực cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo trong quá trình lọc ảo và xác nhận nhập học.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 28/6, trong đó thí sinh làm thủ tục dự thi vào ngày 25/6 và thi chính thức trong hai ngày 26 và 27/6. Kết quả thi được công bố vào 8h sáng ngày 16/7.

Sau đó, thí sinh sẽ có khoảng hai tuần để đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7, trên hệ thống tuyển sinh chung. Bộ cũng đã cập nhật và bổ sung danh sách mã tổ hợp xét tuyển phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp các trường lựa chọn tổ hợp một cách hợp lý và đồng bộ.

Với những điều chỉnh mang tính hệ thống, kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 được kỳ vọng sẽ diễn ra minh bạch, hiệu quả và giảm thiểu tối đa các sai sót kỹ thuật hay sự nhầm lẫn từ phía thí sinh.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, việc chuẩn hóa các phương thức xét tuyển không chỉ phục vụ lợi ích của người học mà còn góp phần giúp các trường nâng cao chất lượng tuyển sinh, đảm bảo đúng người, đúng năng lực và đúng yêu cầu đào tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

Yến Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sao-hoc-duong/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-chi-con-19-phuong-thuc-xet-tuyen-202505220926158988.html