Những 'ẩn số' về thực lực của Phòng không Nga
Trong những tháng gần đây, một số hãng tin chính thống của Nga cùng với các chuyên gia và quan chức quân sự của nước này đã đưa ra một danh sách dài những thành tựu phát triển vũ khí mà Lực lượng Phòng không và Tên lửa (PVO-PRO) của nước này đã đạt được.
Có điều, hiện cũng có những ý kiến hoài nghi cho rằng những nguồn tin Nga đang “nói quá” về những đặc tính ưu việt của vũ khí của nước này và “lờ đi” những trục trặc hay những yếu điểm phát sinh.
Không sự bất khả chiến bại?
Trong lịch sử, PVO-PRO là một trong những thế mạnh chính của Lực lượng vũ trang Liên Xô trước đây và Nga ngày nay; là một yếu tố an ninh quốc gia không thể thiếu của nước này. Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, Nga đã giới thiệu một số thành tựu mới được cho là sẽ giúp tăng cường năng lực của các hệ thống vũ khí hiện có của nước này, đặc biệt là các tổ hợp tầm ngắn và tầm trung. Giới chức Nga luôn khẳng định các vũ khí của nước này vô cùng ưu việt, có khả năng nhắm vào các đối tượng di chuyển với tốc độ lên tới 1.000m/s, có thể theo dõi đồng thời tới 100 mục tiêu và tấn công tối đa 16 mục tiêu khí động học hay có thể bảo vệ các binh lính và cơ sở hạ tầng khỏi các cuộc tấn công trên không hiện đại và tiềm năng; “không có đối thủ cạnh tranh trên thị trường vũ khí toàn cầu”...
Song, chuyên gia quân sự hàng đầu của Nga Alexander Khramchikhin trong một bài viết gần đây cho rằng tuyên bố “bất khả chiến bại” của vũ khí Nga mà phía PVO-PRO đưa ra có thể không phải là thực tế hiển nhiên. Ví dụ, trong một bài viết được đăng trên tạp chí Nezavisimoye Voyennoye Obozreniye, ông Khramchikhin cho rằng cả NATO và Trung Quốc đều có thể có những vũ khí có khả năng vượt qua hoặc tiêu diệt các hệ thống của PVO-PRO. Theo vị chuyên gia, trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể dễ dàng biến số lượng thành chất lượng bằng cách đơn giản là sử dụng số lượng lớn các tên lửa Tomahawk, AGM-86, AGM-158 và các tên lửa hành trình JASSM-ER để “vùi dập” các hệ thống phòng không và tên lửa của Nga.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, các máy bay không người lái có khả năng điều khiển từ xa của Mỹ được chế tạo trên nền tảng của máy bay chiến đấu F-16 hoàn toàn có thể được sử dụng như một thiết bị chiến đấu không người lái để gây sát thương tối đa cho các hệ thống vũ khí của PVO-PRO. Các thiết bị này có thể nhắm vào các hệ thống S-300 hay hệ thống phòng không S-400 của Nga để nã đạn, biến các hệ thống phòng không của Nga trở thành vô dụng, có thể dễ dàng bị phá hủy, bất chấp việc nhiều ý kiến ở Nga cho rằng hệ thống S-400 có thể tấn công các mục tiêu như các máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách lên tới 400 km và ở độ cao tới 30 km dưới hỏa lực mạnh; gây nhiễu của địch.
Cùng với đó, ông Khramchikhin cũng cho rằng, dựa trên các tính toán cơ bản, Nga đơn giản là không có đủ các hệ thống phòng không và tên lửa để tránh một cuộc tấn công trên không lớn từ một kẻ thù mạnh như Mỹ. Với Trung Quốc, ông Khramchikhin cho rằng Trung Quốc cũng có một kho vũ khí khổng lồ gồm nhiều loại tên lửa đạn đạo và hành trình khác nhau như các tên lửa DH-10 và CJ-10 cùng các máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-6 và J-7 vốn đã lỗi thời nhưng đang được cải tạo với cùng mục đích biến chúng trở thành những vũ khí có khả năng gây sát thương tối đa cho các hệ thống phòng không và tên lửa của đối thủ.
Nhiều trục trặc tiềm ẩn
Trong một bài viết, ông Khramchikhin cũng chỉ ra rằng những vấn đề của các hệ thống phòng không và tên lửa của Nga đã ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, thể hiện qua một số vụ việc diễn ra ở Syria. Cụ thể, vị chuyên gia cho rằng, các hệ thống phòng không và tên lửa của Nga cho đến nay đã bộc lộ nhiều lỗ hổng và bất cập. Điển hình là vụ việc các cơ sở quân sự của Syria bị tấn công ngày 25/12/2018. Trong vụ việc này, cả Nga và Syria khi thông báo về các động thái của lực lượng Israel đã tập trung chủ yếu vào số lượng tên lửa của nước này bị các hệ thống phòng không và tên lửa của Syria phá hủy mà không bình luận nào về việc tên lửa của Israel đã có thể vượt qua các hệ thống phòng không của Nga tại Syria.
Hay sau vụ tấn công của Israel vào các mục tiêu ở Hama và xung quanh Masiaf, phía Syria tuyên bố rằng các hệ thống phòng không của họ đã chặn và phá hủy một số tên lửa của kẻ thù trước khi chúng có thể tiếp cận mục tiêu. Các nguồn tin ở phía Nga sau đó lại thừa nhận rằng một số tên lửa của Israel đã vượt qua được hệ thống phòng không tại Syria, tấn công trúng mục tiêu và gây thiệt hại đáng kể, trong đó có 3 quân nhân và 6 dân thường bị thương, một số cơ sở quân sự bị phá hủy.
Để giải đáp cho việc này, các tờ báo Nga chuyên về quân sự cho rằng sở dĩ tên lửa của Israel đã vượt được các hệ thống phòng không của Nga tại Syria do thực tế, Syria thiếu một hệ thống phát hiện vô tuyến mạnh mẽ tương tự như ở Nga, vì vậy nên đã làm suy yếu khả năng của các hệ thống phòng không do Nga sản xuất.
Tháng 4/2018 và tháng 1/2019, các tên lửa của Israel cũng đã phá hủy hệ thống phòng không Pantsir-S1 của ở Syria, dấy lên những nghi vấn về khả năng thực tế của các tổ hợp phòng không và tên lửa tầm trung của Nga. Điều đáng nói ở đây là hệ thống Pantsir-S1 vốn vẫn được miêu tả bằng những từ có cánh. Truyền thông Nga nhiều lần dẫn các nguồn tin khẳng định, tổ hợp tên lửa phòng không này có thể được bố trí trên mặt đất và trên biển để bảo vệ các cơ sở dân sự và quân sự khỏi tất cả các phương tiện tấn công hiện đại và tiềm năng trong bất kỳ môi trường điện tử vô tuyến và khí hậu nào cả ngày lẫn đêm. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị quân sự tại MGIMO Alexei Podberezkin khẳng định, sau một số cải tiến, tổ hợp Pantsir-S1 đã trở thành một loại vũ khí vạn năng.
Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn Rosoboronexport Alexander Mikheev cũng quả quyết rằng tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir là một vũ khí mang nhiều tính năng ưu việt nên là loại vũ khí Nga đang rất được đối tác nước ngoài quan tâm. Chính vì vậy nên vụ việc đã khiến nhiều ý kiến cho rằng hệ thống Pantsir-S1 không hề bất khả xâm phạm như được “tung hô”. Song, cũng có những ý kiến cho rằng vấn đề có thể nằm ở việc vận hành của phía Syria, rằng hệ thống Pantsir-S1 không được đặt ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết do đó khiến nó không có khả năng phản ứng kịp thời.
Phân tích rộng hơn, một số ý kiến chuyên gia cho rằng những diễn biến xảy ra trong hàng loạt các cuộc tấn công nhằm vào Lực lượng Vũ trang Nga đóng tại căn cứ không quân Khmeimim ở Syria từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018 đã cho thấy rõ hệ thống Pantsir-S1 gặp khó khăn trong việc phản ứng đầy đủ và kịp thời trước nguy cơ tấn công. Do đó, một số nhà phân tích kết luận rằng dù các hệ thống phòng không và tên lửa của Nga đã được cải thiện nhưng vẫn chưa hoàn toàn có thể khắc phục được những trục trặc đã được phát hiện trên các hệ thống vũ khí của nước này.