Những 'anh nuôi' trên chuyến tàu vượt Ấn Độ Dương
Mỗi lần tàu ra khơi, những người lính Cảnh sát biển lại thường dặn dò nhau câu 'người khỏe sóng chăm sóc người yếu sóng', đó cũng là yêu cầu khắt khe đối với các 'anh nuôi', phải 'khỏe sóng' để chăm sóc bữa ăn và sức khỏe cho đồng đội.
Reeennggg…reeennggg…reennggg… Đồng hồ điểm 11 giờ 15 phút cũng là lúc đồng chí trực canh Tàu Cảnh sát biển (CSB) 8005 thông báo toàn tàu tập trung ăn trưa. Cứ đều đặn như vậy, từng bữa cơm ngon, canh ngọt hàng ngày đã góp phần không nhỏ vào thành công của đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam trong chuyến thăm, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ trong tháng 12-2024 vừa qua.
Theo chân Đại tá Nguyễn Minh Khánh - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, tôi đến khu vực nhà bếp của Tàu CSB 8005. Xen lẫn tiếng ù ì từ khoang máy và tiếng sóng biển rào rạt là tiếng xào nấu leng keng trên những chiếc chảo công nghiệp lớn. Tôi không khỏi trầm trồ khi tận mắt chứng kiến đôi tay các “anh nuôi” đảo đều thức ăn và nêm gia vị chuyên nghiệp không khác gì những đầu bếp lành nghề. Hỏi ra mới biết các anh đều là những người đã công tác nhiều năm trên Tàu CSB 8005 và trải qua không ít chuyến biển dài ngày, trong đó đặc biệt có những chuyến phải bảo đảm chất lượng bữa ăn cho hơn trăm người.
Khi nhắc đến chuyến công tác dài ngày tại Ấn Độ vừa qua, mọi người không chỉ hỏi thăm tôi về tình hình sóng gió trên biển hay những công việc chuyên môn mà còn về sinh hoạt và tinh thần chung của cả đoàn qua mỗi bữa ăn. Có lẽ bởi họ hiểu rằng nếu “khỏe sóng” thì mỗi bữa ăn sẽ rộn rã tiếng nói cười và đong đầy những câu chuyện; nhưng nếu “yếu sóng” thì mỗi bữa ăn cũng sẽ trở nên trầm lắng, vội vã vì ai nấy đều mệt mỏi, thậm chí có người không thể dùng bữa vì quá mệt.
Tuy nhiên, có những chiến công thầm lặng mà mọi người thường dễ lãng quên, đó là dù biển êm hay biển động thì những người làm công tác hậu cần, những “anh nuôi” với tinh thần trách nhiệm vẫn không quản ngại khó khăn, ân cần và chu đáo chuẩn bị từng bữa ăn cho các thành viên đoàn công tác, bảo đảm mâm cơm ngon miệng và đầy đủ dinh dưỡng. Do vậy, vai trò của các “anh nuôi” trên tàu không chỉ đơn thuần là chuẩn bị những bữa ăn ngon, bảo đảm sức khỏe cho mọi người mà qua mỗi bữa ăn họ còn truyền cảm hứng cho tinh thần đoàn kết, yêu thương giữa đồng chí, đồng đội và là “hậu phương” cho những kỷ niệm khó quên trong cả chuyến công tác.
Nhìn vào thực đơn theo từng ngày, tôi có thể biết được mức độ phong phú trong việc lựa chọn món ăn cho từng bữa, kèm theo đó là việc lựa chọn thực phẩm, phương thức bảo quản, các loại gia vị, cách chế biến phù hợp,... cũng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và chính xác.
Đang say sưa chế biến món thịt kho trên chảo nhưng Đại úy QNCN Phan Văn Trung vẫn dành thời gian chia sẻ với tôi: “Là người trực tiếp chuẩn bị các bữa ăn hàng ngày cho tập thể tàu thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi luôn quan tâm đến từng khẩu phần ăn, từng thói quen ăn uống của các thành viên trên tàu. Việc chế biến món ăn ngon và đẹp mắt đã trở thành thói quen của chúng tôi, nhưng bên cạnh đó đội ngũ nhà bếp chúng tôi còn cố gắng sắp xếp thời gian sao cho món ăn khi lên mâm phải còn nóng hổi, chế độ ăn phải đầy đủ chất dinh dưỡng và bữa ăn phải phù hợp với điều kiện sức khỏe và khẩu vị của từng người”.
Điều đặc biệt là dù bận rộn với công việc trong nhà bếp, các “anh nuôi” luôn cố gắng tạo ra không khí thoải mái, vui vẻ trong lúc làm việc. Những câu chuyện nhỏ, những câu hát ngẫu hứng, những tiếng cười vui vẻ của các anh, dù là những câu chuyện đời thường hay những câu đùa dí dỏm cũng khiến cho không khí trong khu vực bếp bớt đi phần nào sự nóng nực và căng thẳng. Tinh thần đoàn kết và thoải mái đó chính là chìa khóa để họ nấu những món ăn ngon hơn, đẹp mắt hơn và chất lượng hơn.
Mở nắp vung nồi cháo đang độ chín tới, mùi vị của thịt gà và hành hoa tỏa ra khiến vị giác thật khó cưỡng, tôi quay sang hỏi Đại tá Hoàng Ngọc Thiện - Chính ủy Hải đoàn 32, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 mới biết đó là nồi cháo dành cho những đồng chí đang còn mệt vì say sóng chưa thể ăn cơm. Bởi vậy cứ mỗi lần tàu ra khơi, những người lính Cảnh sát biển lại thường dặn dò nhau câu “người khỏe sóng chăm sóc người yếu sóng”, đó cũng là yêu cầu khắt khe đối với các “anh nuôi”, phải “khỏe sóng” để chăm sóc bữa ăn và sức khỏe cho đồng đội.
Vào những ngày biển động, con tàu CSB 8005 nặng hơn 2.000 tấn cứ chao nghiêng trước từng đợt sóng cao từ 3-5 mét. Trong không gian bếp, tiếng xoong chảo trượt qua lại, va đập vào nhau nghe leng keng. Chứng kiến cảnh đó tôi chợt nghĩ nếu trước đây chúng ta vẫn nói việc nấu ăn là nghệ thuật và những đầu bếp là nghệ nhân, thì các “anh nuôi” nấu ăn trên biển xứng đáng là những nghệ nhân lão luyện nhất.
Điều kiện sinh hoạt và nấu nướng trên tàu không giống như ở đất liền, các thiết bị nhà bếp bị hạn chế, không gian làm việc nhỏ hẹp và quan trọng hơn là việc bảo quản thực phẩm - nhất là rau xanh và thực phẩm tươi sống - vừa đảm bảo tươi ngon vừa đủ số lượng cung cấp trong suốt chuyến đi là một bài toán khó. Thế nhưng, dù điều kiện khó khăn đến đâu thì chỉ huy đơn vị và các “anh nuôi” trên Tàu CSB 8005 vẫn cố gắng tìm cách bảo quản nguồn thực phẩm và nguyên liệu chế biến được tươi ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng nhất. Đối với nhiệm vụ thăm, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ lần này, công việc của các “anh nuôi” còn nặng nề hơn rất nhiều bởi trong kế hoạch hoạt động của đoàn công tác còn có nội dung tổ chức tiệc chiêu đãi đoàn cán bộ, thủy thủ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ sang thăm Tàu CSB 8005.
Góp phần vào thành công của sự kiện này, các “anh nuôi” Cảnh sát biển Việt Nam đã thực sự đóng vai trò rất quan trọng, nỗ lực của các anh không chỉ đơn giản là mang đến nước bạn những món ăn ngon, đậm hương vị truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam như món nem, cơm tấm, các loại trái cây đặc sản hay những món hải sản tươi ngon... mà những món ăn các anh chế biến đã thực sự trở thành cầu nối, là điểm khởi đầu cho những câu chuyện, mang đến những giây phút thư giãn, thoải mái cho cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ hai bên; góp phần giúp hai bên hiểu rõ hơn về đất nước, văn hóa, con người và ẩm thực của nhau, đóng góp vào thành công chung của chuyến công tác và tô thắm thêm tình hữu nghị truyền thống giữa hai lực lượng.
Kết thúc chuyến công tác và trở về Việt Nam vào những ngày cuối năm cận Tết, chúng tôi nói lời tạm biệt các “anh nuôi” Tàu CSB 8005 trong lưu luyến, chỉ biết giữ lại trong tim mình những cảm xúc tốt đẹp và sự biết ơn dành cho các anh. Chuyến công tác tại Ấn Độ đã thành công tốt đẹp, một phần nhờ vào những bữa ăn ngon, sự chăm sóc ân cần, chu đáo của các “anh nuôi” - những quân nhân mang trên ngực muôn vàn chiến công thầm lặng. Chắc chắn rằng, đối với mỗi thành viên trong đoàn công tác, hình ảnh “anh nuôi” và mỗi bữa ăn trên Tàu CSB 8005 sẽ đều là một kỷ niệm đẹp, là động lực để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn nêu cao quyết tâm, vượt mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.