Những câu chuyện xúc động trong lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê hương Đông Hội
Từ sáng sớm ngày hôm nay 25-7, ngày đầu tiên diễn ra lễ quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng nghìn người dân gần xa đã đến làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh – quê nhà của Tổng Bí thư, nơi đã sinh ra người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.
Sau nhiều ngày mưa tầm tã, thời tiết sáng sớm nay 25-7 dần hửng nắng và tạnh ráo. Nhờ vậy việc di chuyển của người dân khi đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà đồng chí ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng thuận lợi hơn. Từ tờ mờ sáng, nhiều người từ khắp các làng trên xóm dưới, thôn xã bên cạnh và khắp các nơi đã có mặt tại phía bên ngoài nhà văn hóa thôn Lại Đà – nơi diễn ra lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để chờ giây phút vào chào tiễn biệt nhà lãnh đạo đã dành cả cuộc đời mình vì nhân dân, vì đất nước.
Ngay từ đầu lối rẽ vào thôn Lại Đà, dọc hai bên đường đều có các trạm hướng dẫn, phân luồng giao thông, phục vụ nước uống miễn phí cho người dân. Công tác đảm bảo an ninh được các lực lượng vũ trang và các tổ chức, đoàn hội triển khai bài bản, khoa học. Đặc biệt, hệ thống xe điện được đưa vào hoạt động và các xe di chuyển liên tục để đưa đón người dân từ khu vực bên ngoài thôn vào tận nơi tổ chức lễ viếng. Dòng người đổ về ngày càng đông nhưng không ai bảo ai, tất cả đều giữ trật tự và xếp hàng ngay ngắn đề chờ đến lượt vào viếng.
Là một trong những người có mặt sớm nhất tại nhà văn hóa thôn Lại Đà để vào viếng, cô Phạm Thị Tô Trâm – Đảng viên thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, Đông Anh, nguyên chuyên viên Ban tổ chức Quận ủy Tây Hồ xúc động chia sẻ, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cô vô cùng bàng hoàng, thương tiếc. Khi vào bên trong khu vực lễ viếng, đứng trước di ảnh của đồng chí Tổng Bí thư, cô bật khóc, cảm xúc không thể diễn tả thành lời, như là vừa mất đi một người thân.
Nhớ lại, cô Phạm Thị Tô Trâm kể, dịp đầu năm vừa cô đã được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong dịp địa phương tổ chức một sự kiện tôn vinh người cao tuổi và Tổng Bí thư cũng đến dự. Tại đây, cô tận mắt chứng kiến cử chỉ ân cần, tác phong giản dị và cách nói chuyện gần gũi, thân tình, cởi mở của người lãnh đạo đứng đầu đất nước với người dân.
“Với dân làng cũng thế, tôi được nghe mọi người trong thôn kể, cứ có điều kiện là bác lại về thăm hỏi từ người thân trong họ hàng đến nhân dân trong thôn, rồi công việc ở xã. Cả cuộc đời bác đều cư xử giản dị, chân tình như vậy chứ không phải riêng lúc nào cả. Con trai, con gái của hai bác cũng đều thể hiện rõ là những người được răn dạy và sống đạo đức giống như cha mẹ của mình.” – cô Phạm Thi Tô Trâm bày tỏ, đồng thời cho biết bản thân luôn tự nhắc mình và nhắc con cháu trong gia đình noi theo lối sống và nhân cách của bác.
Nhà ở ngay cạnh khu vực nhà văn hóa thôn Lại Đà, cô Nguyễn Thị Loan cùng gia đình vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ sớm. Trở về, cô ngồi thẫn thờ ngoài cửa, vừa nhìn vào khu vực cử hành lễ viếng, vừa rưng rưng kể, khi nhận tin bác qua đời, mọi người trong làng đều chuyếnh choáng, hụt hẫng. Dù vẫn biết chẳng ai có thể tránh được quy luật sinh- lão-bệnh-tử trên đời, song sự ra đi đó vẫn hết sức đột ngột. Cũng theo cô Nguyễn Thị Loan, trước khi sức khỏe sụt giảm nghiêm trọng và phải nhập viện điều trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã cùng vợ về qua thăm nhà ở Lại Đà, xong lại gấp rút trở về Trung ương để làm việc.
“Là một người dân trong thôn, cũng là một người con nước Việt, tôi thương bác quá! Đất nước đang giai đoạn chuyển mình, còn nhiều việc cần đến bác, nhân dân ai cũng tin yêu bác, không ngờ bác lại ra đi lúc này. Giờ bác tuy không còn nữa nhưng chắc chắn hình ảnh của bác vẫn còn mãi trong lòng chúng ta.” – cô Nguyễn Thị Loan xúc động chia sẻ và nói thêm, có rất nhiều câu chuyện xúc động về Tổng Bí thư nhưng cô đặc biệt cảm động khi bác dù ở cương vị người đứng đầu đất nước vẫn không bao giờ quên công ơn của người thầy từng dạy dỗ mình nên người. Cô được nghe kể, dịp Tết năm vừa rồi, ông vẫn đến thăm cô giáo cũ, mang theo bó hoa, phong bánh và bộc bạch: “nay mình làm chức này, mai có khi làm công việc khác, nhưng dù thế nào thì mình vẫn là mình”.
Bước ra từ lễ viếng, ông Phạm Tuấn Thanh sinh năm 1953 (thôn 4, xã Lại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) một tay cầm gậy, một tay xách túi nilong đựng đôi dép cũ bên trong, vừa đi vừa trầm ngâm dụi nước mắt. Ông Thanh cho biết, 5 ngày hôm nay kể từ khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, ông không tài nào ngủ được, trong lòng trào dâng nỗi tiếc thương vô hạn.
Sáng sớm ngày 24-7, ông khoác balô, gọi xe taxi ra bến xe Mỹ Đình rồi từ đây đón xe buýt để đi tiếp về Lại Đà. Trải qua 3 chặng xe buýt, ông cũng đến được quê nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi nghe câu chuyện của ông, đích thân Bí thư Đảng ủy xã đã làm thủ tục đăng ký viếng giúp ông, rồi sau đó còn đưa ông ra nhà của một hộ dân ở gần khu vực tổ chức lễ viếng, thu xếp hỗ trợ ông ăn uống và ngủ lại tại đó, chờ đến sáng sớm hôm sau ra chỗ viếng cho gần.
Vị cựu binh 72 tuổi cho biết, ông mong mỏi được đến tận nơi để tỏ lòng tiếc thương và thành kính với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hành trang ông mang theo trong balo là 3 bức tượng bằng đồng nặng khoảng 10kg tạc hình ba ông “Phúc – Lộc – Thọ” và bài thơ có tựa đề “Người thật việc thật” mà ông viết ngay khi nghe tin Tổng Bí thư qua đời: “Nghe tin bác Trọng qua đời/ Em thương, em tiếc, có lời đến thăm/ Em có kỷ vật nhiều năm/ Về quê bác Trọng, viếng thăm gia đình”.
Đặc biệt, ông Thanh chia sẻ, ông lặng lẽ xếp sắp những món quà này vào balo, tìm cách đến tận Lại Đà để trao lại cho người nhà của Tổng Bí thư. Chuyến đi này, ông giấu con cháu trong nhà vì mọi người vẫn thường lo lắng sức khỏe ông yếu, không đảm bảo để đi đâu xa nhà. Chỉ khi đến được chỗ cử hành lễ viếng, ông mới dám nghe điện thoại của con cháu và chỉ bảo sang nhà bạn gần đó vài hôm.
“Nghe tin bác Trọng mất, hai hàng nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi. Tôi vừa thương xót, vừa nuối tiếc vì bác đã và đang làm rất nhiều việc vì tương lai đất nước. Chương trình thời sự nào trên tivi mà có bác Trọng phát biểu, tôi đều không bỏ sót. Cách đây 2 năm, bác cũng từng về xã Yên Sở, cách xã tôi 2 cây số. Lần đó tiếc là tôi không được có dịp gặp bác. Tôi rất tiếc.” – ông Phạm Tuấn Thanh, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 269, Bộ Tư lệnh Công binh chia sẻ.
Cũng xuất hiện tại lễ viếng vào sáng nay 25-7, NSND Đỗ Kỷ đi cùng một người bạn. Nghệ sĩ cho biết, những ngày đầu tiên khi anh mới chuyển công tác về Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VHTT&DL từng có cơ hội được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó cũng là năm đầu tiên bác giữ cương vị Tổng Bí thư. Sau Đại hội, bác có tổ chức một cuộc gặp mặt nhỏ để cảm ơn những người đã phục vụ Đại hội. Đó cũng là lần đầu tiên anh có dịp gặp trực tiếp bác ở ngoài đời và rất bất ngờ khi nhận thấy bác rất gần gũi, chân tình. Mặc dù vừa trải qua những ngày Đại hội với cường độ làm việc rất lớn, vậy nhưng sau khi sự kiện quan trọng này khép lại, bác vẫn ngay lập tức dành thời gian cuối giờ chiều để nói lời cảm ơn tới anh chị em đã vất vả phục vụ cho công tác Đại hội.
Chỉ tính trong buổi sáng 25-7, lễ viếng được cử hành ở quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận sự có mặt của hàng chục nghìn người dân ở khắp nơi. Nhiều cá nhân, đơn vị đã bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với vị lãnh đạo vĩ đại của đất nước bằng những hành động nhỏ nhưng thiết thực như quyên góp hàng nghìn thùng nước uống để phục vụ người dân. Các xe tải chở nước sau khi đến đầu thôn Lại Đà tiếp tục được người dân trong thôn mỗi người một tay chuyển về từng trạm dừng nghỉ suốt dọc hai bên đường đi.
Một số hình ảnh ghi nhận tại lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 25-7-2024 tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh: