Những ai trốn truy nã cùng Tổng giám đốc Nhật Cường?
Bùi Quang Huy cùng 5 bị can liên quan vụ buôn lậu lô hàng hơn 2.900 tỷ đồng đã bỏ trốn. Một số người trong số này là chủ doanh nghiệp.
Trong cáo trạng vụ buôn lậu hơn 2.900 tỷ đồng tại Công ty Nhật Cường, VKSND Tối cao truy tố 15 bị can về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Nhật Cường) bị xác định chủ mưu nhưng đang trốn truy nã quốc tế.
5 người khác cũng bị công an truy nã với cáo buộc là đồng phạm giúp sức cho Huy buôn lậu. Họ gồm Ngô Xuân Sử, Đỗ Văn Hùng, Đoàn Mạnh Phong, Cao Tuấn Hưng và Nguyễn Hoàng Sơn.
Hưởng lợi hàng trăm tỷ từ buôn lậu
Theo cáo trạng, giai đoạn 2014-2019, Bùi Quang Huy chỉ đạo, tổ chức mua bán điện thoại mới, cũ và sản phẩm công nghệ khác từ 16 nhà cung cấp tại nước ngoài. Toàn bộ hàng hóa đều là hàng lậu, không kê khai hải quan.
Huy thành lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu, đặt trụ sở tại Quảng Châu (Trung Quốc) và thuê Trần Tất Khoa làm giám đốc để nhận hàng từ Hong Kong, chuyển về Việt Nam.
Để tuồn hàng lậu về nước, bị can Huy chỉ đạo cấp dưới thuê 9 đường dây buôn lậu xuyên quốc gia để vận chuyển qua sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng và đường bộ ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Trong số các nhà cung cấp hàng lậu, Ngô Xuân Sử (Giám đốc kinh doanh Công ty Thanh Sơn) và Đỗ Văn Hùng là chủ các đầu mối ở Hong Kong.
VKS cáo buộc từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2019, Bùi Quang Huy chỉ đạo Phó tổng giám đốc Nhật Cường là Trần Ngọc Ánh giao dịch mua bán gần 85.000 điện thoại di động và thiết bị công nghệ khác (trị giá 426 tỷ đồng) với nhà cung cấp Công ty miền Tây do Ngô Xuân Sử làm đại diện, chuyên mua gom hàng ở Dubai, Hong Kong.
Sau các phi vụ, Ánh đã thanh toán tiền mặt cho Ngô Tuấn Sửu (anh trai của Sử) 218 tỷ đồng. Số tiền còn lại được thanh toán bằng cách chuyển qua 2 tiệm vàng Hà Trung và Hàng Dầu, Hà Nội.
Đỗ Văn Hùng (giám đốc công ty tại Hong Kong) cũng là nhà cung cấp hàng lậu cho Nhật Cường với ký hiệu Anh Hung HP.
Giai đoạn 2015-2019, Hùng đã cung cấp cho đối tác hơn 13.200 sản phẩm có trị giá gần 99 tỷ đồng. Nhật Cường đã thanh toán tiền hàng cho Hùng qua 2 tiệm vàng trên và chuyển qua tài khoản 10 cá nhân do Hùng giới thiệu.
Theo cáo trạng, tổng số hàng lậu trong vụ án gồm hơn 255.000 sản phẩm, trị giá trên 2.900 tỷ đồng. Sau khi tiêu thụ trót lọt, Bùi Quang Huy và đồng phạm thu về hơn 3.200 tỷ, qua đó hưởng lợi hơn 220 tỷ.
Hàng thông quan qua sân bay ra sao?
Ba bị can trốn truy nã còn lại là Đoàn Mạnh Phong, Cao Tuấn Hưng và Nguyễn Hoàng Sơn thuộc đường dây vận chuyển SRV, một trong 9 nhóm giúp Nhật Cường tuồn hàng lậu vào Việt Nam.
VKS xác định để tiếp cận được hàng lậu sau khi cập Cảng hàng không Nội Bài, Phong và em họ là Hưng thành lập Công ty cổ phần tiếp vận SRV, đặt trụ sở trên phố Cát Linh (Hà Nội).
SRV do Phong và Hưng điều hành hoạt động. Bùi Quang Huy thuê đường dây này để tiếp nhận hàng khi sản phẩm được đưa từ Hong Kong về sân bay Nội Bài. Sau khi làm thủ tục trót lọt, SRV sẽ đưa hàng về trung tâm Hà Nội, giao cho Nhật Cường.
Các bị can dùng thủ đoạn lập nhiều doanh nghiệp nhưng không hoạt động kinh doanh như Công ty Kwon Việt Nam hay Công ty TNHH VAK, mục đích lấy pháp nhân để thông quan hàng lậu cho Nhật Cường nhưng khai báo mặt hàng khác có thuế thấp hơn.
Sau khi giao dịch thành công, Phong và Hưng chỉ đạo Nguyễn Hoàng Sơn theo dõi, đôn đốc việc thành toán cước phí vận chuyển hàng lậu.
Cơ quan tố tụng thống kê từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2018, SRV đã vận chuyển trái phép gần 17.000 sản phẩm, trị giá khoảng 308 tỷ cho Nhật Cường. Phong và Hưng được trả gần 7 tỷ đồng chi phí vận chuyển.