Những căn nhà khang trang ở làng biên giới từng là nơi 'đặc biệt khó khăn'
Từ một vùng quê đặc biệt khó khăn, cuộc sống của người dân thôn 7 (thị trấn Ea Súp) đang dần được cải thiện và nâng cao. Những ngôi nhà ván xập xệ trước đây đã được thay thế bằng những công trình hiện đại, khang trang.
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Dưới cái lạnh đầu mùa se sắt của thời tiết Tây Nguyên những ngày cuối năm, chúng tôi tới thăm thôn 7 (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Tại đây, hình ảnh những căn nhà khang trang giữa vùng đất biên giới đã khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Bà con nơi đây đang từng bước chuyển mình, nâng cao đời sống và xây dựng cuộc sống mới.
Ông Nguyễn Văn Thơ (SN 1955, trú tại thôn 7, thị trấn Ea Súp) cho hay, từ năm 1990, nhiều người dân từ các tỉnh phía Bắc di cư vào đây lập nghiệp với hy vọng về tương lai tươi sáng.
Những năm đầu, cuộc sống ở vùng đất đầy nắng gió gặp rất nhiều khó khăn, người dân bị cái nghèo đeo bám quanh năm. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền cùng nỗ lực của bà con đã giúp cho đời sống của người dân thôn 7 có bước chuyển mình rõ rệt.
"Nếu như, trước đây người dân phải sống trong cảnh tù mù, tối tăm vì thiếu điện và phải đi gánh từng thùng nước dưới hồ Hạ cách nhà 500m lên để ăn uống, sinh hoạt thì nay điện và nước đã được kéo đến từng nhà. Từ đó, làm thay đổi hẳn cuộc sống, sinh hoạt của bà con", ông Thơ nói.
Hệ thống đường giao thông, đặc biệt là tuyến đường liên huyện đi qua thôn 7 đã được đầu tư xây dựng khang trang, mở ra nhiều cơ hội giao thương buôn bán, phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Văn Ngọc (trú tại tổ liên gia số 9, thôn 7, thị trấn Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) nhớ lại: "Khi mới tách thôn, đường giao thông đi lại trên địa bàn rất khó khăn. Tuyến đường liên huyện đi qua thôn trước đây chỉ là con đường mòn, người dân chủ yếu sử dụng để vận chuyển nông sản. Tuy nhiên, vào mùa mưa, tuyến đường trở nên lầy lội, trơn trượt nên người dân phải đi đường vòng để vận chuyển nông sản".
Cho đến cách đây khoảng 3 năm, con đường liên huyện được mở rộng và xây dựng khang trang đã giúp cho cuộc sống của bà con có nhiều chuyển biến tích cực. Việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn và mở ra cơ hội kết nối với các vùng lân cận, thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế cho người dân trong thôn.
Đặc biệt, giá nông sản tăng cao trong những năm gần đây đã giúp nhiều hộ dân cải thiện thu nhập. Anh Ngọc chia sẻ: "Hiện nay, giá cao su đã tăng gấp đôi so với 3 năm trước, giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập lên 30 triệu đồng/tháng, trong khi trước đây chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng".
Cuộc sống ngày càng ổn định, năm 2021 gia đình anh Ngọc đã đầu tư tiền tỷ để xây dựng ngôi nhà mới khang trang theo thiết kế hiện đại.
Ngôi nhà tiền tỷ của gia đình anh Ngọc không phải là duy nhất tại thôn 7. Dọc hai bên đường liên huyện, hàng chục ngôi nhà khang trang, hiện đại đã thay thế cho những căn nhà gỗ xập xệ trước đây. Những ngôi nhà này không chỉ mang vẻ đẹp thu hút mà còn trở thành biểu tượng cho sự phát triển và đổi mới mạnh mẽ của cộng đồng nơi đây.
Cùng với sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, ý thức bảo vệ rừng của người dân cũng đã nâng cao. "Trước đây, nhiều hộ dân trong thôn sống dựa rừng. Thế nhưng, giờ đây người dân đã bỏ thói quen đó và tuân thủ các quy định bảo vệ rừng", ông Thơ chia sẻ.
Đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 7 cho hay, thôn 7 trước đây là mộ phần của thôn 23 (thị trấn Ea Súp). Từ năm 2002, thôn 23 được chia thành 2 thôn, trong đó có thôn 7 (thị trấn Ea Súp).
Hiện tại, thôn có hơn 166 hộ dân, với 643 khẩu, gồm 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó các đồng bào dân tộc phía Bắc vào sinh sống.
Trong đó, có 38 hộ đồng bào dân tộc các tỉnh phía Bắc di cư vào đây từ năm 1990, chiếm khoảng 23% tổng số dân.
Nhiều năm qua, bà con nơi đây vẫn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống và luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế xã hội.
Cũng theo ông Ánh, người dân trong thôn chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp chiếm 80%, với các cây trồng chủ lực như điều, xoài và mì (sắn). Tuy nhiên, đất ở khu vực này chủ yếu là đất sét, đất cát, kém màu mỡ, dễ bị úng nước vào mùa mưa khiến cây trồng kém phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết mưa nắng thất thường cũng tạo ra không ít khó khăn trong việc canh tác của bà con.
Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy, UBND thị trấn Ea Súp và sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ thôn 7, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân nơi đây từng bước được cải thiện. Đặc biệt, sự tăng cao của giá nông sản đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống của bà con.
"Trước đây, giá mì chỉ đạt 1.500-1.800 đồng/kg nhưng nay tăng lên từ 2.500-2.700 đồng/kg. Hệ thống giao thông thuận lợi cũng đã thu hút thương lái đến tận nhà để thu mua nông sản, giúp nông dân giảm chi phí vận chuyển. Ngoài trồng trọt, bà con còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò, heo, dê, gia cầm. Vì vậy, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,28% số với 2023", ông Ánh thông tin.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững, năm 2024 trong thôn đã thành lập tổ hội chăn nuôi bò sinh sản gồm 14 gia đình, được hỗ trợ 24 con bò cái.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã giúp cho đời sống của bà con trong thôn ngày càng được nâng cao. Từ một địa phương chủ yếu là hộ nghèo thì đến nay cả thôn chỉ còn 21 hộ nghèo và 44 hộ cận nghèo. Hàng chục gia đình trong thôn đã đầu tư tiền tỷ để xây dựng nhà cửa. Thậm chí, nhiều hộ còn sắm xe ô tô để phục vụ cho nhu cầu đi lại của gia đình.
Không dừng lại ở đó, hiện nay trong thôn có 3 cơ sở dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Ông Y Bông Lào, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Súp thông tin, cách đây 10 năm, thôn 7 là một trong những thôn đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của bà con đã được cải thiện rõ rệt, chất lượng đời sống được nâng cao. Hệ thống hạ tầng giao thông cũng được đầu tư đồng bộ.
Thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, địa phương đã đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.
Năm 2024, thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước, địa phương đã rà soát và hỗ trợ sửa sang nhà cửa cho 3 hộ dân tại thôn 7. Đồng thời, hỗ trợ bò giống cho hàng chục hộ gia đình, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập.