Những câu chuyện ly kỳ trong cuốn sách 'Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ'

Đã bao giờ bạn thắc mắc chữ viết Tiếng Việt ra đời như thế nào? Tại sao chúng ta hiện nay lại dùng văn tự Latinh, khác hẳn với các nước 'đồng văn' xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc? Cùng tìm câu trả lời trong 'Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ' nhé!

Nói về lịch sử của chữ Quốc ngữ, bạn đọc Gen Z hay Gen Alpha không thể bỏ qua cuốn Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly, do họa sĩ Tạ Huy Long minh họa. Nội dung cuốn sách dựa trên luận án Tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly về Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt, cũng như các tài liệu trong văn khố ở châu Âu và các cuốn sách viết về hành trình truyền giáo của các thừa sai.

"Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" là cuốn sách truyện tranh bán hư cấu. Ảnh: Rei.

"Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" là cuốn sách truyện tranh bán hư cấu. Ảnh: Rei.

Từ luận án Tiến sĩ lên tới 640 trang, chị Phạm Thị Kiều Ly đã “rút gọn” lại câu chuyện về cuộc đời của giáo sĩ Alexandre de Rhodes cùng hành trình rong ruổi của ông đi khắp Đàng Trong, Đàng Ngoài, từ lúc bắt đầu đến An Nam - cho tới khi ra mắt cuốn Từ điển Việt - Bồ - La, cũng là cuốn từ điển đầu tiên của Việt Nam lấy tiếng Việt làm mục từ để đối chiếu với tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latinh, được in năm 1651.

Quá trình đầy ly kì ấy được kể lại ngắn gọn, súc tích, và được minh họa bằng tranh đầy sinh động trong cuốn tranh truyện bán hư cấu Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ dày 126 trang.

Dù bị trục xuất khỏi An Nam vào năm 1645, nhưng Alexandre de Rhodes luôn miền đất này. Ảnh: Rei.

Dù bị trục xuất khỏi An Nam vào năm 1645, nhưng Alexandre de Rhodes luôn miền đất này. Ảnh: Rei.

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến An Nam vào năm 1624, từng là khách quý của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Nhưng rồi, ông dần bị các Chúa ghét bỏ, nên ra lệnh trục xuất. Ông từng 4 lần rời đi, rồi tìm cách quay lại. Cuối cùng đến năm 1645, ông bị Chúa Nguyễn trục xuất vĩnh viễn, dọa sẽ không tha mạng nếu còn lai vãng ở An Nam.

Trong buổi tọa đàm về “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của Tiếng Việt” nhân kỉ niệm 400 năm giáo sĩ Alexandre de Rhodes đặt chân đến Việt Nam (1624 - 2024), TS. Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ cho biết, ban đầu chữ Quốc ngữ được các thừa sai, các nhà truyền giáo nước ngoài sáng tạo để học tiếng Việt.

Tác giả Phạm Thị Kiều Ly chia sẻ về cuốn sách "Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ". Ảnh: Kim Đồng.

Tác giả Phạm Thị Kiều Ly chia sẻ về cuốn sách "Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ". Ảnh: Kim Đồng.

Nói về công lao của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, chị Kiều Ly khẳng định: “Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên ghi tiếng Việt ra kí tự Latinh. Trước Alexandre de Rhodes còn có thầy Francisco de Pina - người Bồ Đào Nha - đã soạn một tập từ điển nhỏ, nhưng sau đã bị mất. Linh mục António de Fontes là người đầu tiên dùng hai chữ cái “ơ” và “ư”, tìm ra các thanh điệu để ghi trong một báo cáo (gửi về Macao) vào năm 1631. Và thầy Barbosa cũng soạn từ điển Việt - Bồ. Họ soạn cho chính mình học, cũng như soạn cho các linh mục khác đến để học tiếng Việt.”

Trong quá trình sáng tạo ấy, Alexandre de Rhodes là người tập hợp công trình của những người đi trước, kết hợp với những hiểu biết của ông về An Nam để cho in cuốn từ điển Việt - Bồ - La ở La Mã vào năm 1651. Và điều này đã gây nên những tranh cãi về tác quyền khi trên cuốn Từ điển Việt - Bồ - La (có kèm 31 trang ngữ pháp) và cuốn Phép Giảng Tám Ngày được ông đứng ra in ấn, đều ghi tên tác giả là Alexandre de Rhodes.

Cuốn sách kể cho độc giả về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ đầy ly kì với các mốc lịch sử quan trọng. Ảnh: Rei.

Cuốn sách kể cho độc giả về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ đầy ly kì với các mốc lịch sử quan trọng. Ảnh: Rei.

Chính trong cuốn Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ cũng bàn đến chuyện: Có người cho rằng Alexandre de Rhodes không xứng đáng là tác giả của công trình trên. Nhưng vào thời đó chưa có luật Sở hữu trí tuệ, trong khi Alexandre de Rhodes là người tổng hợp, đứng ra chủ trì việc xin ngân sách và chịu trách nhiệm in ấn tại Roma, nên các cuốn sách được gắn với tên ông.

Bên cạnh câu chuyện về Alexandre de Rhodes, cuốn Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ còn dành hẳn một phần để ghi lại Chữ quốc ngữ ký sự. Qua đó ghi lại những dấu ấn quan trọng trong việc phát triển chữ Quốc ngữ từ thế kỉ 17, cho tới đóng góp của các linh mục Việt Nam như Filippe Bỉnh, thầy Pao, thầy Ngần, thầy Liễn… Và hành trình ấy còn được nối dài với đóng góp của nhiều cá nhân giúp phổ biến chữ Quốc ngữ ở Nam Kì, sau đó là toàn quốc.

Thùy Dương

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/nhung-cau-chuyen-ly-ky-trong-cuon-sach-hanh-trinh-sang-tao-chu-quoc-ngu-post1681872.tpo