Những bộ phim Hàn khai thác vấn đề bạo lực học đường gây ám ảnh
Bạo lực học đường là một trong những đề tài mà các nhà làm phim xứ Hàn quan tâm và khai thác dưới nhiều góc độ.
Bộ phim gần đây nhất là The Glory (Vinh quang trong thù hận) đã khiến không ít khán giả Việt Nam đón chờ xem mùa 2 trên Netflix để chứng kiến hồi kết của một cuộc chiến "chống lại cái ác" trong học đường như thế nào.
Sau đây là một số bộ phim Hàn nói về bạo lực học đường dưới nhiều thể loại khác nhau.
The Glory (Vinh quang trong thù hận)
The Glory là bộ phim dựa theo những chuyện có thật về bạo lực học đường từng xảy ra ở các trường học và mức độ ảnh hưởng lâu dài của hiện trạng này.
The Glory có nội dung chính về hành trình trả thù của nhân vật chính Moon Dong Eun (do Song Hye Kyo thủ vai) với kẻ bắt nạt mình. Phim mô tả rất rõ việc bắt nạt có thể gây tổn thương thế nào và nếu nó đi quá xa, một số người không thể đơn giản quên đi và vượt qua được khi lớn lên. Ngược lại, những chấn thương tâm lý có thể khiến nạn nhân sống trong những ký ức ám ảnh và mong muốn trả thù.
Và nhân vật trong phim đã hành động như vậy. Moon Dong Eun mỗi ngày đến trường đều bị bạn bè hành hạ về thể xác lẫn tinh thần khiến cô phải nghỉ học và sống trong nỗi ám ảnh cùng nỗi uất ức không ai bảo vệ. Cuối cùng, cô đã lên một kế hoạch hoàn hảo để trả thù.
Bộ phim khác thác kỹ nội tâm các nhân vật, từ chính diện đến phản diện, cho thấy sự ám ảnh của bạo lực học đường gây ra như thế nào.
Sau cùng, toàn bộ nhân vật phản diện phải trả giá, người tốt nhận được sự hạnh phúc. Bộ phim là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người không được làm ngơ, im lặng trước tội ác.
The Glory đã gây sốt trên mạng xã hội và thu hút nhiều bình luận từ khán giả Việt trong suốt thời gian phát sóng. Vai diễn mới của Song Hye Kyo được nhận xét táo bạo và gai góc hơn so với trước đây.
Taxi Driver (Ẩn danh)
Taxi Driver là một trong số những bộ phim kinh dị tội phạm gây cấn. Hầu hết các vụ án mà bộ phim khai thác đều dựa trên câu chuyện có thật trong đời sống trong đó có cả vấn nạn bạo lực học đường.
Tập 3 của bộ phim kể về câu chuyện của một nạn nhân bạo lực học đường - một học sinh trung học. Cậu liên hệ với đội taxi Cầu Vồng để trả thù các bạn cùng lớp đã coi thường và bắt nạt mình vì xuất thân trong gia đình nghèo khó.
Bộ phim tái hiện nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực học đường, ám ảnh người bị hại đến suốt cuộc đời. Sau tất cả, toàn bộ những kẻ phản diện đều phải trả giá. Việc trở thành nạn nhân bị bắt nạt có thể hủy hoại tương lai một người theo hướng tồi tệ nhất và cách họ phản kháng lại cũng khiến người xem phải suy ngẫm.
Weak Hero Class 1 (Người hùng yếu đuối)
Được chuyển thể từ bộ webtoon cùng tên, Weak Hero Class 1 được dán nhãn 18+ do có các cảnh phim bạo lực. Nội dung phim xoay quanh nhân vật Yeon Si Eun (Park Ji Hoon), cậu học sinh giỏi, thông minh nhưng sống tách biệt. Sự khác biệt khiến Si Eun trở thành mục tiêu bắt nạt của những bạn học trong trường. Tuy yếu đuối về thể chất nhưng Si Eun biết vận dụng những kiến thức của mình khi tìm cách chống lại những người bạn xấu xa đó.
Nhân vật trong phim được xây dựng số phận bị bắt nạt, “vạch trần” những lý do dẫn đến bạo lực học đường, thậm chí có thể rất đơn giản và vớ vẩn. Tuy nhiên, Weak Hero Class 1 không sa đà vào bạo lực, những nhân vật trong phim được xây dựng với nhiều hình tượng nhưng đều chung số phận bị bắt nạt. Bộ phim vừa khai thác vấn đề bạo lực học đường nhưng mang tính giải trí, nhân văn, thu hút người xem.
Phim được Douban và My Drama List cho điểm xuất sắc.
Save Me (Lời cầu cứu)
Save Me kể về nhân vật Im Sang Mi (Seo Ye Ji thủ vai) - cô gái chịu tổn thương tinh thần vì từng chứng kiến anh trai nhảy lầu tự tử khi học cấp 3 vì bị bạn học tra tấn dã man cả về thể xác và tinh thần. Cảnh quay chân thật và loạt tình huống nặng tâm lý khiến Seo Ye Ji mắc bệnh trầm cảm trong thời gian ngắn vì không thể “thoát vai” sau khi phim đóng máy.
Seo Ye Ji nhớ lại khoảnh khắc ớn lạnh khi bị ác mộng hành hạ mỗi đêm trong suốt 4 tháng khi quay phim: “Tôi sợ hãi sau khi trải qua hàng ngày một mình. Tôi thực sự đã trở thành Sang Mi (trong quá trình quay phim). Ngay sau đó, tôi cảm thấy có lỗi với bản thân mình. Tôi tức giận đến mức tôi thường khóc không ngừng”.
Lời cầu cứu đạt được hiệu ứng truyền thông tốt, nhận nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình.
Green Mothers' Club (Hội những bà mẹ xanh)
Khác với những bộ phim bạo lực học đường theo cách thông thường, Green Mothers' Club khai thác nạn bạo hành tinh thần của các em học sinh bởi chính các bậc phụ huynh. Các bà mẹ luôn muốn con cái đạt thành tích cao ngay khi mới tiểu học. Những đứa trẻ phải tìm cách sinh tồn, bất kể việc hãm hại những bạn học.
Class of Lies
Class of Lies tập trung vào nhóm học sinh ưu tú nhất trong trường, nắm trong tay quyền lực tối thượng. Nhân vật chính Gi Moo Hyeok (do Yoon Kyun Sang thủ vai) trà trộn vào trường trung học Chunmyung với mục đích điều tra lại vụ án giết người ở trường này. Càng tìm hiểu, anh càng phát hiện ra những bí mật bị cả trường tìm mọi cách chôn vùi.
Penthouse (Cuộc chiến thượng lưu)
Qua lăng kính của Penthouse (Cuộc chiến thượng lưu), người xem ngỡ ngàng trước những chiêu trò bắt nạt khi lột tả trần trụi và lên án gay gắt thực trạng đáng báo động này của hội con nhà giàu, ngụy tạo một lớp mặt nạ hoàn hảo với cuộc sống tráng lệ nhưng tâm hồn thối rữa. Mọi mâu thuẫn của phim bắt đầu từ trường học, hội “trâm anh thế phiệt” bắt nạt đối tượng yếu thế về cả thể xác và tinh thần, đáng nói họ cười hả hê và tỏ ra tự hào về hành động cực đoan đó.
Áp lực điểm số, gia đình đã khiến những đứa trẻ “sinh ra ở vạch đích” bị méo mó nhân cách dẫn đến hành vi không thể chấp nhận, không chỉ dừng lại ở những cái tát, cú đấm mà còn đe dọa cả tính mạng người yếu thế. Tuy bị gọi là “bộ phim điên rồ nhất màn ảnh Hàn Quốc” song Penthouse có một bước đệm để các nạn nhân dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi bạo lực học đường.