Những bước phát triển chính quy, hiện đại về trang phục trong 80 năm qua của Quân đội nhân dân Việt Nam
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta đã lập nên những chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng thời có những phát triển vượt bậc về lực lượng, trang bị, vũ khí và trình độ tác chiến.
Cách đây 80 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Na Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Từ một đội quân ban đầu có 34 chiến sĩ, được trang bị thô sơ, đến nay Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành một Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng đã tiến thẳng hiện đại. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta đã lập nên những chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng thời có những bước phát triển vượt bậc về lực lượng, trang bị, vũ khí và trình độ tác chiến.
Cùng với sự lớn mạnh, phát triển không ngừng của Quân đội trong 80 năm qua, trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã có nhiều đợt thay đổi, cải tiến (trong đó có 4 đợt thay đổi lớn vào các năm 1958, 1974, 1982 và 2008) để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện kinh tế đất nước.
Vào thời kỳ đầu mới thành lập, do còn nhiều khó khăn, trang phục của Quân đội ta còn chưa được thống nhất, khả năng bảo đảm tùy thuộc vào sự ủng hộ, tiếp tế của nhân dân, nguồn viện trợ của các nước XHCN anh em và ngân sách hạn chế của Chính phủ. Tháng 9-1945, Đội Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn. Tại Lễ ra mắt nhân dân Thủ đô Hà Nội trong ngày Lễ Độc lập đầu tiên (2-9-1945), Đội Vệ quốc đoàn lần đầu được trang bị đồng phục (lấy từ kho quân nhu bảo an binh mà ta tiếp quản): Đội Việt Nam, được trang bị áo sơ mi cộc tay, vạt áo bỏ trong quần; mặc quần soóc, thắt lưng da to bản; chân đi giày da thấp cổ; đội mũ cát màu trắng. Đội viên nữ, mặc áo sơ mi cộc tay, có túi ở ngực, thắt lưng da to bản; mặc quần vải màu đen, gấu quần túm gọn; đi giày ba-ta; tóc cặp gọn; đội mũ rộng vành màu chàm. Mặc dù đã giành được chính quyền nhưng trang phục của Đội vẫn chưa được quy định thống nhất và được trang bị tùy thuộc vào khả năng của từng đơn vị, địa phương.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946), các lực lượng vũ trang tản vào dân, dựa vào dân, mặc như dân. Ở miền Bắc, miền Trung chủ yếu mặc vải nâu: Áo cánh có hai túi, quần buộc túm ống... tùy theo khả năng tự túc. Chiến sĩ Khu V mặc áo cánh, quần màu tro xám, chất liệu bằng vải sợi bông gọi là vải Sita. Ở miền Nam, bộ đội thường mặc áo bà ba đen, quần đùi (do đặc điểm thời tiết nóng, hoạt động trong địa hình nhiều kênh rạch, sình lầy). Riêng dép được làm bằng cao su, sử dụng được trong mọi điều kiện trời nắng, mưa, đường bùn lầy ...
Từ năm 1950, bộ đội từng bước được trang bị đồng bộ gồm: Áo sơ mi 2 túi, dài tay, có cầu vai, quần âu, ở gấu quần có khuy và khuyết để cài túm gọn gàng; quần áo màu xanh lá cây hay màu cỏ úa; được trang bị mũ cứng cốt giấy ép và giày vải cao cổ màu xanh, đế cao su.
Đến Chiến dịch Tây Bắc (1952), bộ đội được trang bị áo trấn thủ dài tay (như áo blu-dông bông) mặc mùa đông.
Năm 1953, Quân đội ta bắt đầu được trang bị trang phục thống nhất và đến ngày tiếp quản Thủ đô (10-1954), bộ đội được mang mặc đồng phục từ mũ, quân phục, giày, dép...
Bắt đầu từ năm 1958, Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức có quy định về trang phục. Theo Nghị định số 307/NĐ ngày 20-6-1958 của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, quy định về quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngoài bộ quân phục thường dùng, ngành Quân trang còn nghiên cứu, sản xuất ra một số loại quân trang nghiệp vụ.
Sau khi đất nước thống nhất (1975), trang phục của Quân đội từng bước được trang bị phù hợp với tính chất chiến đấu cao; phù hợp điều kiện thời tiết ở Việt Nam và khả năng kinh tế đất nước.
Đến năm 1982, trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam được quy định thống nhất trong toàn quân (quân phục K82), bao gồm: Lễ phục, quân phục thường dùng, giày, dép, mũ… Quân phục K82 của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có kiểu mặc trong mùa hè và mùa đông; quân phục cho hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên, màu sắc theo từng quân binh chủng và lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt.
Bước sang thế kỷ 21, trước yêu cầu xây dựng và phát triển Quân đội chính quy, từng bước hiện đại trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo Cục Quân nhu nghiên cứu, cải tiến trang phục Quân đội.
Ngày 26-9-2002, Viện Nghiên cứu Quân nhu (tiền thân là Viện Nghiên cứu ăn mặc Quân đội) được thành lập theo Quyết định số 139/2002/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngay sau khi được thành lập, theo chỉ đạo của Cục Quân nhu, Viện Nghiên cứu Quân nhu đã bắt tay vào thiết kế và thử nghiệm trang phục chiến sĩ kiểu mới.
Năm 2003, bộ quân phục chiến sĩ với kiểu dáng thiết kế mới, được may từ vải PeCo chính thức được bảo đảm cho toàn quân với tên gọi Quân phục chiến sĩ K03.
Đầu năm 2005, trên cơ sở đề xuất của Viện Nghiên cứu Quân nhu, Cục Quân nhu đã phát động cuộc thi sáng tác mẫu trang phục Quân đội nhân dân Việt Nam. Mục đích nhằm thiết kế, lựa chọn mẫu trang phục tiêu biểu, hiện đại, tạo tiền đề cho việc xây dựng kế hoạch cải tiến và hoàn thiện mẫu trang phục, góp phần xây dựng Quân đội chính quy, từng bước hiện đại.
Sau 6 tháng phát động cuộc thi (từ ngày 20-4 đến 15-10-2005), Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 sản phẩm quân trang các loại với các mẫu trang phục khác nhau. Trên cơ sở những mẫu trang phục đạt giải được chọn, Cục Quân nhu tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và chuẩn bị sản xuất thử nghiệm các mẫu trang phục cho các lực lượng trong Quân đội.
Năm 2007, mẫu quân phục dã chiến K07 sử dụng vải in loang lần đầu tiên được bảo đảm cho toàn quân. Vải may Quân phục dã chiến K07 được in loang bằng công nghệ Pigment gồm 2 loại: Vải Xicaro in loang dùng cho quân phục dã chiến sĩ quan, vải Tropical in loang dùng cho quân phục dã chiến hạ sĩ quan, binh sĩ (hiện nay quân phục dã chiến sử dụng màu in loang K20, vải in loang sản xuất bằng công nghệ in phân tán, hoàn nguyên có màu sắc đẹp và thoáng mát hơn so với vải may quân phục dã chiến K07).
Năm 2008, mẫu quân phục K08 ra đời. Mẫu quân phục K08 mới (dành cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) gồm: Lễ phục, quân phục thường dùng, các loại quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, dây lưng, mũ kepi, giày, …cũng được cải tiến, thay đổi đồng bộ. Màu sắc quân phục và các loại quân trang cũng được quy định riêng cho từng lực lượng (Lục quân, Hải quân, Phòng không-Không quân, Cảnh sát biển). Sau thời gian triển khai thử nghiệm, mẫu trang phục sĩ quan K08 từng bước được điều chỉnh phù hợp.
Tháng 1-2009, mẫu trang phục sĩ quan K08 được triển khai sản xuất đồng loạt; quý 3-2009, cấp phát đầy đủ trong toàn quân. Đến ngày 22-12-2009, toàn quân đồng loạt mang mặc quân phục K08 mới nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sự ra đời trang phục K08 đã thực sự là chuyển biến lớn về chất lượng trang phục của Quân đội theo hướng chính quy, hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Quân phục mới đã đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, đó là kế thừa những nét truyền thống của Quân đội ta, tự sản xuất trong nước nhưng có sự đổi mới cơ bản về chất lượng, kiểu dáng, màu sắc và tiện sử dụng. Mẫu quân phục mới đã hội tụ ba yếu tố: Chất lượng, kiểu dáng; màu sắc bền, đẹp hơn; tiện ích sử dụng, thể hiện tính thống nhất, chính quy, hiện đại.
Sau khi hoàn thiện mẫu trang phục K08, từ năm 2010 đến năm 2018, Cục Quân nhu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt và đưa vào bảo đảm các mẫu quân phục nghiệp vụ cho các lực lượng trong toàn quân (nghi lễ, tòa án, báo chí, truyền hình, biểu diễn, thông tin…)
Ngoài việc nghiên cứu, cải tiến quân trang nghiệp vụ cho những lực lượng truyền thống của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cục Quân nhu đã tích cực nghiên cứu, đề xuất mẫu trang phục cho các lực lượng mới của Quân đội như: Tàu ngầm, phi công hải quân, hải quân đánh bộ, chống khủng bố, tác chiến không gian mạng, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…
Đặc biệt, trong năm 2024, Cục Quân nhu đã hoàn thành nghiên cứu bộ Lễ phục K24, bảo đảm kịp thời cho 2 lễ kỷ niệm lớn của Quân đội và đất nước là kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, Lễ phục K24 cũng được bảo đảm trong toàn quân từ Quý IV năm 2024 theo Nghị định 22/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Mẫu lễ phục mới sử dụng chất liệu vải Ga-ba-đin len cài sợi carbon chống tĩnh điện, giúp tăng độ bền, chống nhăn và chống bám bụi. Áo sơ mi mặc bên trong được làm từ vải dệt từ xơ bamboo, thân thiện với môi trường và giúp người mặc thoải mái trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Màu sắc của bộ lễ phục cũng được giữ nguyên theo mẫu K08 hiện tại, giúp duy trì tính truyền thống của Quân đội. Bộ lễ phục mới không chỉ mang tính thẩm mĩ cao mà còn thể hiện sự trang trọng, lịch sự và để lại dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Về kiểu dáng, bộ lễ phục mới được thiết kế để dùng chung cho cả mùa đông và mùa hè. Đối với mùa đông, bộ lễ phục có lớp lót trong để giữ ấm. Trong khi đó, bộ lễ phục mùa hè được thiết kế không có phần lót để bảo đảm thoáng mát và tiện dụng. Thiết kế tay áo có viền bác tay và logo tạo điểm nhấn nổi bật cho bộ lễ phục, làm tăng tính trang trọng và thẩm mĩ cho bộ lễ phục.
Đến nay, 4 loại quân phục theo quy định của Bộ Quốc phòng gồm: Lễ phục, quân phục thường dùng, quân phục dã chiến, quân phục nghiệp vụ đã được Cục Quân nhu bảo đảm đầy đủ, rộng khắp các quân binh chủng, các lực lượng, các ngành nghiệp vụ trong toàn quân.
Có thể nói, trong 80 năm qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự ủng hộ, đùm bọc của đồng bào nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, sự nỗ lực nghiên cứu và lao động sáng tạo không ngừng của lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhân viên Cục Quân nhu, quân trang của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, nâng cao tư thế, tác phong quân nhân, góp phần làm đẹp hình ảnh người Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân cả nước. Trong quan hệ ngoại giao, trang phục Quân đội ta đã hòa nhập với Quân đội các nước trên thế giới, thể hiện tính thẩm mĩ, sang trọng, hùng mạnh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội ngày càng chính quy, hiện đại trong giai đoạn mới.