Những câu chuyện chưa kể
Thanh niên xung phong là những người từng đi qua những tháng năm gian khó của chiến tranh, cận kề với bom đạn, cái chết, chứng kiến đồng đội ngã xuống ngay bên mình. Và có những câu chuyện, họ vẫn mãi giữ riêng trong ký ức...
Họ đã sống một thời như thế
Hội Cựu TNXP tỉnh Tuyên Quang hiện có 1.584 người, sinh hoạt tại 91 hội, liên chi hội, chi hội xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Vương Kim Việt cho biết: Thời gian qua, Hội cựu TNXP tỉnh đã có những việc làm thiết thực, cụ thể để san sẻ, giúp đỡ hội viên nghèo, ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống như: xây dựng “Quỹ nghĩa tình đồng đội”, thực hiện mô hình “Nuôi lợn nhựa vì nghĩa tình đồng đội”, “Hũ gạo tình thương vì nghĩa tình đồng đội”. Hiện hội có 52 mô hình hội viên làm kinh tế giỏi; 51 cán bộ, hội viên đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể nơi cư trú, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Hội Cựu TNXP huyện Chiêm Hóa, Huyện đoàn Chiêm Hóa trao quà Tết cho các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn.
Tìm về với những cựu TNXP các thời kỳ, có những câu chuyện không có trong sử sách, nhưng là những mảnh ghép chân thật nhất về một thế hệ TNXP kiên cường. Họ đã đi qua chiến tranh với đôi dép cao su mòn vẹt, nắm cơm độn trong tay, nhưng điều dễ nhận thấy nhất là trong tim họ luôn rực cháy lòng yêu nước, một lòng theo lý tưởng cách mạng.
Ông Nguyễn Biên Thùy, cựu TNXP chống Pháp, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) vinh dự được trực tiếp tham gia mở tuyến đường Hòa Bình - Sơn La - Tuần Giáo, đảm bảo giao thông thông suốt để vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm nay đã 87 tuổi, tuổi đã cao, sức đã yếu, ông vẫn rưng rưng xúc động khi nhớ về một thời thanh niên hăng say, đầy nhiệt huyết.
Ông Thùy bảo: ngày ấy phương tiện, công cụ lao động để mở đường thô sơ lắm, chỉ là cuốc, xẻng, choòng, ky, xà beng, xe cút kít… Cuộc sống sinh hoạt kham khổ, ngủ ở lán trại đơn sơ giữa rừng, mưa dầm, cơm vắt, những cung đường ngày đêm bom dội. Đặc biệt, ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) ngày ấy được mệnh danh là “yết hầu”, là “túi bom” trên tuyến lửa trong chiến dịch Điện Biên, mỗi mét đường của TNXP, dân công hỏa tuyến ngày ấy là mồ hôi, xương máu, là nước mắt của biết bao đồng đội. Tuổi 18, đôi mươi khi ấy, các đồng chí hầu như còn chưa được một lần nắm tay con gái và cũng không còn dịp được trở về, đã vĩnh viễn nằm lại với những con đường. Mắt nhòe nước, giọng ông Thùy nghẹn lại…
Năm xưa, con đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn huyền thoại không chỉ khắc ghi dấu chân của bộ đội mà còn thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của lực lượng TNXP. Họ không cầm súng, nhưng từng nhát cuốc, từng mét đường mở ra đều góp phần làm nên chiến thắng. Câu chuyện của Chủ tịch Hội cựu TNXP TP Tuyên Quang Phạm Thúy Mơ về đội nữ TNXP hiểm nguy không sợ, đạn bom không sờn lòng, nhưng đặc biệt sợ mùa mưa Trường Sơn, khi bà và đồng đội bị chấy rận, vắt rừng tổng tấn công “thêu hoa dệt gấm” lên những làn da trắng ngần, có những chi tiết thật dung dị, thật “đời”, mà vẫn có sức lay động lòng người.
Năm 1968, theo tiếng gọi của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, với khẩu hiệu “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc cần”, bà Phạm Thúy Mơ viết đơn tình nguyện tham gia TNXP chống Mỹ cứu nước. Đội TNXP - N39 của bà ngày ấy làm nhiệm vụ bên tây Trường Sơn, địa phận Quảng Bình giáp Quảng Trị, làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 20/7 và đường suối ngầm 3/2. Mùa mưa, suối ngầm ngập tràn nước lũ do mưa thượng nguồn đổ về. Không thể để xe chở hàng không qua được suối, tiếng còi trực ban vang lên, những cô gái mảnh mai ấy đã không mảy may nghĩ gì đến hiểm nguy của bản thân, cùng lao ra kéo dây cáp qua ngầm, cầm đèn pin ngâm mình trong cơn lũ dâng cao làm cọc tiêu cho những đoàn xe nối nhau ra tiền tuyến. Chủ tịch Hội cựu TNXP TP Tuyên Quang Phạm Thúy Mơ bảo: tuổi trẻ của chúng tôi đã sống, đã cống hiến cho cách mạng bằng những hành động lặng thầm như thế...
Không để ký ức bị lãng quên
Ông Mai Xuân Tiến, cựu tù Côn Đảo, hiện đang sống tại thôn Đình, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cho biết: năm 1966-1968, ông tham gia TNXP 2 năm, làm đường tránh ở huyện Hàm Yên, sau đó ông chuyển sang bộ đội chính quy, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh.
Tháng 6/1972 do bị chỉ điểm, ông bị địch bắt, nhốt ở chuồng cọp Côn Đảo. Ông bị đánh đập đến mất cả 2 hàm răng, bị chất độc da cam và nhiều di chứng chiến tranh để lại. Ông bảo kỷ niệm thì nhiều, nhưng điều lớn lao nhất ông nhận được là môi trường TNXP và bộ đội chính quy đã rèn giũa cho ông lập trường, khí tiết của người cách mạng, luôn thương yêu đồng chí, đồng đội.
Năm 1973, hiệp định Pari ký kết, ông trở về quê hương Hùng Mỹ tiếp tục với nghề dạy học và lập gia đình với bà Ma Thị Hồng. Do điều kiện sức khỏe hạn chế, ông bà không sinh con chung, chỉ tập trung nuôi dưỡng, chăm sóc 1 người con riêng của bà Hồng trưởng thành làm nguồn vui sống. Đến nay, cuộc sống của ông bà cũng ổn định, ánh mắt xa xăm, ông Tiến bảo: chúng tôi không cần gì nhiều cho bản thân, chỉ mong thế hệ sau hiểu được những hy sinh lặng thầm của thế hệ cha anh đi trước. Hòa bình, độc lập, tự do không phải tự nhiên mà có.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức không thể bị chôn vùi theo thời gian. Những cựu TNXP giờ đây đã ở tuổi xế chiều, nhiều người đã ra đi mà chưa kịp kể lại câu chuyện của mình. Lịch sử dân tộc không chỉ nằm trong những con số hay những sự kiện lớn, mà hiện diện bình dị trong những mẩu chuyện đời thường, trong từng nắm cơm độn, trong những cơn sốt rừng hay những lá thư nhà truyền tay trao nhau như thế. Lực lượng TNXP đã sống, chiến đấu theo cách của mình, và thế hệ đi sau có trách nhiệm giữ gìn những ký ức ấy.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nhung-cau-chuyen-chua-ke-209496.html