Những bộn bề thách thức tân Thủ tướng Iraq

Với thế mạnh của một nhà báo kỳ cựu và một cựu Giám đốc Cơ quan tình báo, nhiều người hy vọng tân Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi có thể vượt qua được vết xe đổ của những người tiền nhiệm.

Với thế mạnh của một nhà báo kỳ cựu và một cựu Giám đốc Cơ quan tình báo, nhiều người hy vọng tân Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi có thể vượt qua được vết xe đổ của những người tiền nhiệm.

Ông Mustafa Al-Kadhimi đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng trước Quốc hội Iraq hôm 7-5. Đây được xem là bước ngoặt trên chính trường Iraq, kết thúc sự bế tắc chính trị kéo dài hơn 5 tháng qua.

Tân Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi phát biểu tại trụ sở Quốc hội ở Baghdad hôm 7-5. Ảnh: Reuters

Tân Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi phát biểu tại trụ sở Quốc hội ở Baghdad hôm 7-5. Ảnh: Reuters

Từ nhà báo đến chính trị gia

Tân Thủ tướng Iraq tên thật là Mustafa Abdellatif Mshatat. Ông sinh năm 1967 tại thủ đô Baghdad. Ông rời Iraq vào năm 1985 để đến Iran, trước khi chuyển đến Đức và Anh, và trở thành công dân của nước này.

Ông có bằng cử nhân luật và được biết đến nhiều hơn với công việc là một nhà báo, với bút danh Al-Kadhimi. Ông nổi tiếng với việc lên tiếng chống lại sự cai trị của nhà lãnh đạo quá cố Saddam Hussein. Sau khi Mỹ xâm chiếm Iraq năm 2003, ông Al-Kadhimi trở về Iraq và đồng sáng lập Mạng truyền thông Iraq, hoạt động song song với công việc là giám đốc điều hành của Tổ chức Ký ức Iraq, một tổ chức được thành lập với mục đích ghi lại các tội ác dưới thời Hussein. Al-Kadhimi cũng từng là tổng biên tập của tạp chí Newsweek của Iraq trong 3 năm kể từ năm 2010. Ông cũng là một bình luận viên cũng như biên tập viên của Chuyên mục Iraq của trang mạng Al-Monitor có trụ sở tại Mỹ.

Tháng 6-2016, ông đảm nhận vai trò giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Iraq, trong bối cảnh Baghdad tăng cường các trận chiến chống IS. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã liên kết với hàng chục quốc gia và nhiều cơ quan hoạt động trong liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu. Trong chuyến thăm hiếm hoi tới thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào năm 2017, cùng với cựu Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, al-Kadhimi được nhìn thấy ôm thắm thiết Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MBS). Al-Kadhimi được các cộng sự và chính trị gia xem là người có tâm lý thực dụng, muốn vun đắp mối quan hệ với tất cả các bên liên quan đến nền chính trị Iraq: xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ và cải thiện quan hệ với nước láng giềng Iran.

Quá nhiều khó khăn

Ông Al-Kadhimi nhậm chức Thủ tướng trong bối cảnh chính trường Iraq bế tắc vẫn hoàn bế tắc sau khi hai vị Thủ tướng được chỉ định của nước này đều đã thất bại trong việc điều hành chính phủ thời gian qua. Iraq vốn đã chìm trong bế tắc chính trị, đặc biệt rơi vào khủng hoảng từ tháng 12-2019, khi các cuộc biểu tình rầm rộ buộc Thủ tướng khi đó là ông Adil Abdul-Mahdi phải từ chức chỉ sau một năm tại vị. Kể từ đó, các đảng phái liên tục tranh cãi và chia rẽ để tìm ra nhân vật thay thế và lập ra một nội các mới.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình với tư cách Thủ tướng hôm 9-5, ông Al-Kadhimi đã cam kết chính phủ của ông sẽ trả tự do cho tất cả những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình trên đường phố xảy ra ở nước này cách đây vài tháng, ngoại trừ những trường hợp dính líu tới các vụ gây chết người. Ngoài ra, tân Thủ tướng Iraq cũng khẳng định sẽ kiểm soát các nhóm vũ trang tại nước này, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, đề cao vấn đề chủ quyền quốc gia cũng như cho phép người dân biểu tình bày tỏ chứng kiến. Theo ông Al-Kadhimi, chính phủ mới sẽ sớm có câu trả lời cho các cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị mà quốc gia này đang phải đối mặt.

Về vấn đề bầu cử, ông Al-Kadhimi nhấn mạnh một trong những ưu tiên của chính phủ là đảm bảo các điều kiện an toàn để tiến hành các cuộc bầu cử công bằng và minh bạch. Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị người Iraq Hisham Al-Hashimi, đây là nhiệm vụ khó nhằn. Chiến tranh, khủng bố triền miên trong nhiều năm qua đã phá hủy nền kinh tế Iraq. Người dân mất niềm tin vào các chính phủ tiền nhiệm vì phải chịu ảnh hưởng quá lớn từ bên ngoài, nạn tham nhũng, tình trạng thất nghiệp luôn cao. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay cũng khiến cường quốc dầu mỏ này đang phải chịu “một phen lao đao”. Cộng với những tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho tỷ lệ người dân Iraq rơi vào mức nghèo tiếp tục gia tăng. Theo Bộ Kế hoạch của Iraq, hiện khoảng 20% dân số nước này đang sống trong nghèo đói và dự kiến sẽ tăng lên gần 30% trong năm nay.

Về mặt đối ngoại, Iraq nhiều năm qua đã chịu sự tranh giành ảnh hưởng từ Mỹ và Iran – 2 đối thủ kình địch của nhau. Dù tân Thủ tướng Iraq đang được cả 2 quốc gia này hoan nghênh và tuyên bố ủng hộ, nhưng chắc chắn để hài hòa mối quan hệ với cả Mỹ và Iran không phải là câu chuyện đơn giản.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_224619_nhung-bon-be-thach-thuc-tan-thu-tuong-iraq.aspx