Những bệnh thường gặp mùa tựu trường

Vào mùa tựu trường, thời tiết và môi trường thay đổi khiến hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn.

 Sởi, chân tay miệng, bệnh hô hấp, ho gà, sốt xuất huyết là những mặt bệnh quen thuộc mùa tựu trường. Ảnh: Khương Nguyễn.

Sởi, chân tay miệng, bệnh hô hấp, ho gà, sốt xuất huyết là những mặt bệnh quen thuộc mùa tựu trường. Ảnh: Khương Nguyễn.

Chỉ còn vài ngày nữa, hàng triệu học sinh sẽ bước vào năm học 2024-2025. Ở cả 2 miền, đây là mùa thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển và gây bệnh.

Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện hoàn toàn. Khi trẻ tiếp xúc với môi trường mới, gặp gỡ bạn mới, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cũng vì thế sẽ cao hơn.

Ở thời điểm hiện tại, một số bệnh lý thường gặp mùa tựu trường có thể kể đến là bệnh sởi, chân tay miệng, bệnh hô hấp, ho gà, sốt xuất huyết. Đặc biệt, tại TP.HCM đang bùng phát dịch sởi do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng chưa đạt đủ độ bao phủ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, phụ huynh có thể tham khảo 6 phương pháp sau để phòng các bệnh thường gặp mùa tựu trường.

Thứ nhất, vệ sinh tốt môi trường trường học, hộ gia đình, thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Thứ hai, đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ, thường xuyên rửa tay đúng cách với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Thứ ba, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch đối với các bệnh có vaccine như sởi, rubella, ho gà, thủy đậu, cúm...

Thứ tư, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống chín; ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả; duy trì vận động, tập thể dục thể thao thường xuyên, đúng cách giúp cơ thể tăng cường đề kháng.

Thứ năm, phòng ngừa muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn, sử dụng bình xịt muỗi, kem xua muỗi có xuất xứ tự nhiên, an toàn cho trẻ; dọn dẹp các vật chứa nước không dùng đến và diệt lăng quăng thường xuyên.

Cuối cùng, trẻ cần hạn chế tiếp xúc với người có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm như sốt cao không giảm, mệt mỏi, ăn uống kém, phát ban, mụn nước trên da, nôn ói, tiêu chảy...

Phụ huynh cũng cần chủ động theo dõi sức khỏe trẻ thường xuyên để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-benh-thuong-gap-mua-tuu-truong-post1494957.html