Nhức nhối bi kịch gia đình
Sau lần tổ chức Tọa đàm 'Giới thiệu tác phẩm kịch bản sân khấu được hỗ trợ năm 2021' hồi tháng 4 để lại dư âm tích cực.
Hàng chục kịch bản văn học vừa được Hội Sân khấu Hà Nội giới thiệu cùng hy vọng sẽ có “quả ngọt” giữa tác giả và các đơn vị nghệ thuật để đời sống sân khấu Thủ đô thêm phong phú, tươi mới.
Sau lần tổ chức Tọa đàm “Giới thiệu tác phẩm kịch bản sân khấu được hỗ trợ năm 2021” hồi tháng 4 để lại dư âm tích cực, Hội Sân khấu Hà Nội tiếp tục làm nhịp cầu kết nối quan trọng khi mở diễn đàn này lần 2 để tác giả có cơ hội quảng bá tác phẩm của mình đến các đơn vị nghệ thuật.
Có thể thấy, 20 tác phẩm được giới thiệu lần này đều được hỗ trợ kinh phí sáng tác năm 2023, đa số phản ánh các góc cạnh khá gai góc, nóng bỏng của cuộc sống hôm nay, nhất là những bi kịch gia đình bắt đầu từ chính các bậc làm cha, làm mẹ được nhiều tác giả quan tâm, khai thác.
Tác giả Nguyễn Toàn Thắng viết kịch bản “Những đứa trẻ khác thường” kể về vợ chồng Hoàng và Lan Anh vì muốn được cất nhắc nên đã bịa ra chuyện con mình cũng bị tự kỷ như con của Giáo sư Hương để nhận được sự thông cảm từ nữ giáo sư này.
Chẳng ngờ, Giáo sư Hương không những không thông cảm mà còn sốt sắng xin cho con của hai người kia vào trường dành riêng cho trẻ tự kỷ. Vợ chồng Hoàng đành phải đưa con mình vào trường, bất chấp sự phản đối của ông bà nội. Từ đó, công việc của hai vợ chồng lên như diều gặp gió.
Ở trường tự kỷ, cô giáo Diệp phụ trách bắt đầu hồ nghi về trường hợp con của Hoàng. Tuy nhiên, thầy Đức - Viện trưởng - lại nghĩ khác. Thầy cho rằng, bất cứ đứa trẻ nào đã phải đưa vào trường dưới bất cứ hình thức nào đều là bệnh nhân dự bị của chứng tự kỷ. Chính vì thế, những đứa trẻ ở đây được giáo dục theo những phương pháp đặc biệt để sau này chúng có thể ra đời làm người có ích.
Một thời gian sau, Giáo sư Hương và vợ chồng Hoàng bị bắt vì tội làm giả đề tài, bịa số liệu. Và những đứa trẻ ấy, có đứa đã bị chấn động tâm lý mà trở nên tự kỷ, phải ở trong trường lâu dài.
“Kịch bản “Những đứa trẻ khác thường” muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tính háo danh lợi của con người ngày hôm nay. Để tiến thân, người ta có thể làm bất cứ mọi thứ, giẫm đạp lên cả những giá trị đạo đức đã tồn tại từ lâu.
Chính vì thế, họ sẽ phải trả giá… Đồng thời, kịch bản muốn nói đến cuộc sống của những người con khi trực tiếp là nạn nhân của thói háo danh lợi của cha mẹ mình. Những đứa trẻ ấy sẽ ra sao khi chúng lại phải là tấm gương phản chiếu của cha mẹ?”, tác giả Nguyễn Toàn Thắng cho biết.
Tác giả Xuân Cung thì đau đáu trước nếp sống gia đình Việt Nam xưa bị thay đổi. “Quan niệm “đói cho sạch rách cho thơm” cũng mai một, không ít gia đình có người cha, người mẹ chỉ muốn sống gấp hưởng thụ. Đạo đức xã hội, gia đình đây đó đang bị bào mòn xuống cấp.
Trước thực tế đó, tôi sáng tác kịch bản “Chuyện kể trước phiên tòa”, dựa vào phương pháp sáng tác chèo theo hình thức kể chuyện: Có hề khai trò và kết trò để làm nổi bật thông điệp đó”, tác giả Xuân Cung chia sẻ.
Kịch bản chèo “Chuyện kể trước phiên tòa” xoay quanh một gia đình ở ngoại thành Hà Nội, có người cha tên là Lê Ái làm thủ kho của một công ty vật tư cấu kết với bọn gian mà đầu sỏ là Vũ Tài kiếm lời bất chính. Không chỉ thế, Lê Ái còn rơi vào bẫy tình nên ngày càng biến chất đã ruồng rẫy, thậm chí còn đưa ra tòa ly dị với Đỗ Quyên – người vợ đảm đang, chịu thương chịu khó.
Con gái của Lê Ái là Tú Yên xinh đẹp nết na cũng bị bọn xấu toan tính chiếm đoạt đồng thời còn cố tình phanh phui bộ mặt thật của cha cô ta. Chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa cha mình với những kẻ bất lương, Tú Yên đã quá phẫn nộ mà phạm tội giết người...
Ở kịch bản “Số phận bị đánh tráo”, tác giả Phạm Thanh Liễu lại đề cập đến bi kịch của tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, nhất là ở nông thôn và miền núi.
Câu chuyện xảy ra với Hiền – người mẹ đã sinh nở bốn lần nhưng đều là con gái. Mẹ chồng và chồng (cán bộ Nhà nước) bắt Hiền phải đẻ cho bằng được con trai để còn nối dõi, nếu không sẽ bị đuổi ra khỏi nhà, chồng đi lấy vợ khác. Hiền phải gắng đẻ lần 5…
Trong khi đó, gia đình Mận ở sâu trong núi là một nông dân nghèo khổ, ít học. Mận đẻ được hai con trai cũng ít học, theo cha đi làm phụ hồ ở trên huyện. Lần thứ ba cô mang thai mong đẻ được con gái để tránh được họa “tam nam bất phú” và có con gái chấy rận.
Cả hai sản phụ đều đến trạm xá để sinh nở. Thảo – em ruột Hiền là y tá đỡ đẻ, biết được nguyện vọng của cả hai sản phụ nên bí mật đánh tráo. Cô đã sung sướng vì tưởng việc làm của mình là tốt, là mang lại hạnh phúc cho cả hai sản phụ và cứu được cô Hiền, chị gái mình khỏi bị nhà chồng ruồng bỏ. Nhưng cô đâu ngờ, việc làm của cô đã mang lại bi kịch cho cháu gái mình…
“Dù rằng xã hội ngày càng phát triển nhưng vẫn còn đó tư tưởng trọng nam khinh nữ ở không ít gia đình. Từ những điển hình trong cuộc sống, tôi viết kịch bản “Số phận bị đánh tráo” để góp thêm lời phê phán tư tưởng lạc hậu đó”, tác giả Thanh Liễu bày tỏ.
“Với 20 kịch bản sân khấu (gồm: 1 múa rối, 2 chèo và 17 kịch) được giới thiệu, các tác giả trực tiếp trình bày tóm tắt kịch bản tới các đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật Thủ đô. Hy vọng qua các buổi tọa đàm này sẽ có nhiều kịch bản của tác giả là hội viên sẽ được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, giới thiệu tới công chúng để sân khấu Thủ đô ngày càng khởi sắc”. NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Sân khấu Hà Nội
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhuc-nhoi-bi-kich-gia-dinh-post662973.html