Những bí mật ít ai biết trong Nhà thờ Đức Bà Paris
Mỗi người thợ thiết kế cho mình một biểu tượng riêng, và khắc lên mỗi cột đá mà họ xây dựng. Các biểu tượng này nằm rải rác khắp nơi trong nhà thờ.
1. Chiếc bóng của “Thằng Gù ở nhà thờ Đức Bà”
Hình ảnh chiếc bóng "thằng gù ở nhà thờ Đức Bà" do du khách ghi lại.
Nhà thờ Đức Bà Paris được rất nhiều độc giả thế giới biết đến qua cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo – “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà”. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, các du khách đến thăm nhà thờ thực sự có thể nhìn thấy hình bóng của nhân vật Quasimodo huyền thoại.
Khi rời khỏi nhà thờ, nếu bạn liếc nhìn lên cao bên phía tay trái của cửa ra, bạn rất có thể sẽ bắt gặp chiếc bóng của một bức tượng thiên thần, mà khi ngả in lên phía trên của vòm cửa, rất giống với hình tượng chàng gù rung chuông nổi tiếng. Rất nhiều người tin rằng đây chính là thứ mà nhà văn Victor Hugo đã nhìn thấy và lấy cảm hứng để chắp bút viết lên cuốn tiểu thuyết kinh điển xuất bản năm 1831.
2. Biểu tượng thay cho hóa đơn
Mỗi người thợ đá được thuê trong quá trình xây dựng kéo dài hơn 200 năm của nhà thờ Đức Bà đều đã khắc lên đá một biểu tượng riêng biệt để “báo cáo” số lượng công việc đã hoàn thành và yêu cầu được trả lương. Mỗi người thợ thiết kế cho mình một biểu tượng riêng, và khắc lên mỗi cột đá mà họ xây dựng.
Các biểu tượng này nằm rải rác khắp nơi trong nhà thờ. Sau nhiều thế kỉ, chúng hầu hết đã mờ hoặc bị xóa đi,nhưngvẫn có rất nhiều các biểu tượng có thể được tìm thấy nếu các du khách để ý kĩ.
Biểu tượng được khắc trên một cột đá trong nhà thờ Đức Bà.
3. Dấu ấn của Kiến trúc sư trưởng
Nếu đến cả những người thợ góp công xây dựng lên nhà thờ Đức Bà cũng để lại dấu ấn riêng trên từng thước đá ở nơi đây, thì vị kiến trúc sư trưởng Eugène Viollet-le-Duc, người phụ trách cuộc trùng tu vĩ đại của thánh đường này ở thế kỉ 19, chắc chắn cũng phải để lại chữ kí của mình một cách ấn tượng nhất.
Ở chân của đỉnh tháp đã đổ sập dưới ngọn lửa vào rạng sáng ngày 16/4/2019 là 12 bức tượng màu xanh, khắc họa hình ảnh của 12 vị Thánh tông đồ của Chúa Giê-Su. Khi thực hiện cuộc trùng tu nhà thờ, Viollet-le-Duc đã thay thế bức tượng của Thánh Thomas – thánh bảo hộ cho ngành kiến trúc, bằng một bức tượng của… chính mình.
Rất dễ để nhận ra bức tượng của vị kiến trúc sư này, khi các vị thánh khác đều quay lưng lại với nhà thờ và nhìn ra ngoài, thì duy nhất bức tượng của ông quay lại nhìn lên tác phẩm kiến trúc vĩ đại – di sản lớn nhất trong sự nghiệp của ông.
Không khó để nhận ra bức tượng được thay thế.
12 bức tượng nằm dưới chân đỉnh tháp chót vót đã bị phá hủy.
Hình ảnh ngài Viollet-le-Duc chiêm ngưỡng kiệt tác của mình.
Rất may mắn, cả 12 bức tượng này đều đã được an toàn. Vài ngày trước khi hỏa hoạn xảy ra, chúng đã được hạ xuống để mang đi bảo dưỡng. Nếu không nhờ sự trùng hợp may mắn này, rất có thể các bức tượng đã bị phá hủy khi ngọn lửa hung dữ nuốt trọn đỉnh tháp của nhà thờ.