Những bản nhạc dành cho muôn đời sau
Tin vui cho Việt Nam khi trong những ngày tháng Tư lịch sử, dọc dài đất nước đang rộn ràng vang lên những bài ca, giai điệu tự hào thì tại Paris (Pháp), Hội đồng Chấp hành UNESCO đã nhất trí ghi danh 'Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân' của Việt Nam được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Vì thế, những bài hát của nhạc sĩ như: 'Hò kéo pháo', 'Hà Nội-Huế-Sài Gòn', 'Quảng Bình quê ta ơi', 'Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng', 'Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng'... nghe càng thêm giá trị.
Tối cuối tuần trên phố đi bộ Hồ Gươm, góc đường ngã tư Tràng Tiền-Đinh Tiên Hoàng rộn ràng tiếng hát hòa vào những giai điệu nhạc "Hà Nội-Huế-Sài Gòn" của một nhóm bạn trẻ thu hút khá đông du khách nán lại lắng nghe. "Huế cầm tay Sài Gòn-Hà Nội, bên dãy Trường Sơn ngời sáng tin yêu/ Ơi! Sài Gòn vang lời ca bất khuất của miền Nam đi trước về sau... "-điệp khúc được nhóm bạn trẻ ngân vang và giơ những cánh tay hướng người xem lên ngắm bức tranh treo trang trọng trên mặt tiền tòa nhà Thông tin-Triển lãm TP Hà Nội-lâu nay được mọi người quen gọi là "Bác Hồ với thiếu nhi".
Nói thêm một chút về bức tranh cổ động nổi tiếng bên bờ hồ Hoàn Kiếm này, giới hội họa từng đánh giá là tác phẩm thành công nhất và để lại ấn tượng, cảm xúc sâu đậm nhất của họa sĩ Trần Từ Thành. Họa sĩ từng kể, sau ngày 30-4-1975, khi đó ông là giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) đã ấp ủ vẽ một tác phẩm về điều mong muốn của Bác Hồ ở Di chúc của Người, trong đó Bác nhắc nhiều đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, nhắc đến hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước... Và tác phẩm hình thành mang cái tên ban đầu "1976", sau đổi thành “Độc lập-thống nhất-hòa bình-hạnh phúc”, gần nửa thế kỷ nay, công chúng thân thuộc gọi là “Bác Hồ với thiếu nhi”.

Ca khúc "Hà Nội-Huế-Sài Gòn" biểu diễn trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 Hà Nội-Huế-Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) kết nghĩa. Ảnh: BẢO TRUNG
Với âm nhạc, có lẽ nhạc sĩ Hoàng Vân (tên khai sinh là Lê Văn Ngọ) đã hiện thực hóa hành trình "Huế cầm tay Sài Gòn Hà Nội" của mình khi ông bắt gặp bài thơ “Hà Nội-Huế-Sài Gòn” của nhà thơ Lê Nguyên và năm 1961, nhạc sĩ đã cảm tác phổ nhạc cho ra đời ca khúc này. Ở ca khúc là ước vọng Sài Gòn sẽ mang tên Bác như một dự báo tiên tri của cả nhà thơ và nhạc sĩ, và đến năm 1975 đã trở thành hiện thực: “Đây miền Nam, Thành đồng Tổ quốc/ Bên Cửu Long rực rỡ tên vàng/ Thành phố vinh quang Hồ Chí Minh/ Tiếng Người mang trong lòng”. Nửa thế kỷ từ ngày đất nước thống nhất, những âm điệu vẫn tỏa ra sự ấm áp của niềm vui sum họp.
Trong vòng hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại khoảng 700 tác phẩm ở gần như tất cả các thể loại và các hình thức âm nhạc. Sau ngày ông rời xa cõi tạm (năm 2018), gia đình đã dày công thống kê, lưu trữ và bảo tồn di cảo của nhạc sĩ. Các ca khúc của ông mang nhiều hình thức và đề tài đa dạng, từ ca khúc nghệ thuật đến ca khúc thời sự, từ tráng ca đến ngợi ca, từ ngành ca đến tỉnh ca, từ tình ca đến du ca, từ dân ca đến những bài hát đậm tình quốc tế năm châu, từ người thợ mỏ đến người nông dân, từ thanh niên tới thiếu nhi, tất cả đề tài tưởng như rất xa rời nghệ thuật đã được hát lên với những cung bậc xúc cảm nhất. Những tác phẩm mà tôn chỉ của nhạc sĩ là sáng tạo, là sự hướng thượng, là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, và bao trùm lên tất cả là tình yêu Tổ quốc.
Đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, nhà soạn nhạc Hoàng Vân dành một vị trí quan trọng cho âm nhạc hàn lâm. Đó là những bản thơ giao hưởng "Thành đồng Tổ quốc" (một trong những bản giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam viết vào năm 1960); đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng "Hồi tưởng" (1961-1962) và hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng "Điện Biên Phủ" (2004) là 3 mốc đánh dấu những tác phẩm được phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó vở ballet "Chị Sứ" (1968), tổ khúc giao hưởng bốn chương số II "Tưởng niệm" (1991), bản thơ giao hưởng số II (1994) và số III "Tuổi trẻ của tôi" (2000) là những dấu mốc cho những tác phẩm hàn lâm mẫu mực trong nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam, nhưng cũng vô cùng gần gũi với công chúng.
Theo đánh giá của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bộ sưu tập âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân trong hơn nửa thế kỷ được hình thành và phát triển, không chỉ là những tác phẩm có giá trị mang dấu ấn của nhạc sĩ mà còn phản ánh một trong những bước ngoặt lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam, những biến chuyển của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc, các tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là tư liệu quý báu phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam. Hội đồng tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO khẳng định, hồ sơ của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quốc tế với những giá trị nổi bật. Bộ sưu tập âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân được bảo tồn tốt, có tính tiếp cận cao thông qua nền tảng số đa ngữ, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.
Việc UNESCO ghi danh bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân không chỉ là niềm tự hào của riêng gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân mà còn là niềm tự hào chung của đất nước, nhân dân Việt Nam. Di sản tư liệu này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản tư liệu, lan tỏa giá trị văn hóa-lịch sử-nhân văn Việt Nam ra thế giới, từ đó nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước và con người Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nhung-ban-nhac-danh-cho-muon-doi-sau-5044864.html