Những cánh rừng thông bị 'vùi' xuống lòng đất
Thoạt nghe cứ tưởng chuyện đùa, hay thiên tai, sự dịch chuyển trong lòng đất… nhưng thật đáng buồn đó lại là chuyện thật. Một chiêu thức triệt hạ những cánh rừng thông mới xuất hiện tại Lâm Đồng, chặt cây thông chôn xuống đất và trên đó 'mọc' lên những mảnh vườn.
Thời gian qua, nhiều cánh rừng thông tại Lâm Đồng liên tục bị “bức tử”, cưa hạ trái phép, hoặc khoan lỗ đổ hóa chất khiến cây chết đứng. Động thái này được cho là “để lấy đất” sản xuất nông nghiệp, hoặc sang nhượng trái phép.
Tuy nhiên, những chiêu thức này giờ đã cũ. Mới đây, hàng trăm lóng gỗ thông bị “chôn tập thể” tại tiểu khu 443, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), lâm phần do Công ty TNHH An Phú Nông quản lý, bị phát hiện; mới hay, chuyện giao rừng cho doanh nghiệp, cộng đồng cũng đang gặp những lỗ hổng?!
Ngày 28-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo công an tỉnh phối hợp, hỗ trợ Công an huyện, Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm và các đơn vị chức năng, điều tra hoàn chỉnh hồ sơ xử lý nghiêm vụ phá rừng, chôn lấp lâm sản trái phép tại tại Dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông - lâm kết hợp, của Công ty TNHH An Phú Nông.
Theo điều tra ban đầu, ngày 17-8, sau khi tiếp nhận thông tin, Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm phối hợp công an huyện và các ngành chức năng địa phương đã tiếp cận, tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ việc. Lực lượng chức năng tiến hành đào số gỗ thông ba lá bị chôn vùi dưới hố sâu, thuộc khoảnh 11, tiểu khu 443; lâm phần được giao Công ty TNHH An Phú Nông quản lý, bảo vệ.
Tại hiện trường, ghi nhận các vị trí chôn lấp gỗ thông thuộc ba tọa độ. Khu vực này có diện tích khoảng 2 ha và đã được trồng cây cà-phê hơn một năm tuổi. Qua kiểm đếm, đo đạc, tổng cộng có 132 lóng (khúc) gỗ thông được “khai quật”, khối lượng hơn 13 m3. Toàn bộ số gỗ thông này đều trong tình trạng bị cháy, khô, mục.
Đến ngày 22-8, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng tiếp tục yêu cầu bộ phận chuyên môn phối hợp Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm kiểm tra hiện trường, phát hiện thêm hai vị trí chôn lấp gỗ thông mới, gần kề các vị trí chôn lấp trên.
Sau đó một ngày, lực lượng kiểm lâm, công an tỉnh và huyện, cùng chính quyền xã Lộc Phú, tổ chức khám nghiệm hiện trường. Tổng số gỗ thông được đào lên là 27 khúc, khối lượng hơn 2,3 m3, trong tình trạng tương tự các hố đã đào. Cơ quan chức năng xác định, tổng số gỗ thông bị chôn lấp qua hai lần “khai quật” là 159 khúc, khối lượng hơn 15,4 m3.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, làm việc với cơ quan chức năng, Giám đốc Công ty TNHH An Phú Nông Bùi Thị An thừa nhận, đã chỉ đạo bảo vệ công ty thuê người chôn lấp số lâm sản nêu trên.
Liên quan đến việc triệt hạ rừng thông tại khoảnh 11, tiểu khu 443; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, tháng 4-2019, Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm đã kiểm tra, lập hồ sơ vi phạm. Tại đây, có 53 cây thông bị cưa hạ, trữ lượng hơn 15 m3, trên diện tích 4.260 m2. Số gỗ này trước khi bị triệt hạ đã bị “ken” thân (đục lỗ, đỗ hóa chất). Mục đích phá rừng là để lấy đất sản xuất.
Điều đáng nói, trong quá trình cơ quan chức năng và Công ty TNHH An Phú Nông tiến hành xác minh, điều tra làm rõ đối tượng phá rừng thông này, thì tiếp tục xảy ra vụ việc “vùi” lấp những cánh rừng thông nói trên.
Năm 2011, Công ty TNHH An Phú Nông được UBND Lâm Đồng giao quản lý, bảo vệ hơn 140 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc địa bàn xã Lộc Phú; trong đó, khoảng 80 ha đất sản xuất nông - lâm kết hợp.
Như báo Nhân Dân điện tử đã thông tin, với chiêu thức tương tự, tháng 7-2019, cơ quan chức năng phát hiện và tiến hành “khai quật” gần 400 lóng gỗ thông, đường kính từ 17 đến 40 cm, chiều dài trung bình từ 0,9 đến 1,5 m, bị chôn lấp dưới tán rừng, thuộc tiểu khu 438A, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm. Rừng thông bị triệt hạ được xác định khoảng 2 ha. Đây là rừng giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn 4, xã Lộc Phú quản lý, bảo vệ.
Cuối năm 2017, theo kiểm đếm của cơ quan chức năng địa phương, diện tích rừng cộng đồng này đã bị lấn chiếm hơn 76 ha, trong tổng diện tích hơn 230 ha được giao khoán, bảo vệ.
Qua sự việc trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, đã yêu cầu đơn vị trực thuộc, phối hợp cơ quan chức năng liên quan, tiến hành kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại dự án của Công ty TNHH An Phú Nông thuê để thực hiện trồng rừng, bảo vệ rừng. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, xử lý vụ việc triệt để; cương quyết thu hồi dự án, nếu để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
Thời gian qua, rất nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Lâm Đồng đã được ban hành; nhiều giải pháp bảo vệ rừng cũng đã được đặt ra, trách nhiệm đã được xác định… Song, những cánh rừng thông nhiều năm tuổi vẫn ngã xuống. Phải chăng, chưa tìm đúng “thuốc đặc trị”?!