Những ân tình sau bục giảng
Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, vượt qua nhiều khó khăn, cô giáo Phạm Thị Hương Lan vẫn giữ được tấm lòng yêu nghề, trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò.

Cô Phạm Thị Hương Lan hướng dẫn học sinh thực hiện thí nghiệm trong một tiết học. Ảnh: C.T.V
Cô Hương Lan hiện là giáo viên môn Vật lý, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường trung học cơ sở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành).
Làm giáo viên để trả nợ ân tình
Cô Hương Lan sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Long Thành. Nhà có 6 chị em, cô Hương Lan là chị lớn nên từ nhỏ phải phụ giúp cha mẹ để lo cho các em. Gia đình quá khó khăn, cha mẹ lại chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học nên bắt cô phải nghỉ học.
“Mỗi lần như vậy, thầy cô giáo lại tìm đến tận nhà để vận động cha mẹ cho tôi đi học. Tôi nhớ giáo viên chủ nhiệm lớp 3 đã giúp vốn cho tôi đi bán kem để vừa phụ giúp cha mẹ mà vẫn được đi học. Bán lời, tôi lấy tiền, còn nếu bán lỗ thì cô bù tiền vào cho… Năm lớp 5, thầy giáo cho tôi đi phụ dạy lớp xóa mù chữ. Hồi đó, đi dạy lớp này là được hỗ trợ tiền đứng lớp, thầy cho tôi đi phụ để đưa toàn bộ số tiền đứng lớp đó cho tôi… Từ ngày đó, tôi đã quyết tâm sẽ trở thành giáo viên để đền đáp ân tình của thầy cô” - cô Hương Lan nhớ lại.
Cô PHAN NGỌC MAI, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở thị trấn Long Thành, nhận xét cô Phạm Thị Hương Lan là giáo viên nhiệt huyết, đam mê trong tìm tòi kiến thức về chuyên môn, hòa nhã với đồng nghiệp và học sinh, luôn sẵn lòng giúp đỡ học trò. Cô đã hướng dẫn nhiều học sinh tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước đạt kết quả cao.
Ngày cô đi học sư phạm, mẹ khóc hết nước mắt vì sợ không còn người đỡ đần nuôi các em nhỏ. Thương mẹ, thương em, cô sinh viên Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai ngày đó (nay là Trường đại học Đồng Nai) phải thường xuyên “cúp học” để đi làm thêm gửi tiền về cho mẹ nuôi các em ăn học. Ngày đi làm, đêm về chép bài, tự học, có những đêm cô chỉ được ngủ 2 tiếng. Cũng có những môn học bị cấm thi vì giáo viên thấy cô vắng nhiều buổi quá…
Vượt qua hết những khó khăn, trắc trở, cô Hương Lan đã trở thành giáo viên môn Vật lý và trở về Long Thành dạy học. Đến nay, 5 người em của cô cũng đã tốt nghiệp đại học, riêng người em út còn học lên cao học…
Nuôi lòng yêu nghề
Cô Hương Lan chia sẻ: “Càng tiếp xúc với học trò, tôi càng thấy các em đáng yêu, cảm thấy mình trẻ trung hơn nhờ có các em. Tình yêu nghề trong tôi chưa từng vơi đi”.

Cô Phạm Thị Hương Lan (thứ 3 từ phải sang) được Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng tặng quà trong dịp 20-11-2024. Cô được xác định bị bệnh ung thư tử cung và có khối u ở gan từ năm 2018. Ảnh: Hải Yến
Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, cô giáo Hương Lan luôn lưu ý về việc áp dụng công nghệ và các phương pháp giảng dạy mới để nâng cao hiệu quả giáo dục. Đồng thời, cô hướng dẫn học sinh tham gia sân chơi học thuật mang tầm quốc tế, từng bước hỗ trợ các em hội nhập quốc tế và tiếp cận chuyển đổi số ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Cô hướng dẫn nhiều học sinh tham gia các cuộc thi quốc tế và đạt giải thưởng trong các cuộc thi, như Olympic Toán học trẻ quốc tế IJMO, Olympic Toán học Mỹ AMO, Olympic Khoa học quốc tế IKSC…
Cô PHẠM THỊ HƯƠNG LAN bộc bạch: “Tôi sẽ tiếp tục bước đi trên con đường giáo dục, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn gieo vào lòng học sinh niềm đam mê, sự tự tin và khao khát chính phục tri thức”.
Đối với sân chơi khoa học trong nước, cô thường xuyên hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng và Cuộc thi RoboG. Riêng năm 2024, cô hướng dẫn 2 nhóm học sinh tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng với Dự án Găng tay thông minh hỗ trợ sức khỏe đoạt giải nhất cấp tỉnh và Dự án Đèn giao thông thông minh hỗ trợ học sinh qua đường trước cổng trường đoạt giải nhì cấp tỉnh. Hai dự án trên được tiếp tục thi cấp toàn quốc và đoạt giải khuyến khích. Cùng với đó, cô còn hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi RoboG cấp tỉnh và đoạt giải nhất, nhóm học sinh này được chọn để tham gia thi cấp toàn quốc.
Cô Hương Lan chia sẻ: “Mỗi giải thưởng, mỗi thành công của học sinh là niềm tự hào lớn lao đối với tôi, không chỉ vì các em đã vượt qua thử thách để đạt được thành tích xuất sắc, mà còn vì các em trưởng thành, tự tin và sẵn sàng bước vào những thử thách lớn hơn trong tương lai”.
Bên cạnh việc không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, tích cực hướng dẫn học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học, tham gia các sân chơi học thuật, cô Hương Lan còn tích cực hướng dẫn, đồng hành cùng học sinh trong các hoạt động xã hội, thiện nguyện.
Cô đã kêu gọi, tập hợp các học sinh cũ của mình thành lập một nhóm khoảng 50 em để giúp đỡ nhau trong các việc: tư vấn học hành, định hướng nghề nghiệp, giúp nhau tìm việc. Cô còn cùng học sinh làm nhiều dự án từ thiện...
Cô Hương Lan khẳng định, trong thời đại công nghệ số, việc chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sẽ không chỉ mở ra cánh cửa tri thức mới mà còn mang đến cho học sinh những cơ hội vươn tới các sân chơi quốc tế. Điều đó giúp các em trở thành những công dân toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên bản đồ tri thức thế giới.