Những bí ẩn chưa được giải mã của lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Cho đến ngày nay, những câu chuyện bí ẩn xoay quanh lăng tẩm của Tần Thủy Hoàng vẫn luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm...

Cỗ xe song mã bằng đồng ở khu di tích lăng mộ Tần Thủy Hoàng sau khi được trùng tu.

Cỗ xe song mã bằng đồng ở khu di tích lăng mộ Tần Thủy Hoàng sau khi được trùng tu.

Được xây dựng từ năm 246 đến năm 208 trước Công nguyên, kéo dài 39 năm, lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một trong những lăng mộ hoàng đế lớn nhất, kỳ lạ nhất và xa hoa nhất trên thế giới, đồng thời chứa đựng những bí ẩn khiến các chuyên gia, nhà khoa học tài giỏi khắp nơi trên thế giới khao khát giải mã. Vì thế, cho đến ngày nay, những câu chuyện xoay quanh lăng tẩm của Tần Thủy Hoàng vẫn luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm...

Thuốc nổ cũng không phá được lăng mộ

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng có hai bức tường bằng đất đắp bên trong và bên ngoài, tượng trưng cho hoàng thành và cung điện của kinh đô.Theo ghi chép lịch sử, nhiều cung điện khác nhau đã được xây dựng trong Tần lăng, trưng bày nhiều bảo vật kỳ lạ. Một số lượng lớn các hố chôn và lăng mộ với các hình dạng và ý nghĩa khác nhau được phân bố xung quanh Tần lăng.

Vào mùa xuân năm 1974, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện ra lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng và nơi chôn cất Tần Thủy Hoàng, nhưng trong hơn 40 năm, đất nước này chưa bao giờ có ý định mở quan tài bởi họ phát hiện thấy hàm lượng thủy ngân độc hại ở khu vực lăng mộ, họ chỉ phát hiện những bí ẩn xoay quanh khu vực lăng tẩm này.

Đặc biệt, là hoàng đế góp công xây dựng Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng có thừa hiểu biết trong việc xây dựng lăng tẩm sao cho các tay trộm mộ không thể xâm phạm.Được biết, vật liệu tạo nên các bức tường thành bao quanh lăng tẩm là bằng tro trắng, đất cát, hoàng thổ, còn được thêm gạo nếp nấu và thêm đinh sắt, có tác dụng chống gió mưa rất tốt, thậm chí dùng thuốc nổ cũng không nổ được.

Cận cảnh những hoa văn trang trí cực kỳ tinh xảo...

Cận cảnh những hoa văn trang trí cực kỳ tinh xảo...

Bên cạnh đó, toàn bộ lăng Tần Thủy Hoàng nằm dưới một gò mộ cao 76 mét có hình dạng gần giống một kim tự tháp, chiều dài và chiều rộng khoảng 350 mét. Đây là gò mộ lớn nhất Trung Quốc. Các nhà điều tra địa chất đã phát hiện ra lực hấp dẫn dị thường ở phía nam gò đất trong quá trình thăm dò tại đây.

Do đó, người ta suy đoán rằng điểm khai quật ban đầu của cung điện dưới lòng đất của Lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thể nằm trong khu vực dị thường này.Lý do vì sao Tần Thủy Hoàng cho xây dựng khu vực đặc biệt này? Đến nay các nhà khoa học Trung Quốc vẫn chưa có câu trả lời.

Vào giữa những năm 1970, việc phát hiện “xác phụ nữ” thời Tây Hán trong lăng mộ Mawangdui Han ở Trung Quốc đã gây chấn động giới khảo cổ thế giới. Xương được bảo quản tốt là điều rất hiếm trên thế giới. Do đó khi lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện vào đầu những năm 1970, người ta suy đoán rằng thi thể của Tần Thủy Hoàng cũng sẽ được bảo quản nguyên vẹn (bởi thời Tây Hán chỉ cách thời nhà Tần chưa đầy 100 năm).

Vấn đề là Hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã chết trên đường quân hành và vào thời điểm mùa hè nóng bức. Sau hơn 50 ngày đi đường đến kinh đô Hàm Dương để làm lễ tang, thi thể đã ít nhiều không còn nguyên vẹn. Dựa trên điều này, người ta suy đoán rằng hài cốt của Tần Thủy Hoàng rất khó được bảo quản tốt.

Vậy để bảo vệ hài cốt của hoàng đề, nhiều người đặt câu hỏi Tần Thủy Hoàng dùng quan tài bằngđồng hay quan tài gỗ? Sử gia Tư Mã Thiên chỉ để lại một ghi chép mơ hồ về việc nhà Tần ra sức thu thập tiền đồng. Vì vậy, một số học giả kết luận ban đầu rằng Tần Thủy Hoàng đã sử dụng quan tài bằng đồng. Tuy nhiên, theo các ghi chép tài liệu, Tần Thủy Hoàng có thể không sử dụng quan tài bằng đồng.

Theo đó, “Sử ký” và “Hán thư” đều ghi chép rõ ràng: “Đánh chảy đồng bên trong, sơn bên ngoài; Đắp hạt ngọc, trang trí bằng ngọc”... Từ việc kiểm tra hệ thống quan tài thời Tiền Tần và Tây Hán, việc sử dụng quan tài gỗ lớn là đặc quyền của hoàng đế thời bấy giờ. Rất có thể, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc đã dùng quan tài gỗ để bảo vệ giấc ngủ của chính mình.

Khi tìm hiểu những bí ẩn xoay quanh lăng tẩm của hoàng đế, các chuyên gia cũng đặt nhiều câu hỏi về hố chôn chiến binh đất nung và ngựa bị đốt cháy. Khi các nhà khảo cổ làm sạch hố này, họ nhận thấy có rất nhiều vết cháy ở hố thứ nhất và thứ hai. Trong lăng cũng có một diện tích đất lớn bị cháy, tương tự như vậy, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy rất nhiều đất cháy trong quá trình đào hố chôn cất Tần lăng.

Ai hay điều gì đã gây nên điều này? Theo suy đoán từ các tài liệu, người tiêu diệt các chiến binh đất nung và ngựa chiến của Tần vương là Hạng Vũ (người có công lật đổ nhà Tần). Nhưng nếu Hạng Vũ đốt cháy Tần lăng, thì những bảo vật tinh xảo như hạc đồng, ngỗng đồng, vịt đồng lạiđược giữ nguyên vẹn trong lăng mộ?

Di tích quốc gia của Trung Quốc

Năm 1980, trong một lần khai quật tại một hố chôn cách 20 mét về phía Tây của lăng mộ Tần Thủy Hoàng, các nhà khảo cổ đã vô tình tìm thấy 2 cỗ xe ngựa bằng đồng lớn, được đặt trong một chiếc quan tài bằng gỗ. Tuy nhiên do quá lâu đời nên khi các nhà khảo cổ phát hiện ra, 2 cỗ xe ngựa bằng đồng này đã bị vỡ thành 3.000 mảnh. Phải mất tới nhiều năm trùng tu một cách kỹ lưỡng, tới tận năm 1989, hai cỗ xe này mới được đưa vào bảo tàng để trưng bày.

Phần thân chính của 2 cỗ xe đều được làm bằng đồng, có một số bộ phận được làm bằng vàng và bạc. Mỗi một bộ phận đều được đúc riêng biệt, sau đó lắp ghép từ nhiều bộ phận lại mà thành một tổng thể.Toàn thân ngựa có màu trắng, được tạo thành từ loại bột màu khoáng trộn với keo dính đậm đặc. Kích thước của cỗ xe ngựa nhỏ bằng một nửa so với xe thực tế. Điều đáng ngạc nhiên là 2 cỗ xe này được làm cực kỳ chi tiết, mô phỏng rất chân thực kiểu dáng xe của Tần Thủy Hoàng.

Hai cỗ xe được đặt trong quan tài với 2 kiểu dáng cụ thể. Một xe được dùng với cách di chuyển bằng cách đứng hoặc ngồi, xe còn lại được dùng khi người điều khiển ngồi thấp hơn và có mái che.

Hai cỗ xe có 2 bánh với 4 con ngựa được gắn vào phía trước.Phía bên trên có dựng một chiếc ô bằng đồng, ngay bên dưới ô là một bức tượng người ngồi. Trên xe có trang bị một chiếc nỏ, một chiếc khiên và những mũi tên bằng đồng. Theo các nhà khoa học thì đây cũng có thể gọi là xe chiến mã khi ra trận.

Chiếc xe còn lại có trục đơn và chạc đôi, 4 con ngựa được chia đều thành 2 chạc. Khoang xe phía sau được chia thành hai phần. Phía trước khá nhỏ chỉ ngồi được một người để điều khiển xe và một khoang khá lớn được dựng lên tựa một căn phòng nhỏ.Khoang phía sau được che chắn cẩn thận, thậm chí có cửa mở ra được ở phía trước, hai bên là hai cửa sổ có thể đẩy và kéo để mở đóng.

Lưỡi từ một ngọn mác, loại binh khí bộ binh phổ biến thời xưa tìm thấy trong khu lăng mộ.

Lưỡi từ một ngọn mác, loại binh khí bộ binh phổ biến thời xưa tìm thấy trong khu lăng mộ.

Phía trên khoang ngồi là một mái vòm hình ô văn được làm bằng đồng có khắc hoa văn rồng và phượng hoàng. Có thể thấy cấu trúc của cỗ xe ngựa bằng đồng thời Tần này rất phức tạp với các chi tiết rõ ràng, giống với thực tế.

Các bộ phận trên xe ở thời đó có thể nói là rất khó để chế tạo nhưng chúng đã được làm rất tinh xảo, chính xác và sống động như thật. Thậm chí các thiết bị trên xe, đồ trang trí trên thân ngựa cũng như các bức tượng ngồi trên xe đều thể hiện rõ những vị trí, mối quan hệ rõ ràng.

Ngoài ra, kỹ thuật sơn màu trên đồ đồng của hai chiếc xe đã cho thấy một sự đột phá của các nghệ nhân thời Tần so với thời nhà Chu và Xuân Thu. Điều này cũng chứng tỏ rằng công nghệ đúc luyện thủ công của thời đó rất phát triển.

Theo các chuyên gia, hai cỗ xe ngựa bằng đồng này đã được Chính phủ Trung Quốc công nhận là di tích quốc gia cấp 1. Hiện chúng đang được lưu giữ tại Bảo tàng lăng Tần Thủy Hoàng. Vào năm 2002, hai cỗ xe ngựa bằng đồng này đã được xếp vào danh sách những di vật văn hóa bị cấm xuất cảnh để tham gia vào các buổi triển lãm khác.

Quân khí vượt trội

Cùng với việc phát hiện ra đội quân đất nung hàng ngàn chiến binh thì các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy hơn 40.000 hiện vật được cho là công cụ, vũ khí trong chiến tranh được chôn cùng với lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Những binh khí này có “nguyên liệu” chế tác khác biệt so với các binh khí bằng đồng của các quốc gia lân cận. Cụ thể, chúng được thêm chất liệu là thiếc trong quá trình đúc luyện. Nhờ có sự pha trộn thích hợp các tỉ lệ đồng với thiếc, các mũi tên, mũi giáo, kiếm đồng của quân Tần có sự cứng cáp hơn hẳn so với quân đội các đối thủ.

Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ với những mũi tên được trang bị cùng trong đội quân đất nung thì chúng cũng khác biệt so với các nước khác trong thời Chiến Quốc. Mũi tên của quân Tần là hình tam giác nhưng được đúc 3 mặt trong khi mũi tên nói chung thời chiến quốc chỉ được đúc hình tam giác với hai mặt.

Điều này giúp tên bay chính xác hơn, sức sát thương cao hơn bởi chúng sẽ chống lại được phần nào lực cản của gió. Hơn nữa, các cạnh sắc của mũi tên cũng được gia công với độ cong hoàn hảo thậm chí có phần rất giống với độ cong của đầu những viên đạn hiện đại ngày nay.

Các phụ kiện đi kèm vũ khí như chuôi gắn mũi tên, giáo... cũng được làm cẩn thận và đồng nhất kích cỡ các loại để dễ dàng thay thế, hoán đổi cho nhau. Tức là nếu một mũi giáo bị hỏng, có thể tháo chuôi ra và lắp với một mũi giáo khác trong trường hợp mũi giáo đó đã mất hoặc hỏng chuôi. Điều này thực sự đã giúp quân đội nhà Tần tiết kiệm được rất nhiều và tạo điều kiện cho họ sản xuất được số lượng binh khí nhiều hơn.

Ngoài ra, binh khí nước Tần trở nên vượt trội trong cuộc chiến thống nhất Trung Hoa chính là nhờ một “mệnh lệnh” 4 chữ “Vật Lặc Công Minh” của Tần Thủy Hoàng áp dụng cho tất cả những ai tham gia vào quá trình sản xuất. Nghĩa là vật (ở đây là binh khí) phải được khắc tên người chịu trách nhiệm chế tạo ra nó. Từng mũi giáo, cung tên, áo giáp phải được ghi danh người chế tạo ra nó. Điều này được khẳng định trong bộ sách “Lã Thị Xuân Thu” của Thừa tướng nhà Tần là Lã Bất Vi.

Màu sắc tươi sáng, sống động được tìm thấy trên một tượng binh.

Màu sắc tươi sáng, sống động được tìm thấy trên một tượng binh.

Theo đó, Tần Thủy Hoàng yêu cầu tất cả binh khí sẽ dành một góc hoặc phần nhỏ khắc tên của người đã làm ra nó. Đây là cách để truy cứu trách nhiệm nếu các binh khí, đồ dùng quân đội bị phát hiện kém chất lượng, không đạt yêu cầu. Nếu một sản phẩm trở nên kém bền, dễ hỏng thì các cấp chỉ huy sẽ không khó để tra tên thợ thủ công trên chính sản phẩm đó.

Hình phạt cho việc này thường rất nặng, đa phần là phải chịu lưu đày hoặc chém đầu. Vì thế, mỗi người thợ rèn binh khí hay người kiểm tra sản phẩm đều phải vô cùng cẩn thận, thực sự toàn tâm toàn ý trong quá trình làm việc nếu không sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Điều này tuy hà khắc nhưng thực tế rất hữu dụng trong thời chiến, bởi nếu binh khí kém chất lượng thì người chết trên trường sẽ là binh sĩ mặc dù lỗi là ở người chế tạo trước đó. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến hàng ngàn người thợ thủ công thời Tần bị giết vì không làm tốt nhiệm vụ của mình.Chính nhờ quy chuẩn chung đồng nhất trong chế tạo cũng như các quy tắc thưởng phạt này những binh khí được tìm thấy ở khu vực các chiến binh đất nung có độ chính xác đáng kinh ngạc.

Sai số giữa các binh khí cùng loại chỉ rơi vào khoảng 0,2mm tới 0,8mm. Ở thời cổ đại chưa có các công cụ hay máy móc công nghiệp mà mọi thứ chỉ làm thủ công thì đó thực sự là một kỳ tích. Sau này, các triều đại tiếp theo của Trung Quốc cũng đã học tập và áp dụng để đảm bảo tinh thần trách nhiệm, sự hoàn thiện của các sản phẩm không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn trong các lĩnh vực khác.

Cho tới ngày nay, lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn được xem là một nơi cất giấu nhiều bí mật chưa có lời giải đáp trong lịch sử Trung Hoa. Và có lẽ chỉ tới khi công trình này được khám phá toàn bộ, hậu thế mới có được lời giải đáp chính xác cho những bí ẩn tưởng chừng như đã bị lịch sử vùi chôn vĩnh viễn ấy…Theo tính toán và ước tính của các nhà khảo cổ, dựa vào trình độ khoa học kĩ thuật của con người trong hiện tại, để khai quật một công trình có quy mô lớn như lăng mộ Tần Thủy Hoàng, ít nhất sẽ phải mất 400 năm.

Khoảng thời gian này cũng chỉ là ước tính dự trù, vì trong quá trình khai quật chắc chắn sẽ gặp những tình huống không lường trước được, điều đó sẽ khiến cho khoảng thời khai quật dự tính sẽ bị kéo dài ra.Và nếu như thật sự có thể khai quật thành công, cũng khó lòng có thể bảo đảm những cổ vật bên trong lăng mộ sau khi được đưa lên khỏi mặt đất sẽ không bị oxy hóa bởi kĩ thuật bảo quản hiện vật văn hóa khảo cổ hiện tại chưa thể xử lý tốt được vấn đề này.

Có thể nói, thất bại vì sự trường sinh nhưng cuối cùng, đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng với hơn 8.000 chiến binh, 600 con ngựa và 100 cỗ xe đã mang lại cho ông sự bất tử - Bất tử trong cái nhìn ngưỡng mộ của hậu thế; và bất tử trong những câu hỏi liên tục đặt ra trong đầu các nhà khoa học thời hiện đại.

Thiên Hy - Thanh Trà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-bi-an-chua-duoc-giai-ma-cua-lang-mo-tan-thuy-hoang-post440700.html