Cầu nước Magdeburg, Đức: Được khởi công xây dựng từ năm 1905 nhưng bị hoãn lại do Chiến tranh thế giới thứ 2, đến năm 1997, cầu nước Magdeburg mới tái xây dựng trở lại và được khánh thành, đưa vào sử dụng năm 2003. Xây dựng từ 24.000 tấn thép và 68.000 m khối bê tông, với tổng chiều dài 918 m, trong đó phần cầu chính gồm 3 nhịp dài 228 m, rộng 34 m và sâu 4,25 m, Magdeburg được xem là cây cầu nước hiện đại nhất thế giới.
Cầu nước Pontcysyllte, Anh: Bắt đầu xây dựng năm 1795 và hoàn thành năm 1805, công trình này được coi là một trong những thành tựu khoa học kỹ thuật vĩ đại nhất thời bấy giờ. Cho đến ngày nay, Pontcysyllte vẫn là cây cầu nước dài và cao nhất ở Anh. Đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới của nhân loại vào năm 2009.
Cầu nước Barton Swing, Anh: Barton Swing là cây cầu nước xoay đầu tiên và duy nhất trên thế giới, được thiết kế bởi kỹ sư Sir Edward Williams và hoàn tất xây dựng vào năm 1894. Từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay, cây cầu vẫn hoạt động thường xuyên và ổn định. Khi các tàu lớn cần đi qua, cây cầu nặng 1.450 tấn và dài 100 m làm bằng sắt sẽ được quay theo góc 90 độ, nằm dọc theo kênh Manchester Ship.
Cầu nước Haverud, Thụy Điển: Haverud được xây dựng giữa năm 1865, nằm trong hệ thống kênh đào Dalsland, giúp cho tàu thuyền qua lại giữa hồ Vanern với khu vực trung tâm của Dasland và vùng hồ phía Tây Nam của quận Varmland. Công trình này là hệ thống máng nước bằng thép dài 33,5 m, được ghép lại với nhau bằng 33.000 chiếc đinh tán.
Cầu nước Ringvaart Haarlemmermeer, Hà Lan: Cầu nước Ringvaart Haarlemmermeer được xây dựng vào năm 1961, là một phần của kênh đào Ringvaart bao quanh phần đất lấn biển Haarlemmermeer ở phía Bắc Hà Lan, đây được coi là một hệ thống dẫn nước hiện đại đầu tiên ở quốc gia này.
Cầu nước Pont du Sart, Bỉ: Pont du Sart là cây cầu mang nước từ kênh Centrumkanaal phía Tây Vương quốc Bỉ vượt qua giao lộ đường N55 và N535 gần thị trấn Houdeng-Goegnies. Hệ thống dẫn nước này được xây dựng bằng bê tông dài 498 m và rộng 46 m, trọng lượng khoảng 65.000 tấn được nâng đỡ bởi 28 trụ bê tông và mỗi trụ có đường kính 3 m.
Cầu nước Briare, Pháp: Cầu nước Briare mang nước từ kênh đào Latéral à la Loire vượt qua sông Loire đến sông Seine. Đây là chiếc cầu được xây dựng trên 14 trụ cầu cao 11,5 m, chiều rộng cầu là 5,2 m và chiều dài của hệ thống dẫn nước này là 662,7 m. Từ khi đưa vào hoạt động năm 1896 đến năm 2003, Briare được xem là hệ thống cầu dẫn nước dài nhất thế giới cho đến khi cầu nước Magdeburg tại Đức đưa vào sử dụng năm 2003 đã lấy đi vị trí số 1 của nó.
Cầu nước Edstone, Anh: Cầu nước Edstone, hay còn được gọi là cầu nước Bearley thuộc một phần của kênh đào Stratford-upon-Avon vùng Warwickshire, được ghép lại từ 250 tấm thép tạo thành một máng nước dài 145 mét, nằm trên 13 trụ cầu xây bằng gạch có chiều cao từ 8 đến 11 m. Chiếc cầu nước hơn 200 tuổi này trước đây còn được sử dụng để cung cấp nước cho những chiếc tàu chạy bằng hơi nước trên hệ thống đường sắt Alcester.
Cầu nước Naviduct Krabbersgat, Hà Lan: Cầu nước Naviduct Krabbersgat là một hệ thống dẫn nước với nhiệm vụ hỗ trợ tàu bè qua lại giữa hồ Markermeer và hồ Ijsslmeer, được tích hợp bởi một cơ chế khóa 2 chiều do mực nước giữa 2 hồ có sự chênh lệch cao thấp. Cầu Naviduct Krabbersgat dài 125 m, rộng 25 m bắc qua đường cao tốc N302 chạy dọc theo tuyến đê giữa 2 hồ, công trình này sử dụng chất liệu bê tông vô cùng đặc biệt nhằm đảm bảo không cần phải bảo trì sau một thời gian dài hoạt động.
Cầu nước Veluwemeer, Hà Lan: Cầu nước Veluwemeer dài 25 mét, cắt ngang đường cao tốc N032 gần thị trấn nhỏ Harderwijk, miền Đông Hà Lan. Hệ thống dẫn nước này đã giúp kết nối phần đại lục của Hà Lan với hòn đảo mang tên Flevoland, vốn được biết tới như là một trong những công trình nhân tạo vĩ đại nhất thế giới.