Những cách làm đẹp da kỳ lạ...

Có những phương pháp sử dụng chất liệu làm đẹp da mà chúng ta phải kinh ngạc. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, việc làm đẹp này hoàn toàn có lý, nhất là khi ngành công nghệ hóa mỹ phẩm phát triển như ngày nay...

1. Cách làm đẹp da bằng nọc rắn

Phần lớn protein, enzyme có trong nọc độc rắn khá gần với các thành phần trong cơ thể rắn. Chất cytotoxins trong nọc rắn có tính chất phá hủy tế bào siêu mạnh. Mặc dù nọc rắn là chất độc, nhưng khi xử lý loại bỏ độc tố thì có thể sử dụng nó như một tinh chất dược liệu để chăm sóc, cải thiện làn da. Các tinh chất này có thể đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa hay tổn thương trên da, chống lại các nếp nhăn, giúp làn da mịn màng và khỏe mạnh hơn.

Các sản phẩm được điều chế thành công huyết thanh tiêu độc từ nọc rắn, có khả năng phá hủy tế bào, biểu bì tạo hắc sắc tố trên bề mặt da, giúp làm mờ các đốm nâu, ức chế quá trình hình thành melanin, ngăn ngừa tình trạng sạm nám.

Trong nọc rắn còn có nhiều tinh chất khác như collagen, acid hyaluronic, protein, vitamin B3, C, E giúp thanh tẩy lớp sừng biểu bì, duy trì độ ẩm cho da...

Protein có trong nọc rắn còn là nguồn đạm cần thiết cung cấp cho làn da. Các nếp nhăn được làm đầy nhanh chóng, quá trình lão hóa được cải thiện. Collagen trong nọc rắn sẽ được kích thích sản sinh, tái tạo tế bào mới nuôi dưỡng làn da từ bên trong.

Ngoài ra, các acid hyaluronic, protein sẽ bổ sung đủ lượng nước cần thiết nhằm duy trì độ ẩm cho da, thanh tẩy lớp tế bào sừng, đốm nâu lâu năm của nám sạm, tăng cường sức đề kháng. Từ đó, kích thích lớp tế bào mới được tái sinh và nuôi dưỡng làn da.

Vì thế, trong một số sản phẩm chăm sóc da như mặt nạ, kem dưỡng da… người ta đã chiết xuất một số tinh chất từ nọc rắn để tăng hiệu quả làm đẹp.

Nọc rắn được chiết xuất, loại bỏ chất độc và bào chế thành các sản phẩm chăm sóc da.

Nọc rắn được chiết xuất, loại bỏ chất độc và bào chế thành các sản phẩm chăm sóc da.

2. Làm đẹp da bằng dịch nhầy của ốc sên

Con người đã khám phá ra tác dụng của nhớt ốc sên từ thời Hy Lạp cổ. Người Hy Lạp cổ từng dùng nhớt ốc sên trộn sữa rồi bôi lên da để chữa mẩn ngứa. Loại nhớt này được biết đến rộng rãi hơn khi nông dân Chile phát hiện, tiếp xúc với ốc sên giúp da họ trở nên mịn màng bất ngờ.

Nhớt ốc sên được tiết ra để bảo vệ làn da mỏng gần như trong suốt của chính ốc sên. Chất nhớt này có khả năng ngăn ngừa tia UV, giữ ẩm, tránh viêm nhiễm và hư tổn cho da. Người ta đã tìm thấy các hợp chất như axit hyaluronic, glycoprotein, proteoglycans… có trong ốc sên. Sau này khi sản xuất mỹ phẩm, các nhà sản xuất thường bổ sung các chất này ở mỹ phẩm dưỡng da.

Nhớt ốc sên kích thích sự sản sinh collagen và elastin, giúp giữ ẩm và phục hồi các tế bào bị tổn thương. Dưỡng chất này cũng giúp bảo vệ da khỏi nếp nhăn, mụn, mẩn đỏ, nám, bỏng, sẹo và mụn cóc. Tuy nhiên, có rất nhiều loại ốc sên, nhưng chỉ một vài loại ốc sên có thể lấy nhớt, phổ biến nhất là giống Cornu Aspersum.

Ngày nay, người ta nuôi ốc sên để lấy nguyên liệu phục vụ cho sản xuất mỹ phẩm. Khá nhiều hãng mỹ phẩm dùng nhớt ốc sên sản xuất mặt nạ, kem dưỡng, serum đến son môi. Tuy nhiên nhớt ốc sên cũng được khuyến cáo là không lên tự lấy và sử dụng tại nhà mà chưa qua kiểm nghiệm chặt chẽ. Bởi môi trường sống tự nhiên khiến ốc sên thường chứa giun sán có thể lây nhiễm dễ dàng khi tiếp xúc với da.

Nuôi ốc sên để lấy dịch nhầy, sản xuất mặt nạ.

Nuôi ốc sên để lấy dịch nhầy, sản xuất mặt nạ.

3. Làm đẹp da từ nhau thai cừu

Tác dụng làm đẹp da của nhau thai cừu đã được biết đến từ hàng nghìn năm trước trong việc gìn giữ sự tươi trẻ làn da của nữ hoàng Cleopatra. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra rằng, nữ hoàng đã sử dụng nhau thai cừu trong nhiều năm để duy trì làn da ngọc ngà của mình. Theo các nhà khoa học hiện đại, bằng cách kích hoạt nguyên bào sợi, nhau thai cừu giúp tăng lượng collagen, elastin, tái tạo và sản sinh tế bào, trả lại tính đàn hồi cho da.

Mặc dù với cách chiết xuất hiện đại, nhau thai cừu được quảng cáo là có tác dụng chống oxy hóa, cải thiện chức năng trao đổi chất để thúc đẩy quá trình trao đổi chất và hô hấp trong các mô da, loại bỏ nám và vết thâm… kích thích quá trình lên da non, nhanh chóng làm lành sẹo và những vết thâm nâu để lại sau sẹo. Do đó nhau thai cừu đã được các hãng dược - mỹ phẩm "chớp" cơ hội này và sản xuất ra những viên "thuốc" làm đẹp.

4. Làm đẹp da từ vàng

Vượt ra ngoài công dụng làm đồ trang sức hay góp mặt trong những đồ ăn thức uống xa xỉ, vàng đang trở thành một nguyên liệu làm đẹp thời thượng của những phụ nữ sành điệu.

Trong lúc nhiều người tỏ ý hoài nghi hiệu quả đích thực của vàng với làn da thì lại có nhiều người khác háo hức được thử nghiệm với thứ kim loại quý hiếm này.

Không phải hiện nay người ta mới nói đến công dụng làm đẹp của vàng, mà mối quan tâm của các nhà khoa học về nguyên tố vàng này đã xuất hiện từ ngành y học cổ truyền Ai Cập, Trung Hoa hay Ấn Độ. Họ đã sử dụng vàng để xử lý vết loét trên da hay một số bệnh viêm nhiễm khác.

Ngày nay, nhờ vào tiến bộ trong lĩnh vực khoa học nano người ta có thể xác định thêm nhiều đặc tính thú vụ và hiệu quả khác của vàng đối với làn da. Trong đó, tinh chất nano vàng làm tăng khả năng đàn hồi cho da và được xem như là một liều hormon nuôi dưỡng da, làm giảm hiệu quả quá trình hydrat hóa làn da, bổ sung collagen để mang lại độ sáng đẹp cho da. Tuy nhiên, nguyên tố này được ứng dụng trong ngành mỹ phẩm có thực sự làm đẹp cho da hay không vẫn còn đang là vấn đề bàn cãi.

Nguyễn Thanh Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-cach-lam-dep-da-ky-la-169230204114954857.htm