Những cây cầu mang trọng trách cân bằng sự phát triển
Trải qua 50 năm sau chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, Thủ đô Hà Nội đã vươn mình cùng đất nước với những bước phát triển vượt bậc, mang tầm vóc lớn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, đô thị, đời sống người dân… Năm 2025, với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, Hà Nội đã quyết tâm khởi công 3 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng. Đây là những dự án lớn nhằm cải thiện hệ thống giao thông đô thị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
“Cú hích” phát triển kinh tế Thủ đô
Với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, UBND TP Hà Nội cho rằng việc sớm triển khai đầu tư xây dựng ba cầu lớn vượt sông Hồng (cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi) là cấp thiết. Các cầu này sẽ tăng tính kết nối giao thông liên vùng, kết nối trung tâm TP Hà Nội với khu vực phía bắc, đông bắc sông Hồng. Trong văn bản trình Chính phủ mới đây, UBND TP Hà Nội đã đề xuất Chính phủ phê duyệt khởi công 3 cây cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn trong năm 2025.
Cụ thể, cầu Tứ Liên được Hà Nội trình Chính phủ dự kiến khởi công ngày 19/5/2025 nhằm kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2025). Cầu Trần Hưng Đạo được TP Hà Nội dự kiến khởi công ngày 19/8/2025 để đánh dấu mốc lịch sử 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025). Cầu Ngọc Hồi được đề xuất khởi công ngày 2/9/2025, nhân kỷ niệm 80 năm Quốc khánh.

Hà Nội chọn phương án cầu Trần Hưng Đạo với kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau, lặp lại 6 nhịp.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo sẽ góp phần kết nối khu vực trung tâm Hà Nội với khu vực phía Đông, hoàn thiện kết nối Đông - Tây của TP, tạo điều kiện, tiền đề để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị, tạo điểm nhấn kiến trúc của TP. Đồng thời, giảm áp lực giao thông cho các cầu vượt sông Hồng hiện tại như cầu Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa khu trung tâm với khu vực phát triển phía Đông TP. Với tổng mức đầu tư gần 16.000 tỷ đồng, cầu Trần Hưng Đạo được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những công trình giao thông quan trọng nhất của Hà Nội trong những năm tới.
Đây không chỉ là một cây cầu mới bắc qua sông Hồng mà còn là giải pháp chiến lược giúp kết nối nội đô với các khu vực lân cận hiệu quả hơn. Cầu Trần Hưng Đạo sẽ có nhiều điểm khác biệt so với các cây cầu hiện tại như cầu Chương Dương hay cầu Vĩnh Tuy. Đầu tiên, về quy mô, cầu Trần Hưng Đạo sẽ rộng hơn với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp và 2 làn đi bộ, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu vận tải và giao thông đô thị. Kết cấu cầu sẽ bao gồm các nhánh cầu được tính toán kỹ lưỡng, đáp ứng nhu cầu giao thông hiện tại và trong tương lai.
Đối với cầu Tứ Liên, TP Hà Nội đánh giá dự án này là công trình cấp đặc biệt, đường đầu cầu là đường trục chính đô thị. Cầu Tứ Liên và đường 2 đầu cầu từ nút giao đường Nghi Tàm đến nút giao đường Trường Sa với chiều dài khoảng 5,15km. Dự án nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, Long Biên và huyện Đông Anh, có tổng mức đầu tư 20.171 tỷ đồng. Đây là cây cầu được coi như át chủ bài của giao thông Hà Nội. Kiến trúc độc đáo của cây cầu hứa hẹn sẽ đưa nơi đây trở thành 1 trong những biểu tượng mới của Thủ đô năng động.
Cụ thể, cầu được thiết kế là cầu dây văng, 2 hệ cột trụ được tạo dựng như hình ảnh của 4 con rồng đang từ mặt nước bay vút lên trời cao, kết hợp với hệ thống dây văng như những tia nước bám trên thân rồng đang bắn tung ra. Ý tưởng này gắn chặt với tên gọi Thăng Long - Hà Nội, với ý nghĩa mảnh đất rồng bay lên. Ở một góc nhìn khác, 2 trụ cầu chính của cầu Tứ Liên hiện lên mềm mại như 2 chú chim bồ cầu nhỏ đang chao liệng trên dòng sông Hồng - dòng sông Mẹ gắn liền với lịch sử thăng trầm của Thủ đô. Sau khi hoàn thành, cầu Tứ Liên sẽ cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Hồng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực làm tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân số, giảm áp lực giao thông trong khu vực trung tâm TP. Đồng thời, giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân, Thăng Long và cầu Vĩnh Tuy; góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho Thủ đô và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng.

Cầu Tứ Liên nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, Long Biên và huyện Đông Anh, có tổng mức đầu tư 20.171 tỷ đồng.
Cầu Ngọc Hồi là một dự án trọng điểm trong quy hoạch giao thông của Hà Nội được dự kiến khởi công ngay trong năm 2025, với mục tiêu nhằm kết nối khu vực phía Nam TP với khu Đông và các tỉnh lân cận. Cầu Ngọc Hồi nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) và xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội), liền kề với thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, việc đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường đầu cầu sẽ hoàn thiện theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 3,5 theo quy hoạch phát triển giao thông; kết nối trực tiếp sang tỉnh Hưng Yên, giúp tăng sự liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tạo điều kiện thuận lợi, liên kết các khu đô thị mới, như: Khu đô thị Ecopark, Khu đô thị Đại An, Khu đô thị Dream City… Từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam của Hà Nội cũng như các tỉnh phía Nam và Đông - Nam của Vùng Thủ đô như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh. Chiều dài cầu chính vượt sông Hồng và cầu dẫn dài 7,2km, chiều rộng 33m; đường đầu cầu phía Hưng Yên khoảng 300m, chiều rộng 60m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.770 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội và ngân sách trung ương.
Mỗi cây cầu mang một biểu tượng về văn hóa
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, việc khởi công dự án các cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi là “bước thử” để Hà Nội đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên. Theo Chủ tịch Trần Sỹ Thanh, trong bối cảnh hiện nay, với những tình huống đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt đòi hỏi phải có giải pháp đặc biệt.
“Về nguyên tắc, lãnh đạo TP quyết tâm khởi công cầu Tứ Liên vào ngày 19/5/2025 với tinh thần không “bàn lùi”, khởi công cầu Trần Hưng Đạo trên tinh thần bám theo đó. Cầu Ngọc Hồi sẽ được khởi công sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ đầu tư. TP sẽ vận dụng cơ chế chỉ định thầu, vận dụng cơ chế đã áp dụng ở dự án đường sắt đô thị trên tinh thần chủ động thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo thành phố chịu trách nhiệm”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc Hà Nội xây dựng thêm những cây cầu không chỉ giúp giảm áp lực giao thông, giảm dân số trong nội đô mà còn góp phần sử dụng hiệu quả nguồn đất đai phong phú để tái cơ cấu kinh tế, hình thành và phát triển các khu dân cư mới. Qua đó làm thay đổi giá trị về mặt đất đai, tiêu biểu như khi cầu Nhật Tân đi vào sử dụng, giá đất khu vực Đông Anh rộ lên, hay khi làm cầu Thanh Trì, giá đất ở khu vực Thanh Trì và Gia Lâm được nâng lên rất cao. Từ đó có thể thấy cầu sẽ làm phát huy giá trị của đất đai. Mặc dù vậy, một yếu tố cơ bản là phải căn cứ vào quy hoạch, đặt ra vấn đề quanh khu vực cầu sẽ làm gì, sẽ có khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, du lịch… mới tác động mạnh đến giá đất.
Nếu như trước đây, việc xây dựng các cây cầu chỉ nhằm mục đích đi lại, giao thương giữa hai bên bờ sông, thì giờ đây, những cây cầu còn mang trong mình trọng trách giúp cân bằng cho sự phát triển, nó giống như cán cân khổng lồ, điều tiết, hài hòa giữa đôi bên. Có thể nói, cầu không chỉ là đảm bảo mục tiêu giao thông, mà cầu là biểu tượng văn hóa của một giai đoạn nhất định, mỗi cây cầu sẽ phải mang cho mình một yếu tố đặc thù riêng.