Khát vọng 'gieo chữ' giữa lằn ranh sinh tử
Trải qua bao gian khó và lửa đạn hiểm nguy, các nhà giáo miền Bắc xung phong vào 'đất lửa' Quảng Trị đã gieo mầm tri thức cho nhiều thế hệ học trò.

Các thầy cô trong Đoàn Nhà giáo, chiến sĩ đi B Quảng Trị nay đều ngoài 70 tuổi. Ảnh: Đình Tuệ
Một thời đáng nhớ
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc hội ngộ của hàng trăm thầy, cô giáo thuộc Đoàn Nhà giáo, chiến sĩ các tỉnh phía Bắc đi B Quảng Trị từ năm 1972 diễn ra trong không khí thân tình, xúc động xen lẫn cảm xúc tự hào về một thời kỳ đáng nhớ của lịch sử dân tộc. Khi đó, vai trò của các nhà giáo - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa được phát huy cao độ để góp phần xây dựng đất nước những năm 70 của thế kỷ trước.
Chia sẻ về giai đoạn lịch sử đó, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Cách đây 53 năm, sau chiến dịch giải phóng Quảng Trị, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính quyền cách mạng là chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”.
Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách này, một mặt tỉnh Quảng Trị sử dụng lực lượng tại chỗ gồm cán bộ, giáo viên đang giảng dạy hoặc đảm nhiệm các công việc khác ở vùng giải phóng tăng cường cho giáo dục; mở các lớp đào tạo cấp tốc ngành Sư phạm để đáp ứng yêu cầu dạy học. Mặt khác, tỉnh đề xuất khẩn cấp với Trung ương xin chi viện con người và các điều kiện cần thiết trước mắt cho giáo dục Quảng Trị.
Đội ngũ nhà giáo chi viện từ các tỉnh phía Bắc tới Quảng Trị có nhiệm vụ bổ túc văn hóa cho những cán bộ trưởng thành trong kháng chiến, xóa nạn mù chữ, phát triển rộng khắp hệ thống giáo dục phổ thông. Thầy cô cùng ăn, ở, làm việc và tăng gia sản xuất với người dân để nhanh chóng tạo nên những phòng học tranh tre, nứa lá để học sinh có chỗ học.
Quê tỉnh Nam Định, cuối năm 1972, thầy Trần Ngọc Nam (sinh năm 1949) cùng đoàn từ Thanh Hóa hành quân bộ theo đường Trường Sơn. Sau khi vượt đầu nguồn sông Bến Hải sang Gio Linh - Cam Lộ, đêm bị pháo ngoài biển bắn vào nên mọi người phải nằm dưới hầm trú ẩn. Đạn pháo địch bắn ác liệt khiến hầm của thầy Nam rung lên bần bật. Sáng hôm sau, đoàn ra khỏi hầm thì thấy chi chít hố đại bác, căn hầm bên cạnh bị đánh sập khiến 4 thầy cô quê Quảng Trị hy sinh, mọi người ôm nhau khóc vì xót xa.
“Trong gian khổ, thiếu thốn, hiểm nguy thì ý chí, tinh thần đã giúp các nhà giáo - chiến sĩ chiến thắng sự khắc nghiệt của rừng thiêng nước độc; nỗi ám ảnh về bệnh tật sau những trận sốt rét, cơn đói thường trực, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết để hoàn thành nhiệm vụ cao cả. Chúng tôi lấy lời giảng, trang giáo án làm vũ khí đồng lòng cùng bộ đội và nhân dân quyết tâm đánh thắng quân xâm lược, giành độc lập dân tộc”, thầy Nam xúc động nói.
Cũng như nhiều thầy cô khác, từ Hà Nội, được sự đồng ý của gia đình, cô Nguyễn Thị Yên (sinh năm 1952) viết đơn tình nguyện đi B Quảng Trị cuối năm 1972 lúc tuổi đời vừa tròn đôi mươi. Từ một thiếu nữ Hà thành, khi tới với vùng “đất thép” đầy nắng gió, tiếng bom đạn cày xới… cũng dần trở thành quen thuộc với cô Yên. Mỗi người đều có những nhiệm vụ khác nhau và kỷ niệm riêng về thời kỳ gian khổ mà hào hùng ấy.
“Đường vào Quảng Trị khi đó vất vả lắm, bom đạn chiến tranh còn nhiều nên mọi người đều lo nơm nớp mỗi khi đi đường. Vượt lên tất cả, đó là ý chí và khát vọng mà Đảng, Nhà nước đã giao phó để thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài giảng dạy, tôi được phân công làm công tác vận động quần chúng cho con em đi học và tin tưởng theo chính quyền cách mạng”, cô Yên nhớ lại.

Cô Nguyễn Thị Yên (phải) và GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn. Ảnh: Đình Tuệ
Đặt nền móng cho nền giáo dục cách mạng
Xung phong vào Quảng Trị đầu năm 1974 và ra Bắc năm 1978, cô Chu Thị Nhung - nguyên giáo viên Trường Tiểu học An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) không thể quên quãng thời gian đáng nhớ với nhiều kỷ niệm bên đồng nghiệp và học trò thân yêu.
Cô Nhung cùng các thầy, cô giáo và nhân dân đã tự tay xây dựng nên những phòng học bằng cách trát bùn rơm, sau đó vận động học sinh ra lớp học chữ. Do bất đồng ngôn ngữ vì đồng bào nhiều người không nói được tiếng phổ thông, nhưng cô vẫn kiên trì hằng ngày bám trụ bảng đen, phấn trắng để “gieo chữ” tới học sinh ở nhiều lứa tuổi. Cô kể, có em năm trước theo học thì năm sau đã đủ tuổi lấy chồng.
“Lúc mới vào, chúng tôi được cấp trên và chính quyền lưu ý chỉ đi vào những con đường đã có dấu chân người, tuyệt đối không đi ra ngoài bởi còn nhiều bom mìn địch cài cắm. Vào một ngày cuối tháng 3/1974, trong một lần tôi di chuyển giữa hai thôn bỗng nghe tiếng nổ và đất đá bắn tứ tung về phía mình.
Dân làng nghe thấy liền chạy ra thì phát hiện một con bò trong lúc được thả đồi đã giẫm phải mìn. Vị trí đó chỉ cách đường tôi đi hơn 20 mét. Lúc đó, có lẽ tôi được “thần chết” bỏ qua nên mới may mắn sống sót đến hôm nay”, cô Nhung tâm sự.
Trong tâm trí cô Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1953 tại Thái Bình) không thể quên ký ức về một thời oanh liệt. Tháng 9/1972, khi học tại Trường Sư phạm cấp 1 Thái Bình thì nhận được tin Quảng Trị đang cần đội ngũ giáo viên vào công tác. Vậy là, cô và 19 giáo sinh cùng trường với gần 80 giáo viên công tác ở các tỉnh miền Bắc vào Quảng Trị.
Đầu tháng 1/1973, đoàn vào đến Quảng Trị và được phân công về Phòng Giáo dục huyện Gio Linh; một số khác nhận công tác ở huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Hướng Hóa, mỗi người một ngả. Các trường lúc đó chỉ có vài giáo viên, mỗi người đảm nhiệm dạy 2 - 3 lớp (sáng 1, chiều 1, tối dạy bổ túc cho thanh niên du kích). Ngoài giảng dạy trên lớp, các thành viên tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương.
“Năm 2015 và 2022 khi vào thăm Quảng Trị, tôi được gặp lại học trò cùng bao kỷ niệm ùa về. Chứng kiến sự đổi thay của ngành Giáo dục Quảng Trị mới thấy, những cống hiến, hy sinh của các thầy cô năm xưa hoàn toàn xứng đáng.
Chúng tôi tự hào rằng, mình là những người đầu tiên đặt viên gạch xây dựng cho nền móng giáo dục cách mạng non trẻ tỉnh Quảng Trị trong những ngày đầu mới giải phóng. Ngoài dạy chữ, thầy cô còn dần hình thành nhận thức, khái niệm, tình cảm về một chế độ xã hội mới mà cách mạng đã mang lại”, cô Lan bày tỏ.
“Trước sự phát triển của ngành Giáo dục trong kỷ nguyên mới của dân tộc, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước có sự ghi nhận, vinh danh xứng đáng đối với các nhà giáo tham gia đi B Quảng Trị năm xưa.
Những đóng góp của chúng tôi đã góp phần vào công cuộc cách mạng, xây dựng xã hội buổi đầu thống nhất. Nhiều thầy cô đã hy sinh tuổi thanh xuân để bám trường, lớp nơi lửa đạn chiến tranh, đến nay khi tuổi xế chiều sức khỏe sa sút nhưng tinh thần của một thời sôi nổi vẫn vẹn nguyên”, cô Nguyễn Thị Yên - đại diện Đoàn Nhà giáo, chiến sĩ đi B Quảng Trị chia sẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khat-vong-gieo-chu-giua-lan-ranh-sinh-tu-post728314.html