Những bức ảnh và tác phẩm múa đi cùng năm tháng của TPHCM

Cùng với chiều dài phát triển của văn hóa TPHCM, 3 lĩnh vực: Nhiếp ảnh, múa và văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số có những thành tựu đáng kể, tạo đời sống tinh thần phong phú cho người dân thành phố.

Những bức ảnh lay động triệu trái tim

Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, 5 tác phẩm được tôn vinh trong danh sách 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu TPHCM đều được đánh giá xứng đáng, đạt cả về chất lượng lẫn hiệu ứng lan tỏa.

Ông Đoàn Hoài Trung - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM nhận định trong 5 tác phẩm dù là ảnh đơn, ảnh bộ hay sách ảnh đều là những khoảnh khắc gắn liền với cuộc sống của người dân.

Ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt" của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long.

Ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt" của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long.

Trong đó, bức Mẹ con ngày gặp mặt của tác giả Lâm Hồng Long ghi lại khoảnh khắc đặc biệt của người tử tù trở về từ Côn Đảo gặp được người mẹ, gây xúc động cho người xem.

Sách Ảnh thời chiến của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài với hơn 500 bức ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đáng giá trong thời khói lửa chiến tranh, được xuất bản năm 2000.

Ảnh Bí thư Võ Văn Kiệt trao cờ xuất quân cho tuổi trẻ TPHCM cũng lọt vào danh sách tác phẩm nhiếp ảnh được tôn vinh.

Khoảnh khắc nghệ sĩ biểu diễn ở bệnh viện dã chiến của tác giả Nguyễn Á.

Khoảnh khắc nghệ sĩ biểu diễn ở bệnh viện dã chiến của tác giả Nguyễn Á.

Tác giả Nguyễn Á với sách ảnh Sài Gòn ngoan cường với chủ đề tôn vinh những người bác sĩ thầm lặng, cống hiến hết mình trong trận chiến chống đại dịch Covid-19.

Sách ảnh Vượt qua bóng tối được thực hiện trong gần 2 năm, ghi lại hơn 100 khoảnh khắc tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM.

Tác phẩm múa đi cùng năm tháng

Vở múa "Mâm vàng Cửu Long" được ra đời từ năm 1977.

Vở múa "Mâm vàng Cửu Long" được ra đời từ năm 1977.

lĩnh vực múa, nhiều vở có thâm niên hàng chục năm, nổi tiếng với khán giả. Vở múa Mâm vàng Cửu Long (NSND Thái Ly) là loại hình diễn xướng dân gian của vùng đất Nam Bộ, được hình thành và phát triển từ nghệ thuật múa bóng rỗi.

Chuyện tình non sông (NSND Vũ Việt Cường, NSND Trần Kim Quy) ca ngợi truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Huyền thoại Rừng Sác (kịch bản, biên đạo Huỳnh Quang Trí, âm nhạc Đức Trịnh) về đề tài cách mạng, gợi tinh thần yêu nước, dũng cảm của quân và dân ta.

Ngoài ra, 2 tác phẩm khác là Trắng đen (Ánh sáng và bóng tối) (kịch bản, biên đạo NSND Tô Nguyệt Nga, âm nhạc Ca Lê Thuần) và Mùa sen nở (NSND Hoàng Phi Long) được gọi tên.

Hội quán người Hoa - công trình kiến trúc - văn hóa đặc sắc ở TPHCM.

Hội quán người Hoa - công trình kiến trúc - văn hóa đặc sắc ở TPHCM.

Ở lĩnh vực văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số gồm: Học tập tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đoàn kết dân tộc (chủ biên TS Trần Thanh Pôn); Người Chăm với Bác Hồ (chủ biên TS Phú Văn Hẳn); Tác phẩm thư pháp Nhật ký trong tù (chủ biên nghệ nhân thư pháp Trần Xuyên); Tuyển tập thư pháp Thực hiện di chúc Bác Hồ 1969 - 2019 (chủ biên Trương Lộ - dân tộc Hoa) và Nét đẹp văn hóa cộng đồng của Hội quán người Hoa tại TPHCM (Lưu Kim Hoa).

"Hội đồng nghệ thuật nhận định các tác phẩm văn học nghệ thuật là kho tàng quý báu, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong từng lĩnh vực văn hóa của thành phố.

Quá trình bình chọn trải qua những giai đoạn xét duyệt kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, dựa vào ý kiến nhân dân để tìm ra tác phẩm xứng đáng”, NSND Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cho hay.

Ảnh: Tư liệu

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-buc-anh-va-tac-pham-mua-di-cung-nam-thang-cua-tphcm-2399016.html