'Những cánh tay nối dài' của BĐBP

Trong thực tiễn, trên các địa bàn biên giới, đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản tại địa phương có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng các dân tộc. Những người có uy tín trong cộng đồng luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động, sát sao nắm bắt thực tiễn. Họ còn có lợi thế về ngôn ngữ và hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của đồng bào. Đội ngũ quan trọng này được coi là 'cánh tay nối dài' của BĐBP, góp phần làm tốt công tác giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và ngày càng phát triển...

Người có uy tín chính là "cánh tay nối dài" của BĐBP trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở khu vực biên giới. Ảnh: Phương Duyên

Người có uy tín chính là "cánh tay nối dài" của BĐBP trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở khu vực biên giới. Ảnh: Phương Duyên

Từ nhiều năm nay, ông Nông Thanh Hải (sinh năm 1954, sinh sống tại xóm Bản Viện, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) được người dân trên địa bàn quý mến, nể phục vì bản thân luôn gương mẫu, đi đầu, tích cực tham gia các hoạt động của xóm, bản; tham gia xây dựng nghị quyết lãnh đạo sát, đúng nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Ngoài ra, ông còn tham gia công tác hòa giải; thực hiện tốt phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể giúp đỡ BĐBP và các lực lượng trong quản lý, bảo vệ biên giới và giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới.

Theo Thượng tá Lương Tuấn Long, Phó Chính ủy BĐBP Cao Bằng, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng thế trận lòng dân ở khu vực biên giới bằng những biện pháp, hình thức cụ thể; trong đó, chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, quần chúng nhân dân để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân thấy rõ được vinh dự, trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng hành cùng BĐBP thực hiện nội dung này, người có uy tín đã trở thành nòng cốt tổ chức phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

“Trong 6 tháng đầu năm 2024, BĐBP Cao Bằng đã trực tiếp, tranh thủ người có uy tín tuyên truyền, vận động nhân dân trực tiếp tham gia thực hiện phong trào gìn giữ an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Người có uy tín đã tích cực tham gia, vận động người dân trên địa bàn xây dựng, triển khai nhiều mô hình thực hiện phong trào “Tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng, khu vực biên giới”, “Đấu tranh với hoạt động truyền đạo trái pháp luật”, “Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc”... Các tổ hòa giải, tự quản thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng ở địa phương tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh biên giới, góp phần hỗ trợ lực lượng bảo vệ biên giới” - Thượng tá Lương Tuấn Long cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng, trong 6 tháng đầu năm 2024, đội ngũ người có uy tín cùng các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh tuyên truyền cho đội ngũ chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ và nhân dân về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; các chế độ chính sách liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc. Đồng thời, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và các lực lượng chức năng tăng cường bám nắm, quản lý chặt chẽ các hoạt động tôn giáo trên địa bàn biên giới; tổ chức tuyên truyền cho đội ngũ chức sắc, chức việc và giáo dân về các văn bản của Nhà nước, Chính phủ, địa phương về tín ngưỡng, tôn giáo, về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, chống phá cách mạng nước ta được 46 buổi/1.026 lượt người nghe. Đội ngũ người có uy tín cũng đã cùng BĐBP triển khai bám nắm tình hình nhân dân, phối hợp tuần tra, phát quang đường biên, bảo vệ biên giới. Nhờ đó, đường biên, cột mốc được giữ gìn nguyên trạng; phát quang được 274,75km đường tuần tra biên giới.

Cũng như BĐBP Cao Bằng, từ nhiều năm qua, BĐBP Đắc Lắk đã phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ người có uy tín tại khu vực biên giới. Đội ngũ này thực sự là những “cánh tay nối dài” của BĐBP trong việc quản lý địa bàn, khu vực biên giới an toàn.

Người có uy tín luôn đồng hành cùng với cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắc Lắk trong bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn biên giới. Ảnh: Ngọc Lân

Người có uy tín luôn đồng hành cùng với cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắc Lắk trong bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn biên giới. Ảnh: Ngọc Lân

Nhiều năm sống ở biên giới, thường xuyên cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đi tuần tra, già Y Mosk Hra (sinh năm 1958, người có uy tín buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) không chỉ nêu cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà còn tích cực vận động người dân trong buôn chung tay giữ phên dậu của Tổ quốc. Ông chia sẻ: "Việc bảo vệ biên giới góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ rừng và ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến tài sản của quốc gia. Ngược lại, việc tuần tra, bảo vệ rừng lại góp phần giữ gìn an ninh biên giới. Vì vậy, ngoài công tác bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm còn có nhiệm vụ phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra, bảo vệ biên cương".

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, với sự giúp đỡ của những người có uy tín như già Y Mosk Hra, BĐBP Đắk Lắk đã tuyên truyền tập trung được 253 buổi/7.916 lượt người tham gia; tuyên truyền nhỏ lẻ được 1.903 lượt người; ngoài ra, còn thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã được 142 lần. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là Nghị định 34/NĐ-CP, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình... Ngoài ra, với sự vào cuộc giúp đỡ của đội ngũ người có uy tín, từ năm 2019 đến nay, các đồn Biên phòng thuộc BĐBP Đắk Lắk đã tham mưu 4 xã biên giới thành lập 38 tổ tự quản an ninh trật tự, 36 tổ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, 4 câu lạc bộ và 614 hộ gia đình tham gia đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, 51 hòm thư tố giác tội phạm; các mô hình tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới và tổ tự quản an ninh trật tự thôn, buôn khu vực biên giới được nhân rộng; vai trò tổ trưởng tổ tự quản đường biên giới, mốc quốc giới, tổ tự quản an ninh trật tự thôn, các già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong các cộng đồng dân cư cũng được phát huy.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy BĐBP Đắk Lắk khẳng định: "Đội ngũ người có uy tín chính là “cánh tay nối dài” của BĐBP với nhân dân, góp phần thắt chặt đoàn kết quân dân và cũng là cầu nối trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân, góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ người có uy tín phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, BĐBP Đắk Lắk sẽ tiếp tục cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín; tổ chức thăm hỏi, động viên và tập huấn nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của họ. Thông qua đó, người có uy tín đưa các nội dung cần tuyên truyền xuống tới nhân dân, góp phần cùng BĐBP củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới".

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-canh-tay-noi-dai-cua-bdbp-post477350.html