Những bức tranh kỳ quặc của họa sĩ thích giấu mặt

Họa sĩ Rene Magritte nổi tiếng với những tác phẩm kích thích tư duy khiến nhiều người 'rối não' khi lần đầu nhìn thấy.

Họa sĩ người Bỉ được đánh giá là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của phong trào Siêu thực thế kỷ 20. Trong tác phẩm của ông, những đồ vật bình thường được đặt trong bối cảnh khác thường, thách thức suy ngẫm của người xem về ranh giới giữa thực tế và sự thể hiện trong tranh.

Magritte cũng thường xuyên che khuất khuôn mặt của các nhân vật. Một số người suy đoán rằng, tổn thương tinh thần khi còn nhỏ đã dẫn tới cách sáng tác đó của Magritte. Mẹ ông tự tử khi Magritte mới 14 tuổi. Ông chứng kiến mẹ được vớt lên khỏi mặt nước, chiếc váy ngủ ướt nhẹp quấn quanh mặt.

Dưới đây là một số tác phẩm khác lạ của Rene Magritte:

Con trai của người đàn ông

Theo Singulart, đây là tác phẩm được biết tới nhiều nhất của Magritte, là chân dung tự họa siêu thực của ông. Bức tranh vừa đơn giản vừa mơ hồ, ý nghĩa tùy thuộc vào cách hiểu của người xem.

“Mọi thứ chúng ta thấy đều ẩn chứa một điều gì khác, chúng ta luôn muốn nhìn ra những thứ bị che giấu, nhưng điều đó là không thể. Con người che giấu bí mật của mình quá kỹ”, Magritte nói về tác phẩm.

Sự phản bội của hình ảnh

Nếu nhìn vào tác phẩm, bạn sẽ nghĩ đây là một chiếc tẩu. Nhưng bức tranh trở nên phức tạp khi tác giả viết thêm dòng chữ tiếng Pháp: Ceci n’est pas une pipe - Đây không phải là một cái tẩu.

Magritte cho rằng bạn chỉ đang nhìn thấy hình ảnh của một chiếc tẩu: “Bạn có thể dùng chiếc tẩu của tôi được không? Không, đó chỉ là sự thể hiện thôi”.

Hai bí ẩn

Đây là hình ảnh trong hình ảnh. Suy luận tương tự như tác phẩm Sự phản bội của hình ảnh nhưng phức tạp nhân lên khi xuất hiện tới 2 chiếc tẩu trong tranh.

Người tình II

Những ham muốn bị kìm nén là chủ đề thường gặp trong tác phẩm của Magritte. Một tấm vải ngăn cản tình cảm giữa hai người yêu nhau, biến hành động đam mê thành sự cô lập và thất vọng.

Các chuyên gia cho rằng, họa sĩ có những ẩn ý riêng khi lựa chọn màu sắc cho tranh. Người phụ nữ mặc áo màu đỏ gắn liền với ham muốn, tình yêu còn trang phục đen của người đàn ông gợi tới sự buồn bã, cái chết.

Golconda

Golconda là thành phố ở bang Telangana, Ấn Độ, từng là thủ đô của hai vương quốc, trung tâm ngành công nghiệp kim cương. Cái tên Golconda đồng nghĩa với “mỏ của cải”.

Tác phẩm miêu tả cảnh những "người mưa", gần giống nhau, mặc áo khoác tối màu và đội mũ quả dưa. Họ có thể đang rơi xuống như những giọt mưa, bay lên như những quả bóng hoặc chỉ đứng giữa không trung.

Các chuyên gia tin đây là chân dung tự họa của Magritte do ông sống ở vùng ngoại ô tương tự và ăn mặc theo phong cách như vậy. Một cách giải thích khác cho rằng Magritte đang thể hiện ranh giới giữa cá nhân và nhóm người mờ nhạt như thế nào.

Thấu thị

Theo Daily Art, người nghệ sĩ không vẽ hiện tại mà hướng tới những khả năng, tương lai. Do đó, tên của bức tranh này là Thấu thị (nhìn rõ ràng). Trên bàn là quả trứng nhưng họa sĩ phác hình con chim. Cả hai khác nhau nhưng có mối liên hệ không thể xóa nhòa.

Phòng nghe

Quả táo là chi tiết thường xuyên và dễ nhận biết nhất trong tranh Magritte, xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây cũng là một trong nhiều bức tranh chơi đùa với khái niệm tỷ lệ của vật thể. Người xem có thể tự hỏi liệu quả táo khổng lồ có đang che giấu điều gì không?

Theo History of Art, điều khác thường là bức tranh có tựa đề Phòng nghe nhưng không có chi tiết nào cho thấy đây là căn phòng để lắng nghe bất cứ ai hoặc thứ gì. Sáng tác này khiến người xem phải tư duy và lắng nghe suy nghĩ của mình.

Ký ức về một chuyến đi

Bức tranh miêu tả tháp nghiêng Pisa (Italy) được một chiếc lông vũ nâng đỡ. Đó là cách Magritte biến hình ảnh quen thuộc trên các tờ rơi quảng cáo du lịch trở thành tác phẩm nghệ thuật. Bối cảnh phía sau tháp là những khối hộp không giống khung cảnh thực tế nhưng lại có màu xanh nhạt hòa với bầu trời.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-buc-tranh-ky-quac-cua-hoa-si-thich-giau-mat-rene-magritte-2217995.html