Những ca phẫu thuật ngoạn mục của y học Việt
Dùng tim bò cứu người bệnh; lần đầu tiên ghép thận không cùng nhóm máu; ghép gan không cần hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài… là một trong số kỳ tích nổi bật, mở ra cơ hội mới cho nền y học nước nhà.
Lần đầu tiên Việt Nam ghép thận không cùng nhóm máu
Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận bất tương hợp nhóm máu từ một trường hợp người vợ hiến thận cho chồng. Đây là trường hợp ghép thận không cùng nhóm máu đầu tiên tại Việt Nam.
Năm 2020, ông V.V.B. (54 tuổi, ngụ Bến Tre) phát hiện cơ thể mình có nhiều biểu hiện bất thường. Khi đến kiểm tra tại bệnh viện, ông được các bác sĩ xác định bị suy thận giai đoạn cuối. Các nỗ lực điều trị không mang lại kết quả, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo.
Ở quê mỗi lần chạy thận ông phải đi từ 5 giờ sáng, về tới nhà là khoảng 5 giờ chiều. Sau một năm chạy thận, sức khỏe ông giảm sút nhiều. Lúc phát hiện bị suy thận, ông cũng đã đăng ký ghép thận. Người anh ruột tương thích và có thể cho thận để ghép được nhưng khi bác sĩ kiểm tra thì sức khỏe người anh không đảm bảo nên đành chờ một hy vọng khác.
May mắn Bệnh viện Chợ Rẫy đang trong giai đoạn thực hiện đề tài cấp quốc gia về ghép thận bất tương hợp. Khoảng đầu tháng 12-2021, sau khi trải qua nhiều quy trình sàng lọc, xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe của vợ ông B là bà Trần Thị H. (51 tuổi, ngụ Bến Tre), các bác sĩ cho biết các chỉ số hoàn toàn phù hợp cho ca ghép thận không cùng nhóm máu đầu tiên tại Việt Nam.
Ngày 29-12-2021, vợ chồng bệnh nhân B. đã được thực hiện cuộc mổ lấy và ghép thận. Cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, thận đã có nước tiểu tốt ngay tại bàn mổ, thận ghép tưới máu tốt, chức năng thận hồi phục nhanh. Sau ngày thứ 2 chức năng thận trở về bình thường.
Được xuất viện và trở lại tái khám ngày 21-1 mới đây, sức khỏe của cả hai vợ chồng ông B. và bà H. đều bình phục rất tốt. Người chồng sau khi được ghép thận đã ăn uống đi lại bình thường, tự sinh hoạt.
PGS-TS-BS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết để thực hiện cuộc ghép, bệnh viện đã cử các chuyên gia đi học tập ở nước ngoài, nắm vững các kỹ thuật ngăn chặn sự tạo ra kháng thể để chống thải ghép, sử dụng thuốc và loại bỏ kháng thể trong máu bằng phương pháp lọc huyết tương. "Đối với ghép thận trên người không cùng nhóm máu, nếu không được xử lý về mặt chuyên môn tốt, bệnh nhân sẽ tăng nguy cơ thải ghép, có thể mất thận ghép, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng", BS Sâm nhấn mạnh.
"Đây là trường hợp ghép thận bất tương hợp nhóm máu được thực hiện thành công lần đầu tiên tại Việt Nam. Và đây cũng là đề tài nghiên cứu cấp Bộ của Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký với Bộ Y tế. Thành công của ca ghép thận này mở ra một hy vọng rất lớn cho các bệnh nhân có bệnh lý suy thận mạn có chỉ định ghép thận",. TS-BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ.
Kỹ thuật mới mổ tim tại phía Nam
Cũng tại Bệnh viện Chợ Rẫy gần đây triển khai một kỹ thuật mới trong phẫu thuật tim. Đó là kỹ thuật bắc 2 cầu mạch vành bằng xâm lấn tối thiểu, quan sát trực tiếp, có nội soi hỗ trợ, lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như tại khu vực phía Nam.
BSCK2 Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong các ca phẫu thuật mạch vành trước đây, thông thường bệnh nhân sẽ được mổ bằng cách cưa xương ức ở giữa. Khuyết điểm của phương pháp này chính là việc bệnh nhân sẽ bị mất máu nhiều, gây đau đớn, đồng thời mất nhiều thời gian để hồi phục.
Kỹ thuật phẫu thuật mới thay vì cưa xương ức, các bác sĩ sẽ chỉ tiến hành một đường mổ nhỏ, chừng 5-7 cm ở ngực trái của bệnh nhân và sau đó sẽ thực hiện các cầu nối mạch vành. Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhiều lần thực hiện kỹ thuật tương tự, nhưng chỉ bắc một cầu mạch vành. Và đây chính là lần đầu tiên có một bệnh nhân được thực hiện bắc 2 cầu mạch vành theo phương pháp này tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ca bệnh được mổ kỹ thuật mới là ông L.V.N (62 tuổi, ngụ Đồng Tháp), phát hiện mình bị các bệnh về mạch vành từ cách đây rất lâu. 12 năm trước, bệnh nhân đã được đặt các stent ở các động mạch liên thất trái trước, động mạch mũ, động mạch bên phải… Sau này, 2 trong số các stent đã dần dần bị tắc, khả năng tái can thiệp gần như không thể thực hiện được, buộc các bác sĩ phải tiến hành mổ hở.
Cuối năm 2021, ông L.V.N nhập Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng đau thắt ở ngực, hạn chế vận động do các động mạch bị tắc và có nguy cơ tử vong cao nếu không được tiến hành can thiệp sớm. "Lúc đó, tôi có cảm giác giống như bị đá đè lên ngực của mình vậy. Rất đau đớn!", ông N chia sẻ.
Tại khoa Hồi sức – Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi được thăm khám và chẩn đoán, bệnh nhân đã được phẫu thuật bằng cách lấy một đoạn động mạch ngực trong nối vào một nhánh liên thất xuống bên trái. Đây là nhánh mạch vành quan trọng nhất trong tim, được nuôi bằng một cầu động mạch. Đồng thời, bệnh nhân cũng được mổ bắc cầu mạch vành thứ hai, lấy một tĩnh mạch ở chân để nối vào một nhánh bờ ở phía bên trái. Vết mổ rất nhỏ và không gây đau đớn nhiều. Hiện tại, ông N. đã ổn định sức khỏe và được xuất viện về nhà.
Theo bác sĩ Thái An, mổ mạch vành là một phẫu thuật khó, nhất là đối với những trường hợp không dùng dung dịch làm liệt tim. Đặc biệt, trong trường hợp phẫu thuật này, bên cạnh tay nghề, kinh nghiệm của ê-kíp phẫu thuật để thực hiện vết mổ nhỏ, hạn chế đau đớn, các y bác sĩ còn được hỗ trợ bằng nhiều thiết bị theo dõi hiện đại, như siêu âm thực quản, nội soi…
"Các bệnh nhân mắc bệnh tắc, hẹp mạch vành nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và can thiệp càng sớm càng tốt. Lúc đó, tim của bệnh nhân chưa bị tình trạng thiếu máu nặng nề, chưa bị giãn, các buồng tim chưa lớn ra, cơ tim cũng chưa mỏng đi… Bệnh nhân càng đến sớm, các bác sĩ sẽ càng có thêm nhiều phương án để lựa chọn và giúp bệnh nhân sớm hồi phục", bác sĩ An khuyến cáo.
Cứu người từ tim bò
Ngoạn mục hơn là ca bệnh được các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân TP HCM cứu sống nhờ kịp thời thay thế đoạn động mạch chủ bụng đã bị nhiễm trùng ăn thủng bằng màng ngoài tim bò, một vật liệu sinh học lần đầu tiên được sử dụng trong tạo hình động mạch chủ bụng tại Việt Nam. TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết những ngày giáp Tết bệnh viện đã thực hiện thành công ca thứ 2 thay động mạch từ việc dùng bộ phận bóc tách từ tim bò.
Ca đầu tiên được cứu bằng kỹ thuật mới này là ông Đ.Đ.T (55 tuổi, ở Bình Thạnh), được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng đau hông lưng trái dữ dội, sốt lạnh run, uống thuốc giảm đau 3 ngày không giảm. Thêm vào đó, bệnh nhân có tiền sử nhiều bệnh nền phức tạp bao gồm đứt động mạch chủ bụng do tai nạn lúc còn trẻ, viêm gan, xơ gan, đái tháo đường nên mọi chỉ định y khoa đều cần sự cân nhắc rất kỹ càng.
Người bệnh được chụp CT-scan có bơm cản quang. Kết quả hình ảnh cho thấy động mạch chủ bụng bị thủng 1 lỗ đường kính khoảng 2cm, tạo thành túi phình giả quanh động mạch chủ kích thước lớn, đường kính 6,5cm kéo dài 8,8cm. Các bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp nhiễm trùng sau phúc mạc, ổ nhiễm trùng ăn thủng động mạch chủ bụng dưới thận tạo thành túi phình giả, nguy cơ vỡ khiến người bệnh tử vong bất cứ lúc nào. Bệnh nhân cần được gấp rút phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ bị thủng do nhiễm trùng.
Nhóm bác sĩ phẫu thuật Tim- Mạch máu của Bệnh viện Bình Dân hội chẩn khẩn cấp để tìm hướng điều trị cho người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch, túi phình dọa vỡ, có nhiều khối áp-xe trong ổ bụng. Việc dùng ống ghép nhân tạo là không khả thi vì khối tổn thương nằm trong môi trường nhiễm trùng, nguy cơ nhiễm trùng phát triển và khả năng thải ghép cao. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ thống nhất chọn mảnh ghép bằng màng ngoài tim bò đã qua xử lý để thay thế vào đoạn động mạch đã hư hại.
Màng ngoài tim bò đã qua xử lý vốn được dùng để tạo van tim sinh học, che màng ngoài tim trong phẫu thuật thay van tim, vá động mạch đùi, động mạch cảnh (động mạch ở cổ) nhưng chưa từng được ứng dụng để thay đoạn động mạch chủ bụng. Vì là mảnh ghép sinh học nên màng ngoài tim bò đã qua xử lý có khả năng chống nhiễm trùng cao là lựa chọn duy nhất phù hợp để cứu tính mạng người bệnh trong trường hợp này. Đây cũng là thách thức cho nhóm bác sĩ phẫu thuật trong vai trò những người tiên phong ứng dụng mảnh ghép này thay thế đoạn động mạch chủ bụng đã bị thủng.
Ca phẫu thuật thành công đưa người bệnh từ cửa tử trở về sau 4 giờ đồng hồ thực hiện đầy cam go. Các bác sĩ đã mở ổ bụng, loại bỏ khối áp-xe lớn cùng nhiều dịch hoại tử, làm sạch khoang bụng, loại bỏ đoạn động mạch chủ bụng thủng. Hai mảnh ghép kích thước 6cmx4cm đã được cuộn tròn, khâu vắt tạo thành hình ống và thay thế cho đoạn động mạch vốn đã bị nhiễm trùng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch trong 10 ngày và được xuất viện về chăm sóc tại nhà. Sau 1 tháng, bệnh nhân tái khám có các kết quả siêu âm kiểm tra cho thấy ống ghép sinh học hoạt động tốt, không có dấu hiệu nhiễm trùng, thải ghép. Bệnh nhân không còn sốt và đau bụng, vô cùng vui mừng cho biết mình thật sự đã "từ cõi chết trở về":
"Đời tôi luôn phải chiến đấu với đủ các loại bệnh tật. Chuyến này tưởng không qua khỏi. Cũng may nhờ được phẫu thuật kịp thời. Gia đình tôi mang ơn các bác sĩ đã không ngại bệnh khó mà phẫu thuật cho tôi".
BSCK2 Hồ Khánh Đức, Trưởng Khoa Tim-Mạch máu Bệnh viện Bình Dân, cho biết giả phình động mạch chủ do nhiễm trùng là bệnh lý hiếm gặp, là thách thức lớn cho các bác sĩ phẫu thuật trong điều trị và lựa chọn ống ghép thay thế phù hợp để tránh nhiễm trùng. Đặc biệt với trường hợp nhiều bệnh nền như bệnh nhân T. thì lại càng khó khăn.
"Rất mừng vì bệnh nhân được thay thế đoạn động mạch chủ bụng nhiễm trùng bằng mảnh ghép sinh học làm từ màng ngoài tim bò tại Bệnh viện Bình Dân có kết quả hồi phục tốt, hết nhiễm trùng, hết đau đớn. Ca phẫu thuật sẽ tạo tiền đề cho việc sử dụng vật liệu thay thế trong tương lai cho các trường hợp phình động mạch chủ thủng do nhiễm trùng", BS Đức nhấn mạnh.
Không còn phụ thuộc nước ngoài
Năm qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cũng đã lần đầu tiên thực hiện ghép gan trẻ em thành công do đội ngũ y - bác sĩ bệnh viện. Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, "bí quyết" dẫn đến thành công của kỹ thuật ghép gan trẻ em là do sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau rất tốt giữa đội ngũ chuyên gia trong nước. Các bác sĩ Việt Nam đã tận dụng phát huy thế mạnh kinh nghiệm từ kỹ thuật ghép gan ở người lớn ứng dụng cho bệnh nhi, đặc biệt là sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa: ngoại gan mật tụy, gây mê - hồi sức, hồi sức tích cực, phẫu thuật tim trẻ em.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM ghép gan trước đây luôn có đoàn chuyên gia Bỉ trực tiếp hỗ trợ (từ ca ghép gan đầu tiên năm 2005 cho đến 2020) nhưng nay do các bác sĩ bệnh viện tiến hành. BSCK2 Lê Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, đây là tín hiệu vui đánh dấu một chặng đường mới của công tác tự chủ ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Từ thành công này việc ghép gan sẽ được thực hiện thường xuyên hơn để cứu được nhiều hơn các bệnh nhi mắc bệnh gan. Phẫu thuật ghép gan được xem là phẫu thuật khó bậc nhất nhưng đây cũng là giải pháp điều trị hữu hiệu cho bệnh gan giai đoạn cuối.