Những bức ảnh vệ tinh ngoạn mục về vụ phun trào núi lửa dưới đáy biển

Núi lửa Kavachi, một ngọn núi lửa ngầm đang hoạt động ở quần đảo Solomon, từ lâu đã là nơi cư trú của cá mập. Tuy nhiên, sân chơi yên bình một thời của cá mập ở Tây Nam Thái Bình Dương gần đây đã trở nên kém thanh thản hơn một chút vì có núi lửa hoạt động.

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh đã tiết lộ hoạt động của núi lửa dưới đáy biển tây nam Thái Bình Dương.

Những bức ảnh chụp từ vệ tinh đã tiết lộ hoạt động của núi lửa dưới đáy biển tây nam Thái Bình Dương.

Trong những tháng gần đây, các hình ảnh vệ tinh của NASA đã phát hiện ra những vệt nước đổi màu dưới đáy biển - dấu hiệu cho thấy hoạt động của núi lửa, gợi ý về nhiều vụ phun trào. Theo Chương trình Núi lửa Toàn cầu Smithsonian , các hình ảnh được chụp bởi máy ảnh OLI-2 trên vệ tinh Landsat-9 .

Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy những thay đổi về màu nước biển vào tháng 4 và tháng 5, và núi lửa có thể bắt đầu phun trào vào đầu tháng 10 năm ngoái, theo một tuyên bố của Đài quan sát Trái đất của NASA .

Trước đó, các vụ phun trào lớn gần đây nhất diễn ra vào năm 2014 và 2007. Các ghi chép chỉ ra rằng vụ phun trào được ghi nhận đầu tiên của Kavachi xảy ra vào năm 1939, với các vụ nổ tiếp theo tạo ra các hòn đảo phù du.

Nghiên cứu trước do Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ thực hiện cho thấy các chùm nước ấm, có tính axit của núi lửa thường chứa các vật chất dạng hạt, các mảnh đá núi lửa và lưu huỳnh, sau đó thu hút các cộng đồng vi sinh vật phát triển mạnh nhờ lưu huỳnh .

Trong chuyến thám hiểm nghiên cứu năm 2015 tới Kavachi, các nhà khoa học đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng miệng núi lửa cũng là nơi sinh sống của hai loại cá mập - cá mập đầu búa và cá mập mượt - bất chấp lịch sử đầy biến động của khu vực này. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là “sharkcano” ( núi lửa cá mập), có nghĩa là sự hiện diện của cá mập trong miệng núi lửa.

Đỉnh núi Kavachi nằm dưới mực nước biển khoảng 20 m, với phần đế của nó trải khắp đáy biển ở độ sâu 1,2 km. Núi lửa nằm cách Đảo Vangunu khoảng 24 km về phía nam, một trong hơn 900 hòn đảo được hình thành trong một khu vực hoạt động kiến tạo và tạo nên quần đảo Solomon . Cư dân của các hòn đảo lân cận cho biết, họ thường xuyên nhìn thấy hơi nước và tro bụi trên mặt nước, điều này càng khẳng định sự hiện diện của “sharkcano” dưới đáy biển.

Hà Thu

Theo Live Science

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-buc-anh-ve-tinh-ngoan-muc-ve-vu-phun-trao-nui-lua-duoi-day-bien-post1441925.tpo