Những bức ảnh trở thành lịch sử
Trong không khí cả nước náo nức chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ngày tháng Tư lịch sử năm nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đón những vị khách đặc biệt và 'kho' tư liệu ảnh vô giá. Đó là 2 nhà báo chiến trường - Trần Mai Hưởng và Đinh Quang Thành - những người đã theo đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn, ghi lại nhiều khoảnh khắc đặc biệt và nhiều trận đánh lớn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong đó có thời khắc những chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập nửa thế kỷ trước.
Lật giở từng bức ảnh, nhà báo Đinh Quang Thành cho biết, 50 năm trước, ông vinh dự và may mắn được theo Quân đoàn 2 - một trong 5 cánh quân chủ lực đánh vào Sài Gòn và đã kịp ghi lại rất nhiều khoảnh khắc đặc biệt, những trận đánh lớn, khốc liệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn theo đường Quốc lộ 15 (nay là Quốc lộ 51).
Từ 17h - 18h ngày 26/4, pháo của Quân đoàn 2 bắn cấp tập vào căn cứ Nước Trong - trường đào tạo sĩ quan của địch. Sau đó, xe tăng tấn công vào căn cứ. Ông chạy theo xe và chụp. Về bức ảnh này, nhà báo Đinh Quang Thành cho rằng, đây có thể là chiếc xe tăng đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn. Bởi lẽ, thời điểm ấy, Quân đoàn 2 cách khá xa các cánh quân khác và đã xin lệnh tấn công sớm. Sau xe tăng mới đến lực lượng bộ binh.

Nhà báo Trần Mai Hưởng trao tặng ảnh tư liệu cho Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Nhớ lại những ngày tháng Tư lịch sử nửa thế kỷ trước, nhà báo Đinh Quang Thành kể rằng, ở các quân đoàn khác, nhiều trận đánh khác, quân ta đánh xong một trận lại trở về nơi đóng quân để ngày hôm sau đánh tiếp. Tuy nhiên, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, khi theo đoàn quân từ Huế, Đà Nẵng, qua nhiều tỉnh, thành khác, ông nhận thấy, đoàn quân chỉ tiến về phía trước. Đánh xong mục tiêu là đi.
“Bộ đội đi đến đâu, chúng tôi chạy theo đến đấy, chụp ảnh và cũng chạy theo luôn vì tôi cũng không biết đi đâu… Đêm cuối cùng trước khi vào Sài Gòn, chúng tôi chôn đồng đội. Ngày ấy, chúng tôi được phổ biến là nếu có đồng chí hy sinh thì chỉ vùi lấp rồi đặt cành cây bên trên. Ngày hôm sau sẽ có đơn vị khác đi đưa các đồng chí đã hy sinh về nơi chôn cất”, nhà báo Đinh Quang Thành nói.
Nhà báo kỳ cựu của chiến trường năm nào cũng bảo rằng, ông chỉ đưa một chi tiết ấy thôi để chúng tôi hình dung được phần nào tính chất khốc liệt của chiến trường, nhất là ở những trận đánh lớn như tại căn cứ Nước Trong.
Trong số rất nhiều bức ảnh tư liệu gắn liền với Chiến dịch Hồ Chí Minh, với ngày 30/4 lịch sử của nhà báo Đinh Quang Thành, có rất nhiều bức ảnh rất đặc biệt, trong đó có những người lính Trung đoàn đặc công 116. Đây là Trung đoàn có nhiệm vụ đánh, giữ 2 chiếc cầu trên sông Sài Gòn, Đồng Nai từ nhiều ngày trước, đảm bảo quân chủ lực đi qua thuận lợi. Những người lính này mình trần, dầm trong nước bất kể ngày đêm, núp dưới những đám bèo, chỉ hở mũi để thở. Hai chiếc cầu mà họ trấn giữ đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Theo ông Thành được biết, đã có 58 đồng chí hy sinh khi giữ hai cây cầu nói trên.
Đường vào Sài Gòn, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa ngổn ngang chướng ngại vật. Khi ông Thành theo đoàn quân vào đến ngã tư Hàng Xanh, rẽ trái vào Thị Nghè, chỉ huy đã cấm không ai được xuống xe, dù bất cứ dừng đỗ ở đâu. Tuy nhiên, ông vẫn nhảy xuống đường để chụp ảnh. “Tôi là phóng viên ảnh, không xuống thì không chụp được. Cả đoàn quân chỉ có mình tôi nhảy xuống đường. Người dân túm vào cổ áo, cho quà, cho kẹo, thuốc lá… Từ Thị Nghè, chúng tôi đi vào đường dẫn đến dinh Độc lập, nay gọi là đường Lê Duẩn, địa điểm diễn ra lễ diễu binh, diễu hành hiện nay. Lúc xe tăng xông vào, tôi chụp 1 trong 2 chiếc xe tăng đầu tiên vào Dinh Độc lập là xe tăng 390…”.
Sau khi tham gia buổi họp báo tại Dinh, ông Thành cùng đồng nghiệp tiến về khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất. Thời điểm đấy, quân ta đã gần chiếm được trung tâm chỉ huy, lửa khói sân bay vẫn rực trời. Đường bay bị cày nát. Có những chiếc máy bay gài đầy bom trên cánh. Ông đã kịp ghi lại rất nhiều hình ảnh tại đây và đã có những tác phẩm được giải cao nhất của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Trong những tác phẩm nhà báo Đinh Quang Thành đang lưu giữ còn có một bức ảnh rất đặc biệt khác với chính ông và những người lính Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Bức ảnh chụp đoàn quân tại một khu rừng cao su, ngay trước khi đoàn quân tiến về Sài Gòn, trong đó có Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ. Mãi đến 10 năm trước, cũng đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong một cuộc gặp mặt, ông Thành tình cờ được nghe ông Thệ - khi ấy đã là Trung tướng Phạm Xuân Thệ - kể lại rằng, thời điểm tiến về Sài Gòn, Trung đoàn 66 chỉ được phát một bản đồ Sài Gòn nhỏ, in đen trắng, nhìn không rõ. Lính giải phóng là người miền Bắc vào, trước khi tiến về Sài Gòn, họ chỉ ở trong rừng núi. Nếu không có bản đồ sẽ rất khó tìm đường. Đúng thời điểm ấy, Trung đoàn được một phóng viên tặng tấm bàn đồ lớn nên đã thuận lợi hơn rất nhiều. Người phóng viên ấy chính là nhà báo Đinh Quang Thành.
Ông cho biết, sau khi theo đoàn quân giải phóng vào Phan Rang, ông lên Đà Lạt. Thời điểm đó, Đà Lạt đã giải phóng. Nghe mọi người nói, nếu muốn vào Sài Gòn, ông phải trở lại Phan Rang. Khi quay trở về, ông cùng đồng nghiệp đi qua Nha Địa dư của chính quyền Sài Gòn. Trong lúc hai đồng chí đi cùng hỏi chuyện những người tiếp quản Nha Địa dư, ông quan sát thấy chồng bản in nên tiến lại gần, phát hiện bản đồ Sài Gòn in thành 4 mảnh, mỗi mảnh to bằng mặt bàn. Ông lấy 8 miếng, tức là 2 cái bản đồ để khi vào Sài Gòn sẽ mở ra xem để biết nơi nào mình cần đi. Khi gặp Trung đoàn 66, thấy họ chuẩn bị đánh vào Sài Gòn mà chỉ có bản đồ bé, in đen trắng nên ông lấy một tấm bản đồ của mình, tặng lãnh đạo đơn vị.

Bức ảnh Thanh niên Sài Gòn chạy theo xe tăng của Quân giải phóng tiến đánh Dinh Độc lập, Sài Gòn, năm 1975 do nhà báo Đinh Quang Thành chụp.
Đồng hành cùng nhà báo Đinh Quang Thành trong Chiến dịch Hồ Chí Minh còn có nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã. Theo nhà báo Trần Mai Hưởng, năm 1975, Thông tấn xã có tổ phóng viên mũi nhọn, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Tổ có 5 phóng viên thì có đến 4 phóng viên ảnh tài năng. Ông Hưởng là phóng viên chuyên viết, có chụp ảnh nhưng không chụp nhiều như các đồng nghiệp.
Về ảnh, ngoài nhà báo Đinh Quang Thành còn có nhà báo Lâm Hồng Long - tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Nhà báo Hứa Kiểm cũng là một phóng viên thông tấn quân sự, nhà báo chiến trường nổi tiếng. Năm 1975, ông Hưởng mới 23 tuổi, cùng chung một tổ với nhà báo Đinh Quang Thành, theo đoàn quân giải phóng đi vào Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Xuân Lộc, sau đó đến căn cứ Nước Trong.
Nhà báo Đinh Quang Thành đã chụp rất nhiều bức ảnh về trận đánh lớn này. Khi theo mũi đánh thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào trung tâm Sài Gòn, các ông đã có nhiều bức ảnh ghi lại thời khắc này, trong đó có hình ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc lập, nhân dân đón đoàn quân giải phóng. Khi theo đoàn quân, có thời điểm xe đi mượn tạm bị hỏng, hai ông phải thay phiên nhau ngồi xe bò. Đến nay, đây vẫn là một trong những bức ảnh thú vị của người làm báo chiến trường đối với thế hệ hôm nay.
Ông Hưởng cũng là người cùng nhà báo Đinh Quang Thành vội vã tìm đường đến Cà Mau ngay sau khi Sài Gòn giải phóng với mục đích chụp được chiếc tàu chở địch cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Những bức ảnh đặc biệt này đã được hai ông trao lại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đúng dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bức ảnh Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 do nhà báo Trần Mai Hưởng chụp.
Nhà báo Trần Mai Hưởng cũng cho biết, trong chiến tranh, Thông tấn xã có cả ngàn phóng viên ra chiến trường. Trên tất cả các mặt trận, chiến trường lớn đều có người của Thông tấn xã. Trên 260 phóng của Thông tấn xã đã hy sinh trên các chiến trường, kể cả kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những bức ảnh hết sức chân thực, có giá trị lịch sử vô giá, sống mãi với thời gian là những đóng góp vô giá của đội ngũ phóng viên Thông tấn xã nói riêng, nhà báo cách mạng nói chung trong kháng chiến.
Nhà báo Trần Mai Hưởng cũng xúc động bày tỏ rằng, ông rất vui khi được gửi gắm những tác phẩm quý giá vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và hy vọng, thông qua cơ quan lưu trữ quốc gia, những tác phẩm của ông và các đồng nghiệp được bảo quản tốt hơn, lan tỏa đến với người xem, người đọc nhiều hơn nữa.
Về vấn đề này, TS Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cũng cho biết, các bức ảnh của những nhà báo chiến trường kỳ cựu là những tư liệu vô cùng quý giá. Việc trao tặng các tác phẩm ảnh nói trên là hoạt động hết sức ý nghĩa, góp phần làm phong phú hơn các góc nhìn về cuộc kháng chiến qua tài liệu, tư liệu lưu trữ.
Theo TS Trần Việt Hoa, hiện nay Trung tâm đang bảo quản 13km giá tài liệu (giấy), trong đó có tư liệu về các sự kiện trọng đại của đất nước từ 1945 đến nay, bao gồm cả Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những bức ảnh tư liệu về các sự kiện này từ các nhà báo chiến trường sẽ góp phần làm sáng rõ hơn nhiều sự kiện, nhiều chi tiết, đặc biệt là những chi tiết còn bị coi là điểm mờ của lịch sử. Bên cạnh hoạt động bảo quản, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm phát huy có hiệu quả giá trị của các khối tài liệu lưu trữ, trong đó có các tài liệu ảnh mà các nhà báo đã tin tưởng trao tặng, để góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/nhung-buc-anh-tro-thanh-lich-su-i767154/