Những 'bữa ăn' giúp Tập đoàn Thuận An có dự án trăm tỷ
Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ra Kết luận điều tra vụ sai phạm tại Tập đoàn Thuận An. Trong đó, bị can Nguyễn Duy Hưng - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, bị đề nghị truy tố tội 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng'; Phạm Thái Hà - cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Trợ lý Chủ tịch Quốc hội - tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi'.
"Lót tay" tiền tỷ để trúng thầu
Theo kết luận, một trong những dự án 2 bị can Phạm Thái Hà và Nguyễn Duy Hưng có liên quan là cầu Vĩnh Tuy 2 (Hà Nội). Tập đoàn Thuận An cùng Công ty Cầu 7 Thăng Long liên danh và trúng thầu dự án này với giá trị hơn 289 tỷ đồng.
Theo đó, đầu năm 2020, bị can Nguyễn Duy Hưng nhờ ông Phạm Thái Hà - lúc đó giữ chức Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội - giới thiệu tới Phạm Hoàng Tuấn - Giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội (Ban QLDA) nhằm để Tập đoàn Thuận An được thi công một phần dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Sau một vài lần trao đổi, ông Tuấn trả lời ông Hưng: "Sẽ nghiên cứu".
Cũng theo kết luận, thời gian sau, tại một buổi ăn sáng ở nhà cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội, bị can Tuấn báo cáo tình hình triển khai các gói thầu giao thông, gồm dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Khi đó, Phạm Hoàng Tuấn gặp Nguyễn Duy Hưng nên hiểu Chủ tịch Tập đoàn Thuận An là người có mối quan hệ thân thiết với cựu Bí thư Thành ủy và Phạm Thái Hà. Vài hôm sau, Nguyễn Duy Hưng đến phòng làm việc của Phạm Hoàng Tuấn, đề nghị giúp Tập đoàn Thuận An được tham gia thi công cầu Vĩnh Tuy 2. Lần này, Tuấn đồng ý và chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp của ông Hưng.

Bị can Phạm Thái Hà

Bị can Nguyễn Duy Hưng
Cùng thời gian, Trần Việt Khoa - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Cầu 7 Thăng Long, biết có gói thầu cầu Vĩnh Tuy 2 nên cũng đặt vấn đề muốn tham gia thi công. Qua giới thiệu của nhân viên Ban QLDA, các doanh nghiệp Cầu 7 Thăng Long và Thuận An tiến hành lập liên danh để đấu thầu, dù cả hai bên đều không đủ điều kiện thi công. Đến cuối tháng 11/2020, trước ngày nộp hồ sơ dự thầu, các bị can tại Ban QLDA kiểm tra hồ sơ của Liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty Cầu 7 Thăng Long để thông báo lại cho doanh nghiệp chỉnh sửa trước khi nộp, đảm bảo việc trúng thầu. Do được giúp đỡ, liên danh của Thuận An trúng thầu và thi công; cầu Vĩnh Tuy 2 được đưa vào sử dụng từ năm 2023. Quá trình đấu thầu cùng thi công, Tập đoàn Thuận An và Công ty Cầu 7 Thăng chi cho 13 cá nhân tại Ban QLDA Hà Nội, đơn vị tư vấn thầu, Tổ tư vấn giám sát với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, Phạm Hoàng Tuấn - nguyên Giám đốc Ban QLDA nhận 2 tỷ đồng; Nguyễn Chí Cường - Phó Giám đốc Ban QLDA 2 tỷ đồng; Phạm Văn Duân - Giám đốc Ban QLDA nhận tổng cộng 2,32 tỷ đồng.
Đến nay, các cá nhân này đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra. Theo cáo buộc, các đối tượng Tuấn, Cường, Duân là một trong những người bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", với vai trò đồng phạm. Hành vi phạm tội đều xuất phát từ sự tác động, chỉ đạo của cấp trên về việc tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An được tham gia đấu thầu, thi công dự án.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (làn bên phải) trước ngày thông xe
Trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong 27 người còn lại bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", có Nguyễn Duy Hưng - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An; Trần Quang Anh - cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An; Nguyễn Khắc Mẫn - cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An.
Hợp đồng trên... mâm cơm
Theo kết luận điều tra, bị can Phạm Thái Hà có mối quan hệ thân thiết với Nguyễn Duy Hưng từ khoảng năm 2013. Đến đầu tháng 11/2021, khi biết tỉnh Bắc Giang đang triển khai dự án cầu Đồng Việt, bị can Hưng đề nghị và được bị can Hà đồng ý giới thiệu, tác động đến Bí thư Dương Văn Thái. Từ đó, tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An tham gia thi công dự án.
Cuối tháng 12/2021, trong một bữa cơm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang, bị can Phạm Thái Hà đã giới thiệu Nguyễn Duy Hưng với bị can Dương Văn Thái. Tại đây, bị can Hà nói rằng "Tập đoàn Thuận An là đơn vị có năng lực, nhờ các anh quan tâm, xem xét cho doanh nghiệp này tham gia dự án cầu Đồng Việt". Cựu Bí thư Dương Văn Thái đáp lại là "sẽ quan tâm". Việc giới thiệu, tác động của bị can Hà đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An trúng thầu. Đây là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc các cá nhân tại Ban QLDA Bắc Giang cùng đơn vị thiết kế và Tập đoàn Thuận An thông đồng, móc ngoặc giúp Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu số 7.

Cầu Đồng Việt
Sau khi Tập đoàn Thuận An trúng thầu, bị can Hưng đến nhà bị can Hà đưa 500 triệu đồng cảm ơn. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, Hưng nhiều lần biếu bị can Hà thêm tổng 250 triệu đồng (hiện, bị can Hà đã tự nguyện nộp khắc phục toàn bộ số tiền hưởng lợi).
Về phía lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, bị can Dương Văn Thái đã tiếp nhận sự giới thiệu, tác động của bị can Phạm Thái Hà về việc tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An được tham gia đấu thầu, thi công dự án cầu Đồng Việt. Đồng thời, bị can Hưng cũng nhiều lần gặp gỡ, đề nghị cho doanh nghiệp mình được làm dự án. Từ đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái đã tác động, chỉ đạo Nguyễn Văn Thạo - Giám đốc Ban QLDA Bắc Giang để cho Tập đoàn Thuận An trúng gói thầu số 7. Sau khi trúng thầu, bị can Thái được Nguyễn Duy Hưng cảm ơn 900 triệu đồng. Hành vi của cựu Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước 96,8 tỷ đồng và hưởng lợi 900 triệu đồng.
Cơ quan điều tra cho rằng, bị can Dương Văn Thái thành khẩn khai báo về toàn bộ hành vi sai phạm, có đơn tố cáo hành vi sai phạm của cá nhân liên quan, giúp Cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và đã nộp tổng số 8 tỷ đồng, bao gồm 900 triệu đồng bị can nhận từ Nguyễn Duy Hưng và 7,1 tỷ đồng bị can tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả, thiệt hại chung của vụ án. Nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm của bị can Dương Văn Thái là do chịu sự tác động, can thiệp từ Phạm Thái Hà. Đồng thời, ghi nhận cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đã chủ động, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại; có nhiều lượt đơn của 38 cá nhân, tổ chức xác nhận thành tích và xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, bị can thực hiện hành vi sai phạm với mục đích thu hút vốn đầu tư, vì sự phát triển của địa phương; tuy có nhận quà, tiền nhưng không yêu cầu, không thỏa thuận và đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền hưởng lợi; hậu quả, thiệt hại của dự án cầu Đồng Việt đã được khắc phục hoàn toàn.
Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực TPHCM (gọi tắt Ban chỉ đạo) tổ chức phiên họp thứ 9 dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban chỉ đạo. Tại phiên họp, Ban chỉ đạo thống nhất đánh giá năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025, Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị TPHCM đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thành quả, dấu hiệu tích cực. Trong đó, các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, tập trung đấu tranh làm rõ nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng. Đồng thời, chủ động, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thực hiện tốt công tác xét xử nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng chưa có tiền lệ như vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương, tạo sự đồng thuận, đồng tình cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ban chỉ đạo yêu cầu bám sát nghị quyết của Thành ủy TPHCM về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân vận năm 2025 để triển khai nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là tăng cường đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gắn với công tác cán bộ, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, dự án điển hình về thất thoát, lãng phí để răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo. Song song đó là thanh tra chuyên đề về phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước quản lý.