Những bãi rác càng phình to gây ô nhiễm nặng nề
Rác thải phát sinh thường xuyên trong sinh hoạt, sản xuất hằng ngày của người dân. Qua thời gian, lượng rác thải do chưa được xử lý đang tồn đọng rất lớn, những bãi rác ngày càng phình to, đang là 'gánh nặng' đối với các địa phương vùng ĐBSCL, rất khó giải quyết.
“Chúng tôi về đây sống cũng 3 năm mà bãi rác vẫn mãi như vậy. Trời nắng nóng thì đóng cửa lại, hôi quá thì đóng cửa lại. Bữa nào trời mưa, trời mát mát không hôi thì mở cửa ra". "Cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, sức khỏe bị ảnh hưởng, chúng tôi chỉ mong sớm di dời bãi rác đi chứ cứ thế này thì tội nghiệp người dân quá. Biết là trên địa bàn phường và quận phải có bãi rác tập trung, nhưng mà nơi này là khu vực dân cư sinh sống, tôi thấy không thích hợp”...
Đó là nhiều bức xúc của người dân ở Thành phố Cần Thơ vì bởi mùi hôi thối bốc ra từ những bãi rác nằm ở nội ô thành phố. Dù Thành phố Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng tình trạng ùn ứ rác sinh hoạt đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng.
Tại quận Bình Thủy và quận Ninh Kiều, nhiều tuyến đường gần bệnh viện, trường học, chợ… xuất hiện tình trạng rác thải sinh hoạt chất thành đống dọc theo các con đường lớn lẫn ở ngõ hẻm. Vào những ngày mưa dầm thì nước đen, mùi khó chịu chảy tràn ra mặt đường, còn ngày nắng thì bốc mùi thối kinh khủng, ai đi qua cũng phải dùng tay che mũi.
Nghiêm trọng nhất tại khu ẩm thực đêm thuộc Dự án hồ Bún Xáng (phường An Khánh, quận Ninh Kiều) nhiều tháng qua, người dân sinh sống hay buôn bán hàng quán đều “kêu trời” vì ô nhiễm triền miên.
Ông Ung Hữu Duy, kinh doanh tại khu vực hồ Bún Xáng bức xúc: "Năm 2019, 2020, quán một ngày phục vụ 100 khách, còn năm 2021 trở về đây thì bán không được 50% số đó do môi trường bị ảnh hưởng bởi bác rác này".
Không chỉ quận Ninh Kiều, trong 3 tháng qua, người dân sống ở khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ cũng phải chịu đựng cảnh ô nhiễm từ một bãi tập kết rác không theo quy hoạch. Điểm tập kết này nằm ngay ven đường Bùi Hữu Nghĩa nối liền với tỉnh lộ 918, liền kề với công viên cây xanh Bình Thủy – điểm sinh hoạt, giải trí, tập thể dục dưỡng sinh của người già và trẻ em 2 buổi sáng chiều. Mùi hôi thối của rác đã phá vỡ không gian bình yên vốn có của khu dân cư này.
Ông Lương Sĩ Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy cho biết, địa phương chưa có trạm trung chuyển rác mà chỉ có 2 điểm tập kết rác tạm. Mỗi ngày, có gần 20 tấn rác trước khi vận chuyển về khu xử lý chất thải. Công tác thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn đều do Công ty CP Đô thị Cần Thơ thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thu gom, vận chuyển rác thải còn chậm, để rác thải ùn ứ… làm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dân.
"Thường xuyên tăng cường, giám sát, kiểm tra các đơn vị thu gom, vận chuyển để mà xử lý. Tiến hành các giải pháp khắc phục mùi hôi; Thứ hai là thu dọn dẹp bãi đảm bảo cảnh quan môi trường cũng như phương án xử lý ô nhiễm trước mắt. Đồng thời, quận cũng có triển khai chủ trương đầu tư trạm trung chuyển rác tại cầu Bình Thủy 3, phường Long Tuyền", ông Lương Sĩ Nam cho hay.
Cũng như TP. Cần Thơ từ lâu tỉnh Tiền Giang là "điểm nóng" của bãi rác gây ô nhiễm triền miên. Bà Quảng Thị Xinh, cũng như nhiều hộ dân ở ấp 5, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có gần 20 năm sống gần bãi rác Tân Lập cho biết, ngày nào cũng hít thở bầu không khí hôi thối, ngột ngạt từ bãi rác. Lúc đầu khó chịu nhưng nay quen dần vì không ở gần bãi rác thì ở đâu và làm gì để mưu sinh.
“Cô thấy mùi hôi khó chịu lắm. Mình có em bé sợ ảnh hưởng, nó bị bệnh hoài như ho và bệnh về các đường hô hấp mà không biết do đâu. Cô cũng mong bãi rác được xử lý làm sao cho ổn định hơn cho đừng có hôi nữa, đừng ảnh hưởng đến người dân để người dân ổn định cuộc sống", bà Quảng Thị Xinh chia sẻ.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 8 bãi rác đang hoạt động; trong đó 2 bãi rác Tân Lập (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước) và bãi rác Long Chánh (xã Long Chánh, Thị xã Gò Công) đang tồn đọng hàng triệu tấn rác. Hầu hết các bãi rác xử lý rác thải bằng biện pháp chôn lấp, hay phủ lên bởi những tấm bạt, gây ô nhiễm môi trường.
Nghiêm trọng nhất là bãi rác Tân Lập rộng gần 15 ha là nơi tập kết rác thải sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp ở 7 đơn huyện, thành phố trong tỉnh. Mỗi ngày đêm, lượng rác đưa đến đây gần 500 tấn; trong khi đó công suất chôn lấp của bãi rác này chỉ 180 tấn/ngày đêm, nên dẫn đến quá tải. Thời gian qua, công ty TNHH MTV công trình đô thị Mỹ Tho - đơn vị quản lý, khai thác bãi rác Tân Lập 1 chỉ xử lý đơn thuần là khan thưa, phun xịt hóa chất khử mùi...
Ông Đoàn Văn Tuấn, Bí thư huyện ủy Tân Phước, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết: “Thực trạng các bãi rác ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng do nước rỉ, mùi hôi, cháy nổ... ô nhiễm môi trường đến đất và nước tác hại rất lâu dài gây bức xúc cho cử tri. Đối với địa bàn huyện Tân Phước có bãi rác Tân Lập, tình trạng rác xử lý chỉ đem về tập trung thôi, xử lý thô thôi, không có nhà máy. Đề nghị trong thời gian chờ đầu tư nhà máy mong rằng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường, công ty công trình đô thị Mỹ Tho tổ chức, thực hiện tốt các phương án, có giải pháp kỹ thuật để hạn chế ô nhiễm”.
Đối với tỉnh Bến Tre, từ lâu người dân các xã Hữu Định (huyện Châu Thành và Phú Hưng (TP. Bến Tre) cũng “sống chung” với bầu không khí ngột ngạt, ô nhiễm từ bãi rác ở ấp Phú Thành, xã Phú Hưng rồi đến bãi rác ở ấp Hữu Thành (xã Hữu Định). Cả 2 bãi rác này rộng gần 10 ha, là nơi tập kết rác thải từ sinh hoạt và sản xuất của toàn tỉnh Bến Tre và 2 khu công nghiệp An Hiệp, Giao Long (huyện Châu Thành). Hơn 20 qua, lượng rác thải chưa được xử lý đúng quy định, tồn đọng cao như là những núi rác. Khí thải bốc ra, nước thải lò rỉ chảy xuống kênh Thương Phế Binh, sau đó lan tỏa ra nội đồng làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Dù là nơi xử lý rác thải nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường, đó là tình trạng nhức nhối tại nhà máy xử lý rác thải đặt ở phường Tân Xuyên, Thành phố Cà Mau- đây là nhà máy xử lý rác duy nhất của tỉnh Cà Mau. Bãi rác này ngày càng nhô lên cao, gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước và không khí bốc gây ra. Vào mùa mưa nguồn nước trong nhà máy rác còn tràn qua vuông người dân nuôi tôm gây thiệt hại nặng. Gia đình ông Nguyễn Văn Hợp có đất sản xuất cạnh nhà máy rác cho biết, đã nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa là nguồn nước đen kịt tràn sang vuông tôm nhà ông, làm tôm cá chết.
Ông Nguyễn Văn Hợp bức xúc: "Bãi rác thường xuyên tràn nước bốc mùi hôi thối ra ngoài khiến tôm cua chết hết. Ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh trong thời gian dài”.
Có thể nói rác thải từ sinh hoạt và sản xuất ở vùng ĐBSCL hiện nay là vấn đề vô cùng bức xúc, những bãi rác ngày càng to dần và gây ra những hệ lụy rất nguy hiểm cho sức khỏe, cuộc sống cộng đồng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời. Trong bài 2 chúng tôi sẽ đề cập đến những khó khăn, bất cập trong công tác xử lý rác thải./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-bai-rac-cang-phinh-to-gay-o-nhiem-nang-ne-post1004757.vov