Những bài học từ hôm qua
Nhiều Tăng Ni và Phật tử lần đầu tiên được tiếp cận hình ảnh sống động ghi lại những khoảnh khắc thời cuộc đã có chung niềm xúc động, khi thấy 'máu và nước mắt của một thời thấm vào tim mình'.
Qua triển lãm tư liệu báo chí về phong trào đấu tranh bất bạo động bảo vệ Phật giáo trong Pháp nạn năm 1963, và hội thảo “Phong trào Phật giáo năm 1963 và 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân” do Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM tổ chức, nhiều Tăng Ni và Phật tử lần đầu tiên được tiếp cận hình ảnh sống động ghi lại những khoảnh khắc thời cuộc đã có chung niềm xúc động, khi thấy “máu và nước mắt của một thời thấm vào tim mình”.
“Luôn khắc ghi ân người xưa” - Đại đức Thích Không Tú (giảng viên khoa Hoằng pháp - Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM):
Hội thảo khoa học với trên 178 bài tham luận, từ các góc nhìn khác nhau của giới học thuật về phong trào Phật giáo năm 1963 và sự kiện tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức, đã cho thấy sự đa chiều về bức tranh bối cảnh đất nước và Phật giáo thời bấy giờ.
Đặc biệt, thông qua triển lãm báo chí về sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân và phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo tại miền Nam Việt Nam năm 1963 cũng cho tôi tiếp cận một cách sinh động hơn về sự thật của sự kiện này.
Tôi được biết rằng, sở dĩ có sự kiện tự thiêu đó, chính là bắt nguồn từ chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Sự tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã gióng lên hồi chuông thức tỉnh cho nhân loại. Bởi vì dưới nhãn quan báo chí và các phương tiện truyền thông quốc tế chỉ được biết đến chế độ Ngô Đình Diệm là bảo vệ cho dân quyền, cho nhân dân Việt Nam, nhưng khi ngọn đuốc tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức làm cho họ thức tỉnh, ngay cả Tổng thống Kennedy lúc bấy giờ khi thấy bức ảnh tự thiêu của Bồ tát đã nói rằng: “Chưa có bức ảnh thời sự nào trong lịch sử tạo ra nhiều cảm xúc trên khắp thế giới như bức ảnh đó”.
Với bản thân tôi, Bồ-tát Thích Quảng Đức là một tấm gương của sự học đạo và hành đạo. Khi ôn lại về hành trạng, cuộc đời và công hạnh của ngài, tôi thấy trước hết ngài học đạo mà cụ thể là ngài hành trì kinh Pháp hoa, để có những sở đắc nhất định, và khi có sở đắc nhất định ngài bắt đầu đi thành lập các đạo tràng, không chỉ ở miền Trung, miền Nam mà qua cả Campuchia, cho đến hành trạng cuối cùng là vị pháp thiêu thân - cứu lấy Phật giáo, cứu lấy dân tộc Việt Nam bằng sự ra đi mầu nhiệm.
Bản thân tôi cũng luôn ý thức rằng sự tự do sinh hoạt tín ngưỡng của chúng ta ngày hôm nay đó chính là xương máu của đồng bào, sự hy sinh của các bậc tiền bối, chư vị Thánh tử đạo đã một thời diễn ra trên đất nước này để chúng ta có được ngày hôm nay.
“Niềm vui khi được ôn cố tri tân” - Sư cô Thích Thiện Nhân (sinh viên năm 3 - khoa Anh văn Phật pháp - Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM):
Đầu tiên tôi xin tri ân lên Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, chư vị Hội đồng Điều hành đã tạo điều kiện cho hội thảo diễn ra, và trưng bày ở đây nhiều hình ảnh tư liệu báo chí về sự kiện Pháp nạn năm 1963. Khi tôi xem lại những hình ảnh, cùng những thước phim đêm tưởng niệm, bản thân tôi đã rơi nước mắt rất nhiều lần. Tôi cảm nhận, hiểu được một cách rõ ràng rằng ngày xưa, quý ngài đã bỏ ra rất nhiều máu xương để giữ gìn Phật giáo trường tồn đến ngày hôm nay.
Tôi thật sự không có ước mơ gì cao xa cả. Tôi nghĩ những gì quý ngài làm được, đã để lại cho hàng hậu học chúng tôi, thì chúng tôi cố gắng giữ gìn.
Từ sự kiện này tôi thấy mình cần phải trau dồi bản thân nhiều hơn. Qua lời Đức Pháp chủ dạy và kể về hạnh nguyện của Bồ-tát Thích Quảng Đức, về giới hạnh và giới đức của ngài, tôi thấy rằng, trước tiên mình phải tự trau dồi giới hạnh của chính mình, mình phải có tài sản là sự tu tập, là giới hạnh, thì mới có thể cho được những người bên ngoài, những Phật tử, đóng góp cho xã hội cho đất nước.
Sau hội thảo này tôi sẽ tìm hiểu nhiều hơn về phong trào Phật giáo năm 1963. Trong tinh thần “ôn cố tri tân”, tôi nghĩ mình phải biết về cái cũ, tìm hiểu về cái cũ để mình có thể biết nhiều, rút kinh nghiệm, học hỏi nhiều điều từ quá khứ. Vì lịch sử là để học hỏi chứ không phải chỉ tìm hiểu đơn thuần. Học hỏi từ bài học lịch sử, mình sẽ có những bài học mới, cái mới để tiếp tục cho đời sống hiện tại và tương lai.
“Xúc động khi tiếp cận thông tin về Bồ-tát Thích Quảng Đức” - Chị Phạm Thị Kim Thanh, giáo viên Toán, Trường THPT Hùng Vương, TP.Tân An, Long An:
Trong phiên khai mạc hội thảo, khi được trực tiếp lắng nghe Đức Hòa thượng Pháp chủ chia sẻ về sự hình thành của phong trào Phật giáo năm 1963, về sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức thiêu thân, tôi thật sự xúc động, nhiều lần rớt nước mắt. Tôi không biết dùng từ ngữ nào diễn tả được hết cảm xúc lúc bấy giờ, chỉ có thể nói là nghe và cảm động khi Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu, để bảo vệ Chánh pháp, để Phật giáo trường tồn, và cũng là vì đấu tranh cho sự an bình của người dân.
Mục đích tôi đến với hội thảo là để nghe tham luận, xem triển lãm hình ảnh, tìm hiểu thông tin chuẩn xác về Bồ-tát Thích Quảng Đức. Lần đầu tiên tôi được trực tiếp lắng nghe chư tôn đức Hòa thượng kể về lịch sử thời cuộc, về Pháp nạn năm 1963, được xem nhiều hình ảnh tư liệu quý giá. Tôi rất xúc động vì bản thân mình đã được lắng nghe và tiếp cận đúng thông tin, tôi xin cảm ơn chư tôn đức Ban Tổ chức rất nhiều.
Khi phát biểu khai mạc, tôi cũng lắng nghe Đức Pháp chủ nhắc đến nhiều tấm gương sáng của chư vị Hòa thượng, các chư Tổ đã có nhiều đạo hạnh trong công cuộc hoằng đạo, hoằng dương Chánh pháp, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, trong các giai đoạn đất nước khó khăn. Từ trong sâu thẳm, tôi có ước vọng muốn tìm hiểu và tôi rất mong một ngày nào đó, chư tôn đức sẽ tổ chức thêm hội thảo giới thiệu về chư vị tiền nhân hữu công, để Phật tử có thể tìm hiểu về những vị cao tăng thạc đức, để thế hệ sau noi gương, phát tâm. Bởi hiện nay, chúng tôi rất khó để có thể tiếp cận nguồn thông tin và tư liệu quý về Phật giáo.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/nhung-bai-hoc-tu-hom-qua-post67644.html